10 Nguồn: Kết quả Nghiên cứu bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam,
3.1.3. Hậu quả về tinh thần
“Có lúc chị nghĩ, chỉ cần một liều thuốc, thế là mọi khổ sở sẽ chấm dứt, nhưng nghĩ đến con, đến bố mẹ lại thôi”(PVS nữ nạn nhân 37 tuổi trường hợp số 8) lời tâm sự của một nạn nhân nữ bị bạo lực về tinh thần thường xuyên từ chồng là một sự ám ảnh đối với những ai đang quan tâm và bảo vệ đến quyền của phụ nữ. Hậu quả về thể chất thì đau đớn về thể xác, nó thể hiện rõ ra, ai cũng có thể nhận thấy, nhưng những nỗi đau về tinh thần thì được dấu kín, âm thầm và bào mòn con người ta tưởng như có thể chết đi. Chỉ đến khi những người phụ nữ đó gặp được bạn bè hay một người nào đó cảm giác yên tâm để chia sẻ thì những nỗi đau ấy mới được thốt ra thành lời.
Không khí trong những gia đình này luôn căng thẳng, căng như dây đàn không biết đứt vào lúc nào, nó làm cho bầu không khí cả gia đình bị bao trùm bởi một thứ thật nặng nề. Nó không chỉ ảnh hưởng tới người vợ, người chồng, làm họ tỏ ra sợ sệt hoặc có thái độ chống đối, sẵn sàng tự vệ đối với nhau mà còn ảnh hưởng tới con cái rất nhiều “Chị thương con bé, mỗi lần bố mẹ to tiếng, nó ngồi im ở góc phòng sợ hãi, chỉ khi tối đến đi ngủ, nó mới ôm mẹ hỏi sao bố lại quát mẹ nhiều thế ạ? Con có thấy mẹ hư đâu”(PVS, nạn nhân nữ 22 tuổi trường hợp số 19).
Tình yêu trước kia dành cho nhau giờ đây trở thành sự khinh bỉ, ghê tởm. Những nạn nhân phải sống trong cảnh bạo lực luôn tỏ ra thiếu tự chủ, sợ hãi, tủi thân, suy nhược, trầm cảm và có xu hướng muốn tự vẫn. Nhưng đối với người phụ nữ, cuộc sống dù khó khăn tới đâu họ cũng cố gắng chịu đựng vì con cái. Nếu chỉ nghĩ cho bản thân họ có thể sẽ làm điều gì đó dại dột nhưng mỗi lần nghĩ tới con, họ lại thấy cần phải sống và cố gắng để còn chăm sóc con cái sợ con cái khổ, sợ không ai chăm sóc cho con. Chính những suy nghĩ, những đấu tranh bản thân đó càng làm cho họ bị áp lực tinh thần.