CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG M&A NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM
2.4.1.2. Đặc điểm và tác động của hoạt động M&A giai đoạn này.
Ảnh hưởng còn sót lại của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực ( 1997) khiến nền kinh tế quốc gia nói chung và ngành ngân hàng nói riêng đứng trước tình thế khó khăn. Nhiều ngân hàng nằm trong tình trạng mất khả năng chi trả, đối mặt với việc phá sản, giải thể, tạo tiền đề cho sự ra đời của hoạt động M&A ngân hàng. Tuy nhiên, thời gian này, hoạt động M&A ngân hàng ở nước ta còn khá mới mẻ, nhiều rủi ro, hệ thống pháp lý chưa có quy định cụ thể, do đó, việc tiến hành M&A trong giai đoạn này còn gặp rất nhiều khó khăn và hầu như không được các nhà
quản trị Ngân hàng ưa chuộng.
Hoạt động M&A ngân hàng giai đoạn trước năm 2005 diễn ra rất ít và mang tính bắt buộc nhiều hơn tự nguyện. Các ngân hàng nhỏ do quá trình hoạt động còn khá mới mẻ, ít kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh và quản lý rủi ro, nên đã gặp những khó khăn lớn về thanh khoản, không tuân thủ theo những quy định về quản lý rủi ro và không đảm bảo được các hệ số an toàn khi hoạt động. Do vậy, NHNN đã buộc các ngân hàng này sáp nhập vào các ngân hàng khác có tiềm lực mạnh, hoạt động tốt trong ngành hoặc phải lựa chọn giải thể, phá sản-một lựa chọn bất đắc dĩ, bởi nó có thể ảnh hưởng tới toàn hệ thống ngành ngân hàng cũng như nền kinh tế quốc gia.
Hoạt động mua bán, sáp nhập trong thời kì này chủ yếu dưới hình thức theo chiều ngang và chưa được diễn ra mạnh mẽ. Chỉ có một số ít các vụ sáp nhập, hợp nhất, mua lại diễn ra giữa các NHTM cổ phần đô thị và các NHTM cổ phần nông thôn, trong đó các NHTM cổ phần nông thôn hầu hết là các ngân hàng hoạt động quá yếu kém và bị bắt buộc phải tiến hành sáp nhập, bán lại. Tuy nhiên, nhờ việc sáp nhập, hợp nhất, các ngân hàng sáp nhập cũng đã mở rộng hơn mạng lưới hoạt động của mình, tận dụng được nguồn nhân lực của ngân hàng bị sáp nhập để phát triển vươn lên.