Các phương tiện biểu đạt tình thái trong tiếng Việt

Một phần của tài liệu Bước đầu khảo sát phạm trù có thể trên bình diện tình thái nhận thức và tình thái căn bản (Trang 35)

V. Bố cục luận văn

1.7.2. Các phương tiện biểu đạt tình thái trong tiếng Việt

Tiếng Việt dùng rất nhiều loại phương tiện để biểu thị tình thái. Đúc kết những nghiên cứu đi trước, chúng tôi xin nêu ra những loại phương tiện như sau:

* Phương tiện ngữ âm: để thể hiện thái độ, tình cảm của mình, người nói có thể dùng ngữ điệu.

* Phương tiện ngữ pháp: đảo trật tự từ, thay đổi cấu trúc câu để thể hiện ý định của người nói.

* Phương tiện từ vựng

- Động từ tình thái: muốn, định, nỡ , dám...

- Các động từ chỉ thái độ mệnh đề: gắn với cấu trúc câu phức, nằm trong mệnh đề chính có chủ ngữ ở ngôi thứ nhất: tôi sợ (rằng)..., tôi nghĩ (là), tôi lo (rằng)...

- Các động từ ngữ vi: yêu cầu, đề nghị, hỏi, hứa, mời...

- Phụ từ: đã, sẽ, vẫn, cũng...

- Thán từ: ôi, chà, chao...

Tiếng Việt còn có một số phương tiện đặc trưng để biểu thị tình thái: - Tiểu từ tình thái: thường đúng ở cuối câu, chuyên dùng để biểu thị thái độ của người nói: à, ư, nhỉ, nhé, chăng, sao...

- Quán ngữ tình thái: là những tổ hợp từ, những cách nói có cấu trúc tương đối ổn định và được quen dùng: nghe đâu, gì thì gì, không biết chừng, phải biết...

- Một số tổ hợp từ như: huống hồ, có lẽ, hình như... Các tổ hợp này về vị trí và ý nghĩa giống như các quán ngữ tình thái, nhưng có tính thành ngữ thấp .

1.7.3. Sự ảnh hưởng của các đặc điểm loại hình đến việc lựa chọn các phương tiện biểu hiện

Như chúng ta đã biết, tiếng Pháp và tiếng Việt là hai ngôn ngữ thuộc hai loại hình khác biệt. Tiếng Pháp thuộc ngôn ngữ biến hình, còn tiếng Việt thuộc nhóm ngôn ngữ đơn lập. Sự khác nhau này đương nhiên sẽ kéo theo sự không giống nhau trong việc lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ để biểu thị một nội dung ngôn ngữ nào đó nói chung và để biểu thị tình thái nói riêng.

Trong một ngôn ngữ biến tố như tiếng Pháp, khi xem xét các phương tiện ngôn ngữ biểu thị tình thái, các nhà nghiên cứu thường phân biệt rõ các phương tiện ngữ pháp và các phương tiện từ vựng. Các phương tiện ngữ pháp được chú trọng hơn, trong đó thì và thức của động từ, các động từ tình thái là các phương tiện đắc lực để biểu thị tình thái.

Ngoài các trạng từ đứng độc lập, bổ nghĩa cho cả câu (sans doute, peut-être, probablement...), các loại từ khác (động từ, tính từ, danh từ) hầu hết đều nằm trong các cấu trúc câu kết hợp với các loại thì, thức của động từ, tùy từng trường hợp:

- Je pense que ... + indicatif động từ

- Je suis content que ... + subjonctif tính từ

- Je vous donne une suggestion que ... + indicatif danh từ

Trong khi đó, là một ngôn ngữ không biến đổi hình thái, tiếng Việt xa lạ với các khái niệm thì và thức, do đó, không có các phương tiện biểu thị tình thái liên quan đến hai khái niệm này như trong tiếng Pháp. Ngược lại, tiếng Việt có cho mình những phương tiện đặc thù, chủ yếu được sử dụng để biểu thị tình thái. Đó là các phương tiện từ vựng nói chung và các tiểu từ tình thái, quán ngữ tình thái nói riêng.

Một phần của tài liệu Bước đầu khảo sát phạm trù có thể trên bình diện tình thái nhận thức và tình thái căn bản (Trang 35)