Môi trường vĩ mô

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty cổ phần phụ liệu may Nha Tran (Trang 31)

Môi trường vĩ mô bao gồm các yếu tố, các lực lượng xã hội rộng lớn, tác động đến toàn bộ môi trường kinh doanh, mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể kiểm soát, thay đổi được các yếu tố của môi

trường vĩ mô, do đó doanh nghiệp phải tìm cách thích ứng để tồn tại và phát triển. Môi trường vĩ mô gồm 5 loại môi trường sau: môi trường kinh tế, môi trường tự nhiên, môi trường công nghệ, môi trường chính trị - pháp luật và môi trường văn hóa – xã hội.

Môi trường kinh tế: môi trường kinh tế được xác định thông qua tiềm lực của nền kinh tế quốc gia. Các nhân tố quan trọng để đánh giá sự ảnh hưởng của môi trường kinh tế đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bao gồm:

Thứ hạng năng lực cạnh tranh của quốcgia (do Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF đánh giá): là vị trí của nền kinh tế quốc gia trên 144 nền kinh tế của thế giới được WEF đưa vào khảo sát và xếp hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu, thông qua 12 tiêu chí, bao gồm: thể chế/tổ chức, hạ tầng, kinh tế vĩ mô, y tế và giáo dục cơ bản, giáo dục và đào tạo đại học, thị trường hàng hóa, lao động, tài chính, mức độ hấp thu công nghệ, quy mô thị trường, độ tinh sảo kinh doanh và đổi mới sáng tạo. Chỉ số này cho thấy, vị thế cạnh tranh tương đối của nền kinh tế quốc gia so với nền kinh tế thế giới, là một chỉ số không thể bỏ qua đối với những nhà kinh tế chiến lược, nhà kinh doanh quốc tế và nhà nghiên cứu về năng lực cạnh tranh.

Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế: tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế có ảnh hưởng trực tiếp đối với những cơ hội và nguy cơ, những thuận lợi hay bất lợi trong quá trình cạnh tranh mà doanh nghiệp phải đối mặt. Nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng ổn định là lợi thế cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Lãi suất ngân hàng: lãi suất ngân hàng sẽ tác động không nhỏ đối với các hoạt động vay đầu tư, hoạt động thanh toán và tiết kiệm các khoản tài chính của doanh nghiệp. Bên cạnh lãi suất còn quyết định tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư của các tầng lớp dân cư trong toàn xã hội, … Lãi suất là nhân tố góp phần quyết định nên tính khả thi của các chiến lược mà doanh nghiệp thực hiện.  Lạm phát: sự biến động của đồng tiền có thể làm xáo trộn nền kinh tế. Lạm phát là yếu tố khó có thể lường trước được, có thể biến các hoạt động đầu tư

của doanh nghiệp trở thành những trò chơi rủi may. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến lạm phát, trong đó những nguyên nhân quan trọng có thể kể đến như: lạm phát do cầu kéo, lạm phát do chi phí đẩy, lạm phát tiền tệ, lạm phát do việc quản lý còn yếu kém của nhà nước đối với một số ngành, hay lạm phát do tâm lý người tiêu dùng, ...

Tỷ giá hối đoái: tỷ giá hối đoái được hiểu là giá trị của đồng tiền này được tính theo giá trị của một đồng tiền khác, hay nói cách khác, tỷ giá hối đoái là tỷ lệ trao đổi giữa hai đồng tiền của hai quốc gia khác nhau. Tỷ giá hối đoái tăng là cơ hội cho những doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng lại là nguy cơ cho những doanh nghiệp nhập khẩu và ngược lại. Tỷ giá hối đoái còn tác động trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm, các hoạt động đầu tư và liên doanh quốc tế.

Quan hệ hợp tác quốc tế: quan hệ hợp tác quốc tế được chú trọng là cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, học hỏi công nghệ, cải tiến kỹ thuật, hợp tác, liên kết quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó, quan hệ hợp tác quốc tế cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp từ bên ngoài tràn vào, làm mức độ cạnh tranh trong nước ngày một gia tăng, thách thức khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nội tại.

Môi trường tự nhiên: các yếu tố thuộc môi trường tự nhiên như: vị trí địa lý, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, … cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng. Khi môi trường tự nhiên có biến động theo chiều hướng không thuận lợi, doanh nghiệp sẽ gặp phải những rủi ro bất khả kháng, đánh mất cơ hội của bản thân cũng như tạo cơ sở để đối thủ cạnh tranh phát triển.

Môi trường công nghệ: công nghệ là yếu tố năng động và không kém phần quan trọng trong cạnh tranh. Sự thay đổi của công nghệ làm sản phẩm trở nên tốt hơn, rẻ hơn; đồng thời chu kỳ sống cũng bị rút ngắn, sản phẩm trở nên nhanh chóng bị lỗi thời. Môi trường công nghệ chứa đựng nhiều cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp.

Môi trường chính trị - pháp luật: môi trường chính trị - pháp luật tác động gián tiếp đến năng lực cạnh tranh thông qua hệ thống các quan điểm, đường lối, chính sách ,hệ thống pháp luật, xu hướng ngoại giao của chính phủ, những diễn biến chính trị trong nước, khu vực và thế giới. Môi trường chính trị tạo khuôn khổ pháp lý cho những doanh nghiệp tham gia trên thị trường, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của các chủ thể kinh tế, buộc các doanh nghiệp cạnh tranh một cách công bằng, bình đẳng và lành mạnh. Sự bình ổn của chính trị tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp.

Môi trường văn hóa – xã hội: môi trường văn hóa - xã hội bao gồm các yếu tố như: quan điểm về mức sống, phong cách sống, tỷ lệ gia tăng dân số, thu nhập bình quân/tháng/người, vấn đề di chuyển lao động, trình độ dân trí, … tạo ra những cơ hội và nguy cơ khác nhau cho doanh nghiệp như: sở thích và thói quen tiêu dùng, đặc điểm mua sắm hàng hóa, thói quen sử dụng thời gian, mối quan tâm sức khỏe, … Doanh nghiệp sử dụng nhạy bén các yếu tố đó sẽ tạo ra khả năng cạnh tranh tốt hơn so với các doanh nghiệp khác.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty cổ phần phụ liệu may Nha Tran (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(158 trang)