Khái niệm quản lý nhà trường

Một phần của tài liệu quản lý hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi ở trường trung học cơ sở huyện bình liêu, tỉnh quảng ninh (Trang 25 - 30)

Vấn đề cơ bản của quản lý giáo dục là quản lý nhà trường vì nhà trường là cơ sở giáo dục, nơi tổ chức thực hiện mục tiêu giáo dục. Khi nghiên cứu về nội dung khái niệm quản lý giáo dục thì khái niệm trường học được hiểu là tổ chức cơ sở mang tính nhà nước - xã hội, trực tiếp làm công tác GD&ĐT thế hệ trẻ tương lai của đất nước.

Nhà giáo dục người Nga Xukhôm linxki đã từng nói: “Trường học là cái nôi tinh thần của dân tộc. Dân tộc nào biết chăm lo đến cái nôi tinh thần ấy, họ sẽ có một tương lai rực rỡ”. Dân tộc Việt nam luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định: Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhà trường là tế bào, là đơn vị cấu trúc cơ sở trong hệ thống giáo dục quốc dân. Chính nơi đây sẽ hiện thực hóa mọi chủ trương, đường lối, chính sách giáo dục của Đảng, Nhà nước các cấp; đồng thời cũng là nơi kiểm chứng những vấn đề lý luận Khoa học giáo dục nói chung, Khoa học quản lý giáo dục nói riêng. Vì vậy, có thể nói nhà trường là bộ mặt phản ánh nền giáo dục của cả một đất nước.

Nhà trường là thiết chế chuyên biệt của xã hội thực hiện các chức năng kiến tạo các kinh nghiệm xã hội cần thiết cho một nhóm dân cư nhất định của xã hội đó. Nhà trường được tổ chức sao cho việc kiến tạo kinh nghiệm xã hội nói trên đạt được các mục tiêu mà xã hội đó đặt ra cho nhóm dân cư được huy động vào sự kiến tạo này một cách tối ưu theo quan niệm của xã hội.

Chúng ta cũng có thể hiểu nhà trường theo một khái niệm cụ thể hơn: Nhà trường là thiết chế chuyên biệt của xã hội, nơi tổ chức thực hiện và quản lý quá trình giáo dục. Quá trình này được thực hiện bởi hai chủ thể: người được giáo dục (người học) và người giáo dục (người dạy). Trong quá trình giáo dục, hoạt động của người học (hoạt động học theo nghĩa rộng) và hoạt động của người dạy (hoạt động dạy theo nghĩa rộng) luôn luôn gắn bó, tương tác, hỗ trợ nhau, tựa vào nhau để thực hiện mục tiêu giáo dục theo yêu cầu của xã hội.

Như vậy, nhà trường là một cộng đồng học tập hay một tổ chức học tập, không chỉ đối với học sinh mà còn đối với giáo viên và các nhà quản lý. Hệ thống giáo dục nước ta bao gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên với các ngành học từ mầm non đến đại học. Mục tiêu giáo dục nhằm “Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xa

hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đối với cấp vi mô, trong phạm vi nhà trường, hoạt động quản lý bao gồm nhiều loại, như quản lý các hoạt động giáo dục: hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục (theo nghĩa hẹp), hoạt động xã hội, hoạt động văn thể, hoạt động lao động, hoạt động ngoại khoá, hoạt động giáo dục hướng nghiệp… Quản lý các đối tượng khác nhau: quản lý giáo viên, học sinh, quản lý tài chính, quản lý cơ sở vật chất… Quản lý (Thực ra là tác động đến) nhiều khách thể khác nhau: quản lý thực hiện xã hội hoá giáo dục, điều tiết và điều chỉnh ảnh hưởng từ bên ngoài nhà trường, tham mưu với hội phụ huynh học sinh, sinh viên…

Trên bình diện vi mô, quản lý giáo dục trong phạm vi nhà trường có thể xem là đồng nghĩa với quản lý nhà trường. Việc quản lý trường học mà trọng tâm là quản lý quá trình giáo dục - đào tạo, tức là làm sao đưa hoạt động đó từ trạng thái này sang trạng thái khác để thực hiện hướng tới mục tiêu giáo dục. Nội hàm của khái niệm quản lý trường học đã được các nhà nghiên cứu giáo dục diễn tả theo nhiều góc độ khác nhau. Ta hãy điểm qua các định nghĩa dưới đây về quản lý nhà trường:

Theo tác giả Trần Kiểm thì: “Quản lý vi mô là quản lý hoạt động giáo dục trong nhà trường bao gồm hệ thống những tác động có hướng đích của hiệu trưởng đến các hoạt động giáo dục, đến con người (giáo viên, cán bộ nhân viên và học sinh), đến các nguồn lực (cơ sở vật chất, tài chính, thông tin…), đến các ảnh hưởng ngoài trường một cách hợp qui luật (quy luật quản lý, quy luật giáo dục, quy luật tâm lý, quy luật kinh tế, quy luật xã hội…) nhằm đạt mục tiêu giáo dục”[21].

Quản lý nhà trường về bản chất là quản lý con người. Điều đó tạo cho các chủ thể (người dạy và người học) trong nhà trường một sự liên kết chặt chẽ không những chỉ bởi cơ chế hoạt động của những tính quy luật khách quan của một tổ chức xã hội - nhà trường, mà còn bởi hoạt động chủ quan, hoạt động của

chính bản thân giáo viên và học sinh. Trong nhà trường, giáo viên và học sinh vừa là đối tượng, vừa là chủ thể quản lý. Với tư cách là chủ thể quản lý, họ là người tham gia chủ động, tích cực vào hoạt động quản lý chung và biến nhà trường thành hệ tự quản lý. Trong thực tế, giáo viên và học sinh gắn với rất nhiều quan hệ xã hội trong cộng đồng. Điều này đặt ra yêu cầu quản lý nhà trường phải gắn với quản lý xã hội và nhiệm vụ quan trọng của nó là phải thiết lập một quan hệ tối ưu giữa những lợi ích , tình trạng và sự phát triển của cá nhân, của cộng đồng và của xã hội. Từ góc độ này, “Quản lý nhà trường thực chất là việc xác định vị trí của mỗi người trong hệ thống xã hội, là quy định chức năng, quyền hạn, nghĩa vụ, quan hệ cùng vai trò xã hội của họ mà trước hết là trong phạm vi nhà trường với tư cách là một tổ chức xã hội” [21].

- Theo tác giả Phạm Minh Hạc: “Quản lý nhà trường, quản lý giáo dục nói chung là thực hiện đường lối giáo dục của Đảng trong phạm vi trách nhiệm của mình, tức là đưa nhà trường vận hành theo nguyên lý giáo dục để tiến tới mục tiêu giáo dục, mục tiêu đào tạo”…[12].

- Theo tác giả Nguyễn Ngọc Quang cho rằng “Quản lý nhà trường là tập hợp những tác động tối ưu của chủ thể quản lý đến tập thể giáo viên, học sinh và cán bộ khác, nhằm tận dụng các nguồn dự trữ do nhà nước đầu tư, lực lượng xã hội đóng góp và do lao động xây dựng vốn tự có. Hướng vào việc đẩy mạnh mọi hoạt động của nhà trường mà điểm hội tụ là quá trình đào tạo thế hệ trẻ. Thực hiện có chất lượng mục tiêu và kế hoạch đào tạo, đưa nhà trường tiến lên trạng thái mới” [29].

“Quản lý trường học là lao động của các cơ quan quản lý nhằm tập hợp và tổ chức lao động của giáo viên, học sinh và các lực lượng giáo dục khác, cũng như huy động tối đa các nguồn giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong nhà trường” [29].

Quản lý nhà trường là một dạng hoạt động được thực hiện trên cơ sở những quy luật chung của quản lý, đồng thời cũng có những nét đặc thù riêng của nó.

Quản lý nhà trường khác với quản lý xã hội khác, được quy định bởi bản chất hoạt động sư phạm của người giáo viên, bản chất của quá trình dạy học, giáo dục trong đó mọi thành viên của nhà trường vừa là đối tượng quản lý vừa là chủ thể hoạt động của bản than mình. Sản phẩm tạo ra của nhà trường là nhân cách của người học được hình thành trong quá trình học tập, tu dưỡng và rèn luyện theo yêu cầu của xã hội và được xã hội thừa nhận.

Mục đích của quản lý nhà trường là đưa nhà trường từ trạng thái đang phát triển lên một trạng thái phát triển mới bằng phương thức xây dựng và phát triển mạnh mẽ các nguồn lực giáo dục và hướng các nguồn lực đó vào việc phục vụ cho nâng cao chất lượng giáo dục. Nội dung công tác quản lý giáo dục trong nhà trường bao gồm 6 nội dung cơ bản sau:

- Quản lý toàn bộ cơ sở vật chất và thiết bị nhà trường nhằm phục vụ tốt nhất cho việc giảng dạy, học tập và giáo dục học sinh.

- Quản lý tốt nguồn tài chính hiện có của nhà trường theo đúng nguyên tắc quản lý tài chính của nhà nước, đồng thời thực hiện xã hội hóa giáo dục, động viên, thu hút các nguồn tài chính khác nhằm xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ các hoạt động giáo dục và dạy học.

- Quản lý đội ngũ giáo viên, cán bộ viên chức và tập thể học sinh thực hiện tốt các nhiệm vụ trong chương trình công tác của nhà trường.

- Quản lý các hoạt động chuyên môn theo chương trình giáo dục quy định. - Thực hiện chương trình đổi mới phương pháp giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy học.

- Quản lý tốt việc học tập của học sinh. Theo Đặng Xuân Hải: “Quản lý học sinh bao hàm quản lý thời gian học tập và chất lượng học tập, quản lý tinh thần, thái độ và phương pháp học tập, quản lý việc kiểm tra, đánh giá. Song song với việc quản lý quá trình học tập của học sinh, việc dạy của thầy, các cấp quản lý nhà trường cần chú trọng đến việc chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của tập thể giáo viên, công nhân viên của nhà trường” [13].

Từ các khái niệm đó, ta có thể hiểu: Quản lý trường học là một hệ thống những tác động sư phạm hợp lý và có tính hướng đích của chủ thể quản lý đến tập thể giáo viên, học sinh và các lực lượng xã hội trong và ngoài trường nhằm làm cho nhà trường vận hành theo đúng đường lối giáo dục - đào tạo của Đảng, biến đường lối đó trở thành hiện thực. Quản lý trường học chính là quản lý giáo dục nhưng trong một phạm vi xác định của một đơn vị giáo dục mà nền tảng là nhà trường. Như vậy, Quản lý trường học phải vận dụng tất cả các nguyên lý chung của QLGD để đẩy mạnh hoạt động của nhà trường thực hiện có hiệu quả mục tiêu đào tạo. Quản lý trường học phải là quản lý toàn diện nhằm phát triển, hoàn thiện nhân cách cũng như nhân cách nghề nghiệp của học sinh.

1.3. Quản lý hoạt động bồi dƣỡng HS giỏi trƣờng THCS

Một phần của tài liệu quản lý hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi ở trường trung học cơ sở huyện bình liêu, tỉnh quảng ninh (Trang 25 - 30)