Mục tiêu dạy học tiếng Việt theo quan điểm giao tiếp

Một phần của tài liệu dạy học nghĩa của câu cho học sinh lớp 11 theo quan điểm giao tiếp (Trang 34 - 36)

6. Bố cục luận văn

1.2.2.1. Mục tiêu dạy học tiếng Việt theo quan điểm giao tiếp

Dạy học là một hoạt động, mỗi hoạt động luôn có động cơ và mục tiêu. Mục tiêu quyết định toàn bộ nội dung của một hoạt động. Do đó, khi dạy học, việc đầu tiên là phải xác định mục tiêu, tức là phải xác định dạy để làm gì. Dạy tiếng Việt cũng vậy, ta cần trả lời câu hỏi dạy tiếng Việt để làm gì? Nói cách khác là ta cần xác định mục tiêu cho việc dạy học tiếng Việt.

Hiện nay có nhiều xu hướng khác nhau trong việc xác định mục tiêu dạy học tiếng Việt như:

Xu hướng khẳng định dạy học tiếng Việt nhằm mục tiêu dạy cho học sinh hệ thống tiếng Việt tức là cung cấp tri thức về hệ thống tiếng Việt, cung cấp tri thức hàn lâm và rất ít giá trị sử dụng như dạy về câu đặc biệt ở lớp 6 gồm dạy định nghĩa và phân loại câu đặc biệt. Hay dạy cụm động từ ở lớp 7 gồm xác định cấu trúc, miêu tả các tham thể của cụm động từ rất chi tiết và phức tạp. Từ đó dẫn đến tình trạng dạy tiếng Việt rất khó và trừu tượng, gây khó khăn cho cả giáo viên và học sinh.

Xu hướng khác thì khẳng định dạy học tiếng Việt ở phổ thông là dạy một hệ thống khái niệm, sản phẩm của giáo dục hiện nay là một hệ thống khái niệm, sau khi học tiếng Việt học sinh phải nắm được hệ thống khái niệm về tiếng Việt. Vậy về bản chất, quan niệm này không khác quan niệm của xu hướng thứ nhất. Nhưng rõ ràng, sản phẩm của giáo dục không phải là một hệ thống khái niệm mà là phải đào tạo ra những con người năng động, sáng tạo, biết vận dụng khái niệm vào cuộc sống, có năng lực giao tiếp xã hội.

Phổ biến là xu hướng khẳng định dạy học tiếng Việt là dạy năng lực hoạt động giao tiếp bằng tiếng Việt cho học sinh. Xu hướng này xác định mục tiêu của việc dạy học tiếng Việt là học sinh phải biết sử dụng tiếng Việt vào giao tiếp cho có hiệu quả. Nó được xuất phát từ định hướng giao tiếp theo quan điểm giao tiếp của phương pháp dạy học tiếng Việt.

Thực tế cũng cho thấy, quan điểm giao tiếp rất phù hợp với mục tiêu của môn học vì môn ngôn ngữ nói chung và môn tiếng Việt nói riêng không phải chỉ có mục đích trang bị kiến thức khoa học về ngôn ngữ, về tiếng Việt cho học sinh mà điều quan trọng là rèn luyện và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt trong các hoạt động tƣ duy, giao tiếp. Ngay trong lĩnh vực kiến thức thì môn ngôn ngữ cũng không phải chỉ cung cấp những kiến thức có tính chất lí thuyết về cơ cấu tổ chức, về hệ thống ngôn ngữ, về nguồn gốc và sự phát triển lịch sử, về loại hình các ngôn ngữ… mà còn không thể thiếu đƣợc những hiểu biết về quy tắc sử dụng, về các thao tác và kĩ năng sử dụng ngôn ngữ [Bùi Minh Toán, Nguyễn Ngọc San, Tiếng Việt - Tập 3 - Giáo trình đào tạo giáo viên tiểu học hệ CĐSP và SP 12+2]. Trong mục tiêu dạy học có mục tiêu về: tri thức (kiến thức), kĩ năng, thái độ. - Về tri thức (kiến thức): có 6 mức độ

Nhận biết: nhận biết thông tin, ghi nhớ, tái hiện thông tin, là mức độ, yêu cầu thấp nhất của trình độ nhận thức thể hiện ở chỗ học sinh có thể và chỉ cần nhớ hoặc nhận ra khi được đưa ra hoặc dựa trên những thông tin có tính đặc thù của một khái niệm, một sự vật, một hiện tượng.

Thông hiểu: Hiểu được ý nghĩa của các khái niệm, hiện tượng, sự vật; giải thích được, là mức độ cao hơn nhận biết nhưng là mức độ thấp nhất của việc thấu hiểu sự vật, hiện tượng, nó liên quan đến ý nghĩa của các mối quan hệ giữa các khái niệm, thông tin mà học sinh đã học hoặc đã biết.

Vận dụng: Vận dụng nhận biết, hiểu biết thông tin để giải quyết vấn đề đặt ra; là khả năng đòi hỏi học sinh phải biết vận dụng kiến thức, biết sử dụng phương pháp, ý tưởng để giải quyết một vấn đề nào đó và có khả năng áp dụng những hiểu

biết, những khái niệm đã được học vào thực tiễn cuộc sống. Đây là mức độ cao hơn thông hiểu.

Phân tích: Học sinh có thể chia thông tin thành các phần thông tin nhỏ hơn để dễ dàng nắm được cấu trúc và các mối quan hệ của chúng với nhau. Yêu cầu nắm được các bộ phận và sự liên hệ ràng buộc, qua lại của các bộ phận đó. Mức độ này cao hơn vận dụng.

Tổng hợp: Tự bản thân tạo lập một mẫu mới từ việc sắp xếp các thông tin ở các nguồn tài liệu khác nhau. Yêu cầu học sinh phải tạo ra được một vấn đề, mẫu hình mới, nó nhấn mạnh vào sự tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Đánh giá: Đây là mức độ cao nhất của nhận thức, nó hàm chứa tất cả mức độ nhận thức nêu trên. Mức độ nhận thức này là sự bàn luận về giá trị một khái niệm, một tư tưởng, một nội dung nào đó với đặc trưng là đi sâu vào bản chất của đối tượng đang tìm hiểu. Nó yêu cầu phải có tiêu chí đánh giá và vận dụng được những tiêu chí đó để đánh giá đối tượng.

- Về kĩ năng: có 2 mức độ: học sinh làm được (biết làm) và thành thạo (thông thạo)

- Về thái độ: Tạo sự hình thành thói quen, tính cách, nhân cách nhằm phát triển con người toàn diện theo mục tiêu giáo dục.

Như vậy, mục tiêu quan trọng của dạy học tiếng Việt là tạo lập, hoàn thiện, nâng cao năng lực giao tiếp cho học sinh. Mục tiêu dạy học tiếng Việt bao gồm mục tiêu về tri thức, về kĩ năng, về thái độ. Tạo ra năng lực giao tiếp bằng tiếng Việt ở học sinh bao gồm các thành tố như năng lực tri thức và kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.

Một phần của tài liệu dạy học nghĩa của câu cho học sinh lớp 11 theo quan điểm giao tiếp (Trang 34 - 36)