Các lý thuyết xã hội học

Một phần của tài liệu Bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở vùng ven đô thành phố hà nội hiện nay (Trang 36)

2.1. Lý thuyết về bánh xe quyền lực và sự kiểm soát

“The Power and Control Wheel” nhấn mạnh việc người chồng dùng quyền lực như là một phương tiện để kiểm soát người vợ của mình. Những hành vi như ép buộc, đe dọa, dụ dỗ của người chồng được lý thuyết này mô tả gắn liền với các bạo lực thể xác và bạo lực tình dục mà người chồng dùng như là một phương tiện để thực hiện và duy trì quyền lực và sự kiểm soát đối với người vợ. Bánh xe quyền lực và sự kiểm soát” cho thấy những yếu tố như cờ bạc, rượu chè, ngoại tình chỉ là những yếu tố thúc đẩy hành vi bạo lực được thực hiện nhanh hơn chứ không phải là nguyên nhân của bạo lực. Lý thuyết cho rằng, hành vi bạo lực của người chồng được thực hiện một cách có ý thức, với mục đích buộc người vợ phải nghe theo và phục tùng mình. Và đây mới là nhân tố quyết định dẫn đến hành vi bạo lực của người chồng chứ không phải là thái độ của người vợ là nguyên nhân. (vì đôi khi, người vợ bị đổ lỗi cho việc họ trở thành nạn nhân và nhiều người cho rằng chính người vợ tự đẩy mình vào nguy cơ bị bạo hành). Một khi người chồng đã kiểm soát và tạo dựng được quyền lực với người vợ thì sự kiểm soát và quyền lực này càng được củng cố bằng các hành vi đe dọa mà không cần dùng đến bạo lực nữa.

Lý thuyết này cho chúng ta thấy phần nào bản chất của bạo lực gia đình là một hành vi do con người tạo ra một cách có ý thức. Người chồng gây bạo lực với vợ vì biết rằng hành động của anh ta sẽ mang lại những kết quả nhất

định đối với người vợ hoặc đối với mối quan hệ của họ (Casey, 2006). Việc sử dụng bạo lực của người chồng đối với người vợ không phải chỉ để đạt được và duy trì sự kiểm soát mà nó còn nhắc nhở người phụ nữ về vị trí phụ thuộc của họ đối với người chồng (Kramarae and Spencer, 2000). Thông thường, khi bị bạo lực, người vợ thường cố gắng để làm theo những yêu cầu của chồng với hi vọng anh ta sẽ không tiếp tục lặp lại các hành vi gây bạo lực. Mặc dù, việc làm cho chồng hài lòng sẽ buộc người vợ phải thực hiện những việc mà mình không muốn hoặc không có lợi cho mình như bỏ đi những sở thích riêng, bỏ đi những mối quan hệ bạn bè mà chồng không thích¸ thậm chí phải nghỉ việc nếu anh ta muốn vậy. Khi đó, người phụ nữ nghĩ rằng mình đã cố gắng rất tốt để làm hài lòng chồng và đó cũng chính là điều mà anh ta mong muốn khi thực hiện hành vi bạo lực. Có thể minh họa cho những thủ đoạn của người chồng trong vòng tròn bạo lực và sự kiểm soát như sau2

6

2.2. Lý thuyết nữ quyền

Nếu như lý thuyết chức năng coi gia đình là một thiết chế phổ biến, một đơn vị thống nhất, hài hòa, có chung lợi ích và đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, thì chủ nghĩa nữ quyền coi gia đình là thiết chế trung tâm của áp bức giới. Gia

đình là nơi con người với những hoạt động và quyền lợi khác nhau trong quá trình tương tác sẽ tiến tới xung đột, mâu thuẫn với nhau. Gia đình cũng không phải là một yếu tố tự nhiên mang tính chất sinh học có tính phổ biến mà là kết quả của quan hệ xã hội và hoàn toàn có thể thay đổi.

Chủ nghĩa nữ quyền bắt đầu từ sự nhận thức về sự áp bức bóc lột phụ nữ trong xã hội, cũng giống như chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa nữ quyền không coi sự áp bức bóc lột phụ nữ là sản phẩm của cá nhân hay sự khác biệt về sinh học giữa phụ nữ và nam giới mà là sản phẩm thuộc về cơ cấu xã hội.

Theo các nhà nữ quyền, gia đình là nơi tập trung chủ yếu nhất của sự áp bức phụ nữ, do đó, gia đình cũng là mục tiêu quan trọng nhất của cuộc cách mạng về giới. Phân tích nữ quyền về sự áp bức bóc lột phụ nữ trong gia đình thể hiện ở ba lĩnh vực chính: phân công lao động theo giới trong gia đình, quyền quyết định trong gia đình và bạo lực giới trong gia đình.

Cùng với sự phân tích mối quan hệ quyền lực bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới trong gia đình bắt nguồn từ phân công lao động theo giới, từ trật tự của chế độ gia trưởng, sự phân tích nữ quyền về mặt trái của cuộc sống gia đình tập trung vào bạo lực thể chất của đàn ông chống lại phụ nữ trong gia đình, với tư cách là hậu quả của mối quan hệ quyền lực bất bình đẳng.

Theo cách giải thích nữ quyền, bạo lực của đàn ông có nguồn gốc từ tư tưởng nam trị - họ thiếu sự hiểu biết xác thực về cuộc sống của người phụ nữ, và trong một số trường hợp họ không tính đến hậu quả đối với người phụ nữ vô tội mà bạo lực gây ra cho họ. Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về bạo lực của đàn ông, song các nhà nữ quyền đều đi đến kết luận rằng bạo lực của đàn ông đối với phụ nữ có nguồn gốc từ mối quan hệ xã hội có tính chất gia trưởng.

Việc áp dụng thuyết nữ quyền vào nghiên cứu bạo lực gia đình có những lợi ích nhất định, nhưng hạn chế lớn nhất của lý thuyết này là những giả thuyết của nó không đủ tính khái quát đối với tất cả nam giới và không bao

quát hết những mối quan hệ giữa các cá nhân. Nếu chúng ta chấp nhận giả thuyết rằng nam giới gắn liền với quyền lực và kiểm soát và bạo lực là cơ chế cần thiết được sử dụng để duy trì hệ tư tưởng gia trưởng thì tại sao bạo lực lại chỉ xảy ra trong gia đình này và không xảy ra trong gia đình khác (Nguyễn Hữu Minh, 2009).

2.3. Lý thuyết Chu kỳ bạo lực

Năm 1979, Lenora Walker, dựa trên kết quả nghiên cứu các nạn nhân của bạo lực đã đưa ra kết luận rằng, bạo lực được hình thành và phát triển theo một chu kỳ. Bạo lực trong gia đình không xảy ra ngẫu nhiên mà cũng không phải bất biến, nó xảy ra theo những chu kỳ được lặp đi lặp lại nhiều lần (Walker L. 1979 in “The Battered Women” – dẫn theo Toby D. Goldsmith và Maria Vera, 2000).

Tác giả lý thuyết cho rằng, chu kỳ bạo lực bao gồm ba giai đoạn chính. Giai đoạn 1: Hình thành sự căng thẳng: các mâu thuẫn bắt đầu được hình thành từ các vấn đề thường ngày như “cơm áo gạo tiền” hay công việc hoặc nuôi dạy con cái... dưới hình thức bạo lực bằng lời nói. Nạn nhân thường cố gắng kiểm soát tình hình bằng cách cố gắng làm hài lòng người gây ra bạo lực, hoặc tìm cách tránh bạo lực xảy ra; Giai đoạn 2: Sự ngược đãi, đánh đập nghiêm trọng xảy ra. Ở giai đoạn này, sự căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm, bạo lực thân thể xuất hiện và thường phụ thuộc tâm trạng của người bạo hành và các yếu tố bên ngoài, nghĩa là bạo hành xảy ra vào một thời điểm bất kỳ, không đoán trước được và nằm ngoài tầm kiểm soát của nạn nhân; và Giai đoạn 3: Giai đoạn “trăng mật”: người gây ra bạo lực tỏ ra hối hận hoặc đổ lỗi cho đối phương, hoặc thể hiện sự quan tâm đến gia đình, bày tỏ tình yêu thương và hứa hẹn, nạn nhân có thể bị thuyết phục bởi những hành vi này và mối quan hệ vợ chồng được tiếp tục duy trì.

Chu kỳ này có thể được lặp đi lặp lại nhiều lần và giải thích lý do tại sao nạn nhân vẫn tiếp tục sống trong bạo lực. Bạo lực có thể diễn ra một cách tồi tệ,

nhưng sự hứa hẹn của kẻ bạo hành và sự tha thứ của nạn nhân trong giai đoạn “trăng mật” đã làm cho nạn nhân tin tưởng rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn.

Lý thuyết “Chu kỳ bạo lực”này của Walker đã được các nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn một cách rộng rãi để tìm hiểu điều gì đang xảy ra đối với cuộc sống của người phụ nữ bị bạo hành. Tuy nhiên, từ một số cách nhìn và quan điểm khác nhau, lý thuyết này đã được các nhà nghiên cứu bổ sung và thay đổi cách phân đoạn. Casey (2006) đưa ra chu kỳ bao gồm 6 giai đoạn: giai đoạn bắt đầu (có căng thẳng giữa vợ và chồng), đe dọa, bùng nổ (bạo lực xảy ra), hối hận (người chồng sau khi gây bạo lực cảm thấy xấu hổ về hành động của mình và lo lắng về những hậu quả có thể xảy ra), theo đuổi (người chồng tìm mọi cách để lấy lại niềm tin với vợ bằng những lời hứa hẹn và quà tặng, v.v.), và giai đoạn “trăng mật” (mối quan hệ giữa hai vợ chồng trở lại tốt đẹp). Theo chu kỳ này, hành vi bạo lực xảy ra và được tha thứ còn vấn đề gây ra bạo lực không được giải quyết và rất có thể sau một thời gian, giai đoạn bắt đầu lại xuất hiện trở lại và bạo lực lại xảy ra.

Mỗi lý thuyết nêu ra ở trên đưa ra một cách giải thích riêng của mình và gắn với nó là các giải pháp can thiệp hoặc hỗ trợ phù hợp. Mặc dù không lý thuyết nào có được cách giải thích toàn diện về nguyên nhân, bản chất của

bạo lực gia đình nhưng rõ ràng mỗi lý thuyết đều có những điểm mạnh riêng. Qua các lý thuyết có thể thấy rằng bạo lực gia đình là một hiện tượng phức tạp, chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau từ môi trường xã hội, gia đình và tính cách của cá nhân (Mears and Visher, 2005).

Một phần của tài liệu Bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở vùng ven đô thành phố hà nội hiện nay (Trang 36)