Thực trạng khai thác và phát triển du lịch mạo hiểm tại Việt Nam

Một phần của tài liệu thực trạng và giải pháp phát triển du lịch mạo hiểm tại lâm đồng (Trang 32 - 35)

7. Bố cục của luận văn

1.3.2. Thực trạng khai thác và phát triển du lịch mạo hiểm tại Việt Nam

Du lịch mạo hiểm được Didier, một huấn luyện viên người Pháp, đưa vào Việt Nam vào năm 1995 - 1996 với các môn chơi như leo núi, vượt thác, lượn dù ở Đà Lạt. Tuy chưa phát triển nhưng việc tổ chức các loại hình du lịch vẫn được duy trì bởi một số cựu huấn luyện do ông Didier đào tạo. Từ những năm 2000, khi khách nước ngoài đến Việt Nam tăng mạnh, đã xuất hiện rất nhiều công ty chuyên tổ chức các hoạt động du lịch mạo hiểm trên cả nước, tập trung chủ yếu ở các khu vực như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Mũi Né, Sapa, là nơi tập trung nhiều khách du lịch quốc tế. Các hoạt động cũng trở nên phong phú hơn.

Về phía các cơ quan quản lý, Vụ Lữ hành và Tổng cục Du lịch trong mấy năm qua đã thường xuyên tổ chức các đoàn doanh nghiệp lữ hành và báo chí đi khảo sát các tuyến điểm du lịch ở hầu khắp cả nước. Qua đó, thấy được tiềm năng và thế mạnh để hình thành các tour du lịch mạo hiểm hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch đến Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, chủ yếu mới khai thác tài nguyên du lịch tại khu vực đồng bằng, ven biển và một số khu vực miền núi gần các thị trấn, ven đường quốc lộ,… còn một phần rất lớn tài nguyên du lịch phong phú và quý giá để phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm vẫn chưa được đẩy mạnh khai thác như vùng như Tây Nguyên, các vùng miền núi phía Bắc.

Một số doanh nghiệp lữ hành đã chủ động nghiên cứu, tổ chức các chương trình du lịch mạo hiểm cho khách quốc tế như: chương trình chinh phục đỉnh Fan Xi Păng, đỉnh Lang Biang, đỉnh Bạch Mã, đèo Prenn, đi xe đạp địa hình, xe mô tô thể thao ở vùng núi, chèo thuyền kayak ở các hồ lớn,.... Các chương trình này đã thu được những kết quả nhất định cho doanh nghiệp và bước đầu góp phần hình thành và phát triển loại hình du lịch mạo hiểm ở Việt Nam.

Các công ty khai thác du lịch mạo hiểm chưa có nhiều và đa phần là phục vụ khách nước ngoài. Có thể kể đến một số công ty lớn như Lửa Việt, Hồng Bàng, Fiditourist với các tour leo núi, trekking ngắn tại Đà Lạt, Cát Tiên, còn các tour xuyên rừng chinh phục đỉnh FanxiPang, xe máy vòng cung Tây - Đông Bắc... đa phần do các công ty tư nhân, văn phòng du lịch nhỏ thực hiện. Ở miền Bắc thịnh hành nhiều loại hình mạo hiểm hơn, phải kể đến Topas travel, Handspan travel, trekking có Footprint, Bufalo, tour xe đạp có Marco Polo, Sinh travel (Sinh cafe), Exotissimo (Pháp), canoeing và rafting có Handspan, Marco Polo...

Theo các chuyên gia về du lịch, với địa hình phức tạp, núi non hùng vĩ, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch mạo hiểm nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là khách từ Mỹ và các nước châu Âu. Mặc dù du lịch mạo hiểm tại Việt Nam chưa phổ biến nhưng trên thực tế loại hình này đã được một số doanh nghiệp du lịch khai thác. Saigontourist hợp tác với Công ty Saffron Road Tours (Úc) tổ chức chuyến du lịch dã ngoại bằng môtô (từ 175 đến 750 phân khối) xuyên Việt đầu tiên mang tên "Saffron Road Vietnam Tour 2004" cho 19 khách Úc, Mỹ, Ailen. Trong tour này khách qua hầu hết các địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Lạt, Nha Trang, Buôn Mê Thuột, Hội An, Huế, Hà Nội, Sapa, Hạ Long. Khách du lịch không chỉ được ngắm cảnh thiên nhiên mà còn tham gia sinh hoạt cùng với người dân địa phương ở một số nơi như Sapa, Cần Thơ. Đây là đợt thử nghiệm để chuẩn bị thực hiện triển khai dự án phát triển các tour du lịch mạo hiểm tại Việt Nam trong thời gian tới của Saigontourist.

Năm 2002, Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội đã tổ chức chương trình du lịch thể thao mạo hiểm mang tên “Raid Gauloises” với sự tham gia của trên 800 khách du lịch quốc tế thuộc 17 quốc gia kéo dài 14 ngày tại 9 tỉnh vùng núi Đông Bắc Việt Nam. Qua chương trình này, khách du lịch đã được tham gia rất nhiều loại hình du lịch mạo hiểm như đi bộ băng rừng, leo núi, vượt thác, đi bè mảng, đi thuyền cao su và thuyền nan trên suối, hồ ở vùng núi, đi xe đạp đổ đèo, đi thuyền kayak trên biển. Chương trình trên đã được các hãng truyền hình thể thao lớn và có uy tín trên thế giới đưa tin và truyền hình trực tiếp, góp phần quảng bá hiệu quả về du lịch Việt Nam nói chung và du lịch mạo hiểm ở Việt Nam nói riêng trên thị trường quốc tế.

Chương trình này còn góp phần quảng bá về đất nước Việt Nam an toàn, thân thiện, giàu lòng mến khách. Hình ảnh, tiềm năng về du lịch Việt Nam qua chương trình này được giới thiệu một cách rộng rãi, khách quan, đậm nét và có tính thuyết phục cao ở nước ngoài. Đây là một chương trình hiệu quả và có ý nghĩa nhất trong việc thực hiện Chương trình du lịch thể thao mạo hiểm ở Việt Nam. Qua việc thực hiện Chương trình Raid Gauloises, nhận thức của nhiều địa phương về yêu cầu phát triển du lịch được nâng lên, tiềm năng du lịch vùng Đông Bắc được chú trọng khai thác. Trong quá trình tổ chức và thực hiện, đối với khách Tây yêu cầu cao về độ an toàn nên ngoài việc chọn địa điểm, cần phải tổ chức chuyên nghiệp, hướng dẫn viên phải được đào tạo bài bản về du lịch mạo hiểm - điều đang được coi là khó nhất hiện nay.

Tóm lại, du lịch mạo hiểm bước đầu được khai thác tại Việt Nam nhưng mới chỉ là sơ khai, chưa có tính chuyên nghiệp cao, chủ yếu là do các công ty địa phương tổ chức, các hoạt động cũng chưa nhiều và đa phần mang tính truyền thống. Việc thiếu hướng dẫn viên, thiếu kỹ thuật, thiếu đầu tư và quy hoạch, quản lý yếu, sản phẩm nghèo nàn.. nên du lịch mạo hiểm tại Việt Nam còn manh mún, chất lượng chưa cao.

Một phần của tài liệu thực trạng và giải pháp phát triển du lịch mạo hiểm tại lâm đồng (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(133 trang)
w