7. Bố cục của luận văn
2.3.1.1. Nguồn nhân lực du lịch mạo hiểm
Hoạt động du lịch mạo hiểm đã xuất hiện ở Lâm Đồng từ những năm 90, và vẫn phát triển cho tới nay, điều đó cho thấy tiềm năng và khả năng phát triển của loại hình du lịch này. Tuy nhiên, hiện nay các công ty kinh doanh loại hình du lịch mạo hiểm vẫn tự kinh doanh theo ý thích, theo kinh nghiệm của bản thân là đã từng tham gia vào các tour và các hoạt động du lịch mạo hiểm, hoặc là kinh doanh tự phát, nhỏ lẻ. Số lượng các công ty có kinh nghiệm và chuyên nghiệp tương đối ít. Trong số những người quản lý của 14 công ty hiện đang kinh doanh loại hình du lịch mạo hiểm thì chỉ có 3-4 người là những người đã từng tham gia vào hoạt động dù lượn tại Langbiang từ những năm 95, khi đó nó đã là một sự kiện mở đầu cho sự hình thành du lịch mạo hiểm tại Lâm Đồng. Hầu hết là các công ty ở quy mô nhỏ, lớn nhất cũng chỉ có đội ngũ nhân viên khoảng 15 người, đa phần là hướng dẫn viên.
Tuy nhiên, bộ máy gọn nhẹ như vậy khiến cho việc điều hành cũng đơn giản và hiệu quả. Việc huấn luyện nhân viên được thực hiện chủ yếu trong công ty theo kiểu người đi trước chỉ bảo người đi sau và dựa trên việc thực hành thường xuyên. Ngoài ra, những năm gần đây, các công ty đã gửi nhiều nhân viên ra nước ngoài, chủ yếu là Thái Lan và Singapore, tham gia vào các khoá tập huấn về kỹ năng, về sơ cứu và về bảo đảm an toàn. Các khoá tập huấn thường là ngắn hạn và nằm trong chi phí mà công ty có thể chấp nhận được. Khi được hỏi tại sao không gửi đến những nước châu Âu là nơi có bề dày về du lịch mạo hiểm thì các giám đốc cho biết công ty hạn chế về tài chính và hơn nữa, việc chọn các nước trong khu vực là bởi vì các nước này trình độ huấn luyện không kém gì các nước châu Âu, ngoài ra, họ có
nhiều điểm giống với Việt Nam nên dễ áp dụng hơn, thêm vào đó là chi phí cũng vừa phải. Một khoá tập huấn ngắn hạn khoảng 5 ngày cho một nhân viên, công ty chỉ phải bỏ ra khoảng 400-500 USD. Những khoá huấn luyện này đồng thời cũng là những phần thưởng cho nhân viên giỏi. Những người này tiếp tục trở về và huấn luyện lại nhân viên trong công ty và là người chịu trách nhiệm chính về các chương trình quản lý an toàn, hướng dẫn cho khách. Có thể nói, lực lượng hướng dẫn viên là lực lượng nòng cốt làm nên thương hiệu của các công ty du lịch mạo hiểm. Vì vậy, các công ty du lịch đều có các chính sách rất tốt dành cho đội ngũ này. Theo giám đốc văn phòng Groovy Grekco, hướng dẫn viên lâu năm, có kinh nghiệm có thể đạt mức lương 5.000.000 đ/tháng cho dù có đi tour hay không đi tour. Nếu đi tour thì có thêm thù lao cho đi tour, trung bình là 100.000 đến 150.000 đ/ngày.
Việc các hướng dẫn viên được trả lương cao như trên chỉ là số ít, bởi vì hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm cần một sức khỏe tốt, cần kinh nghiệm, khả năng tổ chức và xử lý mọi tình huống với các kỹ thuật và trình độ chuyên nghiệp, vì rất có thể có nhiều rủi ro xảy ra, cho nên số lượng hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm hiện nay tại Lâm Đồng có khoảng 30 người, nhưng đa phần là làm theo thời vụ, số lượng được chính thức làm ở các công ty kinh doanh du lịch mạo hiểm rất ít, vì vậy cuộc sống của họ bấp bênh, không đảm bảo.
Với câu hỏi mở trong thời gian khách tham gia hoạt động du lịch mạo hiểm và khách thấy thích điều gì thì cũng có nhiều ý kiến cho rằng, hướng dẫn viên thân thiện và vui tính. Hay như trong câu hỏi về khách có phàn nàn hay đồng ý điều gì trong thời gian tham gia các hoạt động du lịch mạo hiểm thì khách có quốc tịch Pháp đều cho rằng thiếu hướng dẫn viên tiếng Pháp, điều đó cũng cho thấy rằng đội ngũ hướng dẫn viên hiện nay chỉ sử dụng duy nhất tiếng Anh. Điều đó cũng hạn chế vai trò và khả năng của hướng dẫn viên.
Việc kinh doanh loại hình du lịch mạo hiểm cần tính chuyên nghiệp và sự đảm bảo an toàn cao cho nên việc áp dụng các tiêu chuẩn vào quá trình tổ chức và huấn luyện nhân viên cũng như các nhà tổ chức là điều quan trọng.