Khung pháp lý của Nhà nước về vấn đề bạo lực gia đình

Một phần của tài liệu Bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở vùng ven đô thành phố hà nội hiện nay (Trang 41 - 45)

Chính phủ Việt Nam được đánh giá là chính phủ đi tiên phong trong khu vực về việc xây dựng chính sách và luật pháp nhằm thức đẩy bình đẳng giới và chấm dứt nạn bạo lực đối với phụ nữ. Bằng việc ký Công ước CEDAW, Việt Nam thể hiện sự cam kết đầy đủ của mình đối với việc thủ tiêu mọi hình thức xâm phạm quyền phụ nữ và phân biệt đối xử với phụ nữ. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật và chính sách thể hiện rõ nguyên tắc bình đẳng nam nữ, không phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào. Một số văn bản luật của Việt Nam đã hình thành khung pháp lý để Chính phủ có thể xử lý BLGĐ đối với phụ nữ. Quy định trong các văn bản luật hình sự, hành chính và dân sự là cơ sở để bảo vệ nạn nhân của BLGĐ và buộc người gây bạo lực chịu trách nhiệm. Ngoài ra, Hiến pháp, Luật Bình đẳng Giới, Luật Hôn nhân và Gia đình cũng đề cao bình đẳng giữa nam và nữ. Tùy vào hình thức bạo lực và độ nghiêm trọng của thương tích mà luật pháp hành chính hay hình sự sẽ được áp dụng để xử lý các hành vi bạo lực và lạm dụng, trong đó có BLGĐ. Tuy nhiên với nhận thức ngày càng rõ là các văn bản luật và thủ tục hiện hành chưa thể xử lý thích đáng tính đặc thù của BLGĐ, một văn bản luật riêng đã được ban hành năm 2007, đó là Luật phòng, chống BLGĐ. Luật này nêu rõ sự cần thiết phòng chống bạo lực trong gia đình và đưa ra các biện pháp mang tính phòng ngừa, hỗ trợ. Luật phòng, chống BLGĐ quy định cụ thể về những hành vi BLGĐ và các hình thức phạt hành chính (nêu trong Nghị định 110/2009), tuy nhiên Luật không quy định những tội danh mới để xử lý hình sự.

Bộ Luật Hình sự năm 1985 quy định “người nào dùng vũ lực hoặc có

hành vi nghiêm trọng khác cản trở phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa và xã hội, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm” (Điều 125).

Hiến pháp năm 1992, sửa đổi bổ sung một số điều theo Nghị quyết 51/2001/QH10, ngày 25/12/2001.

Hiến pháp là văn bản luật tối cao của một đất nước và tất cả các văn bản luật trong nước đều phải phù hợp với các nguyên tắc mà Hiến pháp quy định. Vì thế khi áp dụng luật như Bộ luật Hình sự và Luật phòng, chống BLGĐ, điều quan trọng là phải luôn ghi nhớ những nguyên tắc cơ bản mà Hiến pháp đã công nhận, nhất là nguyên tắc bình đẳng giới.

Hiến pháp công nhận gia đình là tế bào của xã hội (Điều 64) nhưng đồng thời cũng quy định rằng mọi cá nhân, bao gồm mọi thành viên gia đình, được Chính phủ bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm (Điều 71). Ngoài ra Điều 63 còn quy định sự bình đẳng giữa vợ và chồng khi quy định “công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình” và “nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ”.

Luật Tổ chức Chính phủ (1992)

Các cấp chính quyền phải “thực hiện các chính sách và biện pháp bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ về mọi mặt…có biện pháp ngăn ngừa và chống mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ.

Luật Hôn nhân và Gia đình, 2000

Luật Hôn nhân và Gia đình quy định cấm ngược đãi, hành hạ các thành viên trong gia đình (Điều 4). Ngược đãi, hành hạ, hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các thành viên trong gia đình, tùy theo tính chất và mức độnghiêm trọng sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật còn quy định rằng các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có các cơ quan

hành pháp và tư pháp, phải có biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình (Điều 4).

Bộ luật Dân sự, 2005

Luật Dân sự có một số quy định theo đó nạn nhân BLGĐ có quyền được đòi bồi thường thiệt hại. Các cơ quan hành pháp và tư pháp cần cho nạn nhân biết họ có quyền đòi bồi thường.

Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương nhằm hạn chế, tiến tới xóa bỏ các quan niệm, phong tục mang tính thiên kiến giới. Các biện pháp tuyên truyền, vận động giáo dục thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và các đoàn thể xã hội được coi là cơ bản. Nổi bật là cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới” được phát động trong toàn quốc nhiều năm qua do ngành văn hóa và thông tin chủ trì. Đồng thời vấn đề giới đã được chính thức phổ biến bước đầu cho đối tượng cán bộ lãnh đạo chính quyền và Hội phụ nữ các cấp.7

Quyết định số 106/2005/QĐ-TTg ngày 16/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2005- 2010 tại Mục tiêu 2 đã quy định: tăng cường phòng, chống bạo lực trong gia đình, khuyến khích phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp và vận động người dân xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình.

Những văn bản và quy định pháp luật nêu trên có tác dụng lớn lao đối với việc nâng cao địa vị và vai trò người phụ nữ cũng như bảo vệ và chăm sóc người phụ nữ. Tuy nhiên, trước khi có Luật phòng chống bạo lực gia đình, nhiều văn bản pháp luật và chính sách chỉ đề cập đến giới một cách chung chung, không nhận thức hết tầm quan trọng của quan hệ giới trong mỗi gia

đình. Không có các điều khoản riêng cho việc xử lý mối quan hệ giới trong gia đình.

Luật Bình đẳng Giới, 2006

Luật Bình đẳng Giới quy định rằng nam, nữ bình đẳng với nhau trong mọi lĩnh vực và nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới. Điều 18 còn quy định chi tiết về bình đẳng giới trong gia đình, cụ thể vợ, chồng có quyền và nghĩa vụngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình, mỗi người đều có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.

Điều 41, quy định việc đối xử bất bình đẳng với các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính là vi phạm pháp luật. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà người có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 42).

Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử pháp lý của nước Việt Nam, một văn bản pháp luật chuyên về phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã đưa ra định nghĩa về bạo lực gia đình và chỉ ra chín loại hình hành vi bạo lực gia đình (Điều 1 và Điều 2). Luật phòng, chống BLGĐ quy định một số nguyên tắc và biện pháp phòng, chống BLGĐ và vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và tổ chức trong phòng, chống BLGĐ. Luật này nhấn mạnh vào công tác phòng ngừa. Luật quy định các biện pháp toàn diện về thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, hiểu biết của cộng đồng về BLGĐ.

Những nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống bạo lực gia đình được quy định tại Điều 3 của Luật PCBLGĐ như sau:

1. Kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống bạo lực gia đình, lấy phòng, ngừa là chính, chú trọng công tác tuyền truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hòa giải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập

quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. 2. Hành vi bạo lực gia đình được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. 3. Nạn nhân bạo lực được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ và điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước; ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật và phụ nữ. 4. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Ngay sau khi Luật phòng chống bạo lực ra đời, Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 16/2008/CT-TTg ngày 30 tháng 5 năm của Thủ tướng chính phủ về việc triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04/02/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và ướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đặc biệt là Nghị định số 110/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình.

Các văn bản pháp lý nói trên thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam trong việc phòng, chống bạo lực gia đình. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Một phần của tài liệu Bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở vùng ven đô thành phố hà nội hiện nay (Trang 41 - 45)