Nhận thức và tâm lý

Một phần của tài liệu Bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở vùng ven đô thành phố hà nội hiện nay (Trang 92 - 94)

10 Nguồn: Kết quả Nghiên cứu bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam,

3.2.1. Nhận thức và tâm lý

Yếu tố tâm lý nhận thức thuộc về cấp độ cá nhân của người gây ra bạo lực và nạn nhân của bạo lực gia đình. Trong quá trình nghiên cứu, phỏng vấn, tác giả nhận thấy một trong những khó khăn hiện nay trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình chính là việc người dân chưa nhận dạng đúng các hành vi bạo lực gia đình. Khái niệm bạo lực gia đình đối với nhiều người,

(trong đó có cả cán bộ phụ nữ xã) chỉ là hành vi đánh vợ con. Mà phải là những hành vi đánh vợ nặng, bị thương, bầm dập mới gọi là bạo lực, chứ còn chỉ một cái tát thì cũng có lúc ko bị xem là hành động bạo lực gia đình “đàn ông thường nóng, tức điên lên thì cho vợ con cái bạt tai, đó là chuyện thường ấy mà, mình không nên coi đó là bạo lực”(nam, trường hợp phỏng vấn ở xã Kim Chung). Những hành vi chửi bới đối với các thành viên trong gia đình

không được coi là bạo lực gia đình. Như trên đã đề cập, hiện tượng ép vợ quan hệ tình dục của người chồng là khá phổ biến, nhưng nhiều người không coi đó là bạo lực gia đình. Không ít phụ nữ còn quan niệm việc cưỡng ép tình dục là một trong những quyền đương nhiên của người chồng “là chồng thì có

cái quyền đó rồi” (PVS nữ nạn nhân, 29 tuổi, trường hợp 7 ). Tư tưởng tự ty

về thân phận của người phụ nữ dẫn đến quyền hành tối cao của nam giới và địa vị phụ thuộc của người vợ vào người chồng càng được bộc lộ rõ nên sự phản kháng của người vợ đối với những hành vi của người chồng càng trở nên yếu ớt. Những người phụ nữ này thường cam chịu, nhẫn nhịn và ít khi nói ra ngoài bởi vì “xấu chàng hổ ai”. Điều đó càng làm cho bạo lực gia đình có cơ hội phát triển trong bóng tối và trở nên đáng sợ hơn. Chỉ đến khi những xung đột lớn xảy ra to tiếng, cãi vã thì hàng xóm, chính quyền mới biết.

Sự hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về hôn nhân và gia đình nói riêng của người dân còn thấp. Hầu hết mọi người cũng chỉ biết tới có Luật Hôn nhân và Gia đình, chứ không biết nội dung. Nhiều phụ nữ đã lập gia đình, là nạn nhân bị bạo lực gia đình nhưng họ cũng không nắm được những hành vi nào, mức độ đến đâu thì có thể bị pháp luật xử lý, “Tôi có bao giờ

biết cái Luật Hôn nhân và Gia đình ấy nó nói về cái gì đâu. Chỉ nghĩ vợ chồng về sống với nhau, có giấy tờ đăng kí hợp pháp, có tổ chức hàng xóm, họ hàng biết và không làm ăn phi pháp là không vi phạm gì rồi” (nữ nạn nhân, 22 tuổi, trường hợp 19).

Mặt khác tình mẫu tử cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều người phụ nữ chịu chấp nhận bị hành hạ. Mặc dù bị đánh đập, hành hạ song nhìn chung hầu hết những người vợ đều không muốn bị phá vỡ hạnh phúc gia đình vì họ không chịu đựng nổi cảnh con cái bị ly tán hoặc phải sống xa mình.

Về phía những người đàn ông trong gia đình có bạo lực, nguyên nhân về nhận thức cũng có phần giống với nạn nhân. Họ cũng cho rằng bạo lực là điều khó tránh khỏi trong đời sống gia đình “bát nước có khi sánh” và “mâm bát có khi xô”. Tư tưởng, quan niệm gia trưởng đã thấm sâu vào hệ ý thức của những ông chồng này. Họ luôn muốn dùng bạo lực để thể hiện uy quyền của mình, đó đôi khi là thông điệp của các ông chồng vũ phu gửi tới các bà vợ khi không nghe lời hoặc làm trái ý mình. Đây chính là nguyên nhân căn bản và sâu xa nhất đẩy không ít người phụ nữ vào cảnh sống gia đình không hạnh phúc.

Một phần của tài liệu Bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở vùng ven đô thành phố hà nội hiện nay (Trang 92 - 94)