Chất lượng sản phẩm không cao, không đạt tiêu chuẩn là nguyên nhân chủ yếu cản trở quá trình xâm nhập thị trường của nông sản Việt Nam. Do vậy giải pháp về chất lượng là giải pháp có tính chiến lược lâu dài mà các doanh nghiệp cần theo đuổi.
Nhà nước cần chủ động và tích cực hơn nữa trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp và hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất kinh doanh để sử dụng những công nghệ tiên tiến trong canh tác, nuôi trồng, giúp người nông dân tăng năng suất và chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất đến khâu chế biến, bảo quản, đặc biệt là các công nghệ thân thiện với môi trường. Đồng thời, khuyến khích áp dụng các quy chuẩn quốc tế về kỹ thuật đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến nông sản, các quy định về quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm. Muốn có một sản phẩm chất lượng, nguồn giống phải là yếu tố được quan tâm đầu tiên. Do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tạo điều kiện, liên kết với các nước, tổ chức các khóa đào tạo cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp và các trung tâm giống được giao lưu học hỏi về các phương pháp nghiên cứu giống tiên tiến. Đồng thời, nâng cấp và đầu tư mới các trung tâm nhân giống.
65
Một sản phẩm có chất lượng hay không phụ thuộc phần lớn vào quy trình chế biến sau khi thu hoạch. Cho dù giống tốt, thu hoạch đúng thời vụ, nhưng nếu các mặt hàng nông sản không được chế biến tốt thì không thể đảm bảo chất lượng để xâm nhập vào thị trường khó tính như EU. Bởi vậy, Nhà nước nên hỗ trợ vốn, ưu đãi thuế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư các dây chuyền chế biến hiện đại. Thông qua các chương trình hội thảo, kênh truyền hình… Cục khuyến nông cần tuyên truyền thêm kiến thức về chế biến nông sản, từ khâu xây dựng khu vực chế biến cho đến quy trình sản xuất, đầu tư công nghệ chế biến phù hợp.
Nhà nước cần thành lập và chỉ đạo một số cơ quan tiến hành kiểm tra, giám định chất lượng nông sản xuất khẩu, đảm bảo nông sản xuất khẩu vào EU đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn chất lượng của thị trường, tránh trường hợp nông sản bị trả về, ảnh hưởng đến uy tín chất lượng của doanh nghiệp và gây khó khăn cho việc xây dựng hình ảnh. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường quản lý theo chuỗi, thống kê danh sách các cơ sở sản xuất để đưa vào danh sách quản lý, xử lý khi có vi phạm; tiến hành phân loại doanh nghiệp theo mức độ để tăng cường kiểm soát đối với những doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn. Tổ chức các cuộc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất để đánh giá chính xác hoạt động của doanh nghiệp, tránh việc các doanh nghiệp lơi lỏng thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, phải tiến hành nghiêm ngặt việc kiểm tra cuối cùng đối với các lô hàng nông sản xuất khẩu, đảm bảo không xuất khẩu những lô hàng không đáp ứng tiêu chuẩn. Xử lí nghiêm và có chế tài phù hợp xử lí những hành vi vi phạm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm hay cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của nông sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể chủ động đưa các quy định về tiêu chuẩn chất lượng vào hợp đồng kí kết với EU để hạn chế việc bị đánh đồng với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chất lượng kém, đồng thời tránh việc bị ép giá. Quan trọng hơn, doanh nghiệp sản xuất nên tự nâng cao ý thức và nâng cao trình độ sản xuất của mình thông qua các giấy chứng nhận như giấy chứng nhận về trình độ quản lý ISO 9001, giấy chứng nhận trình độ bảo vệ môi trường ISO 14000, giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt GAP, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm HACCP… Đạt được những chứng nhận này giúp Việt Nam khẳng định được trình độ, nâng cao uy tín, tính cạnh tranh, đồng thời giúp các doanh nghiệp vượt qua
66
rào cản kỹ thuật khắt khe của EU. Tìm nhà cung cấp đầu vào có nhiều nguyên vật liệu mới mang nhiều tính ưu việt để giúp sản phẩm của mình có nhiều ưu điểm hơn, khi sản phẩm đưa ra ngoài thị trường sẽ có ưu thế cạnh tranh hơn.