10 Nguồn: Kết quả Nghiên cứu bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam,
3.2 Ảnh hưởng đến việc hình thành nhân các hở trẻ em
Con cái là kết quả tình yêu của các cặp vợ chồng. Người bố, người mẹ nào cũng mong con cái mình sinh ra và lớn lên được phát triển một cách bình thường. Tuy nhiên, ở những gia đình có bạo lực, trẻ em sẽ là những nạn nhân trực tiếp chịu hậu quả. Theo các chuyên gia tâm lý xã hội thì hành vi bạo lực trong cách cư xử của bố mẹ ngoài việc gây chấn thương tâm thần ở trẻ em, đôi khi kéo dài suốt cả cuộc đời thì còn dẫn đến nhiều hậu quả khác.
Ở những gia đình có bạo lực thì chính trong gia đình đã tồn tại những hiện tượng là mầm mống của bạo lực sau này do sự giáo dục của gia đình. Theo đó, trẻ em sống trong môi trường bạo lực thì lớn lên cũng dễ có hành vi bạo lực do làm theo những hành vi của người lớn.
“ …bạo lực gia đình bắt nguồn từ bất bình đẳng giới, và bất bình đẳng giới lại có nguồn gốc từ việc giáo dục trong gia đình. …khi còn nhỏ, những đứa trẻ không hề biết giới của mình được làm những gì. Dần dần, qua quan sát, trẻ nam sẽ xem bố mình hành động gì, trẻ nữ sẽ xem mẹ mình cư xử sao và chúng làm theo. Trong mắt chúng, bố luôn là người quyết định mọi việc quan trọng, được quyền quát mắng, thậm chí dùng bạo lực với phụ nữ. Còn mẹ bị giới hạn trong sự dịu dàng, nết na, nhường nhịn, thậm chí là phục tùng. Chúng xem đó là sự mặc định của tạo hóa, lớn lên chúng cũng làm theo như vậy.”
Bạo lực gia đình làm ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ. Hành động ngược đãi của người bố đối với người mẹ làm cho trẻ mất đi sự tôn trọng đối với người cha, coi thường mối quan hệ ruột thịt và gián tiếp dạy dỗ con trẻ có những hành động bạo lực với người khác. “Thường những gia đình có bố nghiện nghập, cờ bạc thì con cái cũng bị ảnh hưởng theo” (PVS, Cán bộ xã trường hợp 11).
Như vậy nghiên cứu cho rằng sự giáo dục, xã hội hóa trẻ em trong gia đình có vai trò quan trọng nhằm hình thành cho trẻ những giới hạn về cách ứng xử sau này mà xã hội không thể “làm thay” gia đình được
Nỗi phiền muộn vì không được quan tâm chăm sóc cũng như chứng kiến cảnh cha mẹ không yêu thương nhau khiến đứa trẻ trong những gia đình có bạo lực trở nên buồn chán và bỏ bê việc học hành.
Sống trong gia đình không hạnh phúc, nhiều trẻ em lớn lên đã mang theo một nỗi ám ảnh tinh thần đau đớn về hành vi ứng xử thô bạo của bố mẹ với nhau. Bố mẹ khó thấu hiểu hết những nối đau đớn, sợ hãi khi con trẻ phải chứng kiến những hành vi bạo lực của bố với mẹ “ Tôi nghĩ tôi có thể chịu đựng được những lần chồng đánh đập, chửi bới, nhưng tôi không muốn 2 đứa con nhìn thấy. Những lúc ông ấy nóng lên, hai đứa thường ngồi im một góc. Chỉ khi cô giáo chủ nhiệm gọi điện và gửi cho tôi bài làm văn kể về người mà em yêu thương nhất thì tôi mới biết điều đó đã làm con tôi buồn đến thế nào”(PVS nữ 37 tuổi, trường hợp số 8 ).
Thói bạo hành của người cha trong gia đình không những gây nên nỗi khiếp sợ, phai nhạt tình cảm mà nguy hiểm hơn là để lại trong trái tim con trẻ những di chứng tinh thấn nghiêm trọng. Mặc dù khiếp sợ và căm ghét thói bạo hành của người cha nhưng khi trưởng thành những đứa con , đặc biệt là con trai lại có xu hướng lặp lại cách cư xử của bố. Bản thân những đứa trẻ luôn bị ảnh hưởng tinh thần nghiêm trọng khi chứng kiến cảnh bạo lực của bố với mẹ. Chính điều này khiến trẻ nảy sinh tư tưởng tự tử, học kém, dễ có hành động bạo lực hoặc tâm tính thụ động.
Số liệu thống kê của Viện kiểm sát tối cao năm 2008 cho thấy 71% trẻ em phạm pháp là do không được quan tâm, chăm sóc đúng mức. Trong đó nguyên nhân phạm tội của trẻ xuất phát từ bi kịch của chính gia đình nơi trẻ sinh sống: 8% trẻ phạm tội có bố mẹ li hôn, 49% phàn nàn về cách đối xử của bố mẹ. Theo số liệu điều tra 2.209 học viên các trường giáo dưỡng, có tới 49.81% trong số này sống trong cảnh bị đối xử hà khắc, thô bạo, độc ác của bố mẹ.
“Những gia đình có bạo lực thường con cái không được ăn học đến nơi đến chốn, phần vì bố mẹ không quan tâm, bố lo cờ bạc rượu chè, nghiện hút, vợ lo làm kiếm tiền hoặc cũng buồn chán nên ko để ý đến con cái thường xuyên được. Phần vì mấy đứa đó không chịu học hành, bỏ bê, rồi lại theo bè theo bạ. Nói chung là chúng học hành không có kết quả tốt. Nhiều đứa thì mặc cảm chuyện bố mẹ như thế nên cũng trầm tính lắm, nhất là con gái. Trong quá trình hòa giải ở các gia đình có bạo lực gia đình, bọn tôi còn chứng kiến nhiều cháu ăn nói cũng xấc xược lắm, nhưng cũng có cháu chẳng nói chẳng rằng, các cô chú ở xã hỏi gì cũng nói không biết rồi bỏ đi chỗ khác. Làm công việc này tôi cũng nghĩ nhiều lắm, muốn cho gia đình nào cũng đừng có cái việc này thì mấy đứa nhỏ kia đâu có như thế. Cô thấy đó, mấy gia đình mà vợ chồng sống vui vẻ, hạnh phúc thì nhìn con cái họ nó cũng khác.” (PVS nam, tổ hòa giải, trường hợp số 6).
Bạo lực gia đình đối với phụ nữ còn để lại vết thương tâm lý khó quên đối với con cái. Tình trạng bố mẹ đánh nhau suốt ngày, bố nói mẹ không nghe hoặc ngược lại đương nhiên sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em. Nhiều đứa trẻ trở nên thù hận với người thân, mất niềm tin vào cuộc sống, thậm chí coi bạo lực là cách thức cư xử giữa con người với nhau. (Lê Thị Quý, 1999; Hội đồng dân số, 2002; Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan khác, 2008).
Gia đình là nơi trú ngụ của hạnh phúc, là nơi trở về sau những vấp ngã của mỗi con người là cái nôi nuôi dưỡng và giáo dục trẻ thơ. Nhưng trong nhiều trường hợp, bạo lực đang trở thành một trong những nguy cơ biến gia đình thành “địa ngục trần gian”, khiến cho nạn nhân của nó không biết đi về đâu. Dù ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạo lực gia đình luôn để lại những hậu quả không chỉ về thể chất, tinh thần mà còn về mặt kinh tế, xã hội. Trong đa số các trường hợp bạo lực, phụ nữ và trẻ em là nạn nhân chính. Bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của phụ nữ và cản trở sự phát triển của họ vì phải luôn luôn sống chung một nhà với kẻ gây ra bạo lực. Nỗi lo sợ bạo lực làm giảm tính cơ động của phụ nữ và hạn chế khả năng tiếp cận các nguồn lực và các hoạt động cơ bản của họ. (United Nations 1995:74). Hậu quả của bạo lực gây ra là một nỗi đau đặc biệt nghiêm trọng, nó không chỉ gây tổn thương đến cuộc sống, sức khỏe, danh dự của các thành viên trong gia đình mà còn vi phạm tới các chuẩn mực đạo đức xã hội, tiếp tay cho sự gia tăng các tệ nạn như: mại dâm, ma túy, người lang thang, tội phạm vị thành niên, nạn buôn bán trẻ em và phụ nữ...
Chương 3