Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh một số nghề và làng nghề truyền thống vẫn còn tồn tại để giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương và phát triển kinh tế - xã hộị Tuy nhiên, việc đầu tư cho nghề và làng nghề truyền thống để phát triển du lịch chưa được chú trọng. Nguyên nhân, các làng nghề truyền thống không gian nhỏ hẹp, đường sá, cơ sở hạ tầng, điều kiện vệ sinh môi trường,…khó để du khách tiếp cận, tham quan và mua sắm các sản phẩm của làng nghề. Xuất phát từ nguyên nhân trên, giải pháp đề ra cho việc đưa nghề và làng nghề truyền thống vào phát triển du lịch là:
- Cần lựa chọn mô hình phù hợp đề đầu tư vào làng nghề truyền thống theo hướng gắn với phát triển du lịch. Hiện có hai mô hình làng nghề du lịch đang được các địa phương khác chọn để đầu tư:
78
+ Xây dựng làng nghề gắn với du lịch trên cơ sở làng nghề truyền thống vốn có của địa phương. Mô hình này do nhà nước và chính quyền địa phương đầu tư.
+ Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu du lịch rồi đưa mô hình làng nghề vào đó, phục dựng, tái hiện các không gian truyền thống của làng nghề và các phương thức sản xuất truyền thống để thu hút khách đến tham quan.
- Gắn việc đầu tư phát triển làng nghề phục vụ du lịch với chương trình xây dựng nông thôn mới để tận dụng những nguồn lực của chương trình này trong việc đầu tư hạ tầng giao thông, điện, nước trong các làng nghề nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận và đảm bảo tiện nghi cho du khách đến tham quan, mua sắm tại làng nghề.
- Cần đa dạng hóa sản phẩm tại các làng nghề, ưu tiên phát triển những sản phẩm du lịch sử dụng nguyên liệu địa phương, mang dấu ấn văn hóa, lịch sử của địa phương để hấp dẫn du khách, tránh sản xuất các sản phẩm na ná, tương tự như các địa phương khác, hoặc nhập hàng từ các địa phương khác, nhất là hàng Trung Quốc vào bán trong làng nghề của địa phương mình.
- Phải xây dựng cơ chế cùng hưởng lợi giữa công ty du lịch, chính quyền địa phương và cư dân địa phương nơi có làng nghề được đầu tư để phát triển du lịch, tránh tình trạng công ty du lịch thụ hưởng lợi nhuận nhưng để lại cho người dân và chính quyền địa phương những hậu quả xấu về môi trường, anh ninh và hạ tầng.
- Cần làm tốt công tác quảng bá vì làng nghề có sống được, có gắn bó với sự phát triển du lịch hay không chính là hiệu quả của công tác quảng bá. Một thực tế hiện nay trên trang web quảng bá du lịch hoặc các cổng thông tin điện tử của tỉnh còn khá sơ sài, không có bản đồ, thông tin chỉ dẫn đường đi đến, không có thông tin về giá cả, loại hình sản phẩm và các dịch vụ phục vụ du khách,…nên du khách khó tiếp cận các làng nghề để tham quan, mua sắm. Cần thay đổi cách quảng bá theo hướng chuyên nghiệp, bài bản thì mới có thể đưa du khách đến với các làng nghề truyền thống và mới có thể khai thác các làng nghề để phát triển du lịch một cách hiệu quả.