- Chất lượng đào tạo đạt hiệu quả chưa cao, chưa chú trọng nhiều đến thực hành; đào tạo nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của xã hội; nhân lực được đào tạo còn hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị.
- Cơ cấu ngành nghề đào tạo và quy mô đào tạo tuy đã được đầu tư phát triển nhưng nhìn chung vẫn chưa thực sự đáp ứng được với đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các ngành nghề đào tạo có mở rộng, bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng được với nhu cầu của xã hội. Các ngành đào tạo nghệ thuật như: Múa, Xiếc, Sân khấu truyền thống… gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh (thiếu nguồn tuyển). Cùng với những khó khăn trong công tác tuyển sinh nghệ thuật, chi phí cho đào tạo lớn, trong khi ngân sách chi cho đào tạo nghệ thuật hạn hẹp, khả năng tự chủ của nhà trường bị hạn chế nên chất lượng đào tạo, nhất là đối với các ngành Mỹ thuật, Âm nhạc, Sân khấu, Điện ảnh, Múa, Xiếc bị ảnh hưởng nhiều.
- Quy hoạch mạng lưới các trường còn bất hợp lý, không mang tính chiến lược; bố trí các cơ sở đào tạo chưa phù hợp, chưa cập nhật được với tình hình thực tế phát triển của Việt Nam dẫn đến hiệu quả đầu tư bị giảm; việc xây dựng cơ sở hạ tầng còn mang tính chất tình thế, chưa có chiến lược lâu dài nên các công trình xây dựng còn manh mún lạc hậu.
- Chương trình đào tạo cứng nhắc, thiếu sự linh hoạt và mềm dẻo, thiếu sự liên thông, nặng phần lý thuyết chưa chú trọng đến phần thực hành; phương pháp giảng dạy và học tập còn lạc hậu, chậm đổi mới, không đồng bộ và thiếu tính cập nhật. Một số cơ sở đào tạo giáo trình còn lạc hậu, thiếu giáo trình chuẩn để giảng dạy.
- Đội ngũ cán bộ, giảng viên hụt hẫng, thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, những cán bộ, giảng viên có trình độ cao và chuyên gia đầu ngành thiếu nghiêm trọng; đội ngũ giảng viên ít tham gia nghiên cứu khoa học, chưa thực sự toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp đào tạo văn hoá nghệ thuật. Việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn hoá nghệ thuật chưa được chú trọng.
- Quản lý nhà nước về đào tạo văn hoá nghệ thuật vẫn nặng tính hành chính, quan liêu; cơ chế chính sách chưa tạo ra tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường về nhân sự, về hoạch toán thu chi, về sản phẩm đào tạo, chưa tạo sự cạnh tranh cần thiết để phát triển đào tạo văn hoá nghệ thuật trong xu thế hội nhập. Quản lý ở các cơ sở đào tạo chưa đổi mới, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và thói quen.
- Văn bản pháp luật về giáo dục - đào tạo thiếu tính linh hoạt và mềm dẻo chưa thực sự tạo điều kiện thúc đẩy sự nghiệp đào tạo văn hoá nghệ thuật phát triển, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc.
- Đầu tư cho đào tạo văn hoá nghệ thuật thấp và chưa được chú trọng.
- Các trường văn hoá nghệ thuật địa phương: việc đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập còn nhiều hạn chế; chưa có cơ chế, chính sách tạo điều kiện liên kết đào tạo với nước ngoài.