TÌNH HÌNH ĐIỆN ẢNH

Một phần của tài liệu Kỷ yếu hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới (Trang 44 - 48)

1.1. Bối cảnh chung

Bối cảnh quốc tế

Trong 5 năm qua, bối cảnh điện ảnh trên thế giới có những thay đổi chính tác động đến tình hình điện ảnh trong nước như sau:

- Xu hướng toàn cầu hóa trên thế giới ngày càng mở rộng khiến việc hợp tác điện ảnh càng phát triển.

- Công nghệ số phát triển kéo theo sự chuyển hướng cơ bản trong sản xuất và phát hành phim ở tất cả các nước trên thế giới: từ phim nhựa 35 ly sang kỹ thuật số chất lượng cao.

- Trong thời đại truyền thông con người có nhiều sự lựa chọn, nên điện ảnh có nhiều “đối thủ” cạnh tranh.

- Điện ảnh Châu Á lên ngôi.

Bối cảnh trong nước

Chủ trương hội nhập quốc tế chủ động, tich cực, toàn diện của Đảng (Đại hội Đảng XI) tạo điều kiện điện ảnh Việt Nam hội nhập và phát triển.

Việc mở cửa liên kết với nước ngoài trong sản xuất và phát hành phim. Chủ trương xã hội hóa điện ảnh trong tất cả các khâu đem đến sự khởi sắc cho điện ảnh nhưng cũng kéo theo sự lấn át của dòng phim thương mại, sự độc quyền của các công ty nước ngoài trong phổ biến phim. Xu thế thị trường hóa, chạy theo lợi nhuận của các hãng phim tư nhân (trong sản xuất, phát hành).

Cam kết quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO: Việt Nam không quy định hạn ngạch phim nhập.

Các cơ sở điện ảnh của nhà nước có đội ngũ làm điện ảnh lâu năm nhưng cơ chế tổ chức trì trệ, hoạt động kém hiệu quả; phương tiện kỹ thuật cũ kỹ và thiếu đồng bộ…

2.1. Thành tựu về điện ảnh:

- Thực hiện chủ trương của nhà nước là đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động điện ảnh, diện mạo điện ảnh Việt Nam trong 5 năm qua trở nên rất phong phú, thị trường điện ảnh phục hồi và phát triển. Vai trò của các hãng phim tư nhân ngày càng rõ rệt, phim tư nhân dần chiếm tỉ lệ áp đảo trong tổng số phim Việt Nam phát hành ở rạp, thu hút lượng khán giả lớn (có phim đông người xem hơn và đạt

doanh thu cao hơn phim “bom tấn” cúa Mỹ chiếu cùng thời điểm- Ví dụ phim Mỹ nhân kế lập kỷ lục phòng vé với doanh thu 60 tỉ trong khoảng 1 tháng chiếu rạp); một số phim tư nhân gần đây được đánh giá khá cao về nghề nghiệp (Thiên mệnh anh hùng, Cánh đồng bất tận…).

- Phim do nhà nước đặt hàng và tài trợ sản xuất đảm bảo phục vụ nhiệm vụ chính trị với chất lượng nghề nghiệp cao (Đừng đốt, Mùi cỏ cháy…); nhiều bộ phim đạt giải tại các Liên hoan phim trong nước và quốc tế (Trăng nơi đáy giếng, Chơi vơi).

- Thế hệ các nhà làm phim trẻ xuất hiện dần tạo nên dấu ấn của lớp đạo diễn thời hội nhập bên cạnh thế hệ đạo diễn thời kỳ đổi mới. Các đạo diễn trẻ có những thử nghiệm đáng ghi nhận với các dòng phim khác nhau: phim nghệ thuật, phim giải trí, phim độc lập… Tuy nhiên, chưa có sự vững chắc về phong cách cũng như về xu hướng sáng tác của các đạo diễn trẻ.

- Bên cạnh các đạo diễn trẻ trong nước, sự xuất hiện đồng thời và liên tục của các đạo diễn Việt kiều đã làm cho điện ảnh VN có những mầu sắc mới. Trong vài năm trở lại đây, phim của các đạo diễn Việt kiều chiếm tỉ lệ cao ở rạp chiếu phim, nhiều phim thương mại doanh thu cao bên cạnh một số phim được đánh giá khá cao về nghề nghiệp. Ưu điểm của họ là tay nghề, kỹ thuật, thủ pháp hấp dẫn khán giả nhưng nhược điểm là phim chưa đủ sâu sắc về ý tưởng do họ còn thiếu vốn sống Việt Nam.

- Hệ thống văn bản pháp quy về điện ảnh dần hoàn thiện: Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12; Nghị định số 54/2010/NĐ-CP ngày 21/5/2010 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh số số 62/2006/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12. Các văn bản này tạo hành lang pháp lý cho hoạt động điện ảnh, thể hiện một số chính sách về sản xuất, phát hành phổ biến phim…

1.3. Yếu kém, bất cập và nguyên nhân:

- Các cơ sở điện ảnh nhà nước trì trệ, hoạt động kém hiệu quả, đội ngũ có nguy cơ tan rã vì các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, các hãng phim nhà nước vẫn đầy rẫy khó khăn, lúng túng trong điều hành và trì trệ trong hoạt động. Mặc dù không còn chế độ làm phim bao cấp từ lâu, nhưng đại đa số phim của các hãng làm ra, từ nguồn này hay nguồn khác, đều là phim đặt hàng hoặc tài trợ của nhà nước. Tuy nhiên, hầu như không có bộ phim nào được hoàn thành đúng hạn, nhiều phim chậm đến 2 năm hoặc lâu hơn nên cần có những quy định rõ ràng hợp lý hơn để thay đổi từ phương thức và mức độ đầu tư, cách quản lý điều hành, cách phân cấp trách nhiệm, đồng thời xác định rõ trách nhiệm và ý thức của những người trực tiếp tham gia sáng tác và sản xuất phim, những người nghệ sĩ.

Thứ hai, nhiều nghệ sĩ từ các hãng phim của nhà nước tỏ ra bi quan và chán nản vì điện ảnh chưa được Nhà nước quan tâm thỏa đáng. Năm 2012 không có kinh phí nhà nước đầu tư cho phim truyện; đời sống của văn nghệ sĩ nói chung

khó khăn (bậc lương tối thiểu của nghệ sĩ có nơi chỉ đạt 650.000đ!). Nghệ phải tự “bươn chải”, tìm việc làm ở các dài truyền hình (làm phim truyển hình nhiều tập) hoặc các công ty tư nhân (phim giải trí, quảng cáo…) nên nhiều người tay nghề đi xuống, quay lại làm phim điện ảnh không đạt chất lượng cao.

Thứ ba, mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của các cơ sở điện ảnh chưa theo một hệ thống nhất quán: công ty cổ phần hay công ty TNHH MTV… rất khó cho điều hành chung.

Thứ tư, việc quảng bá cho những phim được Nhà nước đặt hàng hoặc tài trợ sản xuất vẫn quá mờ nhạt, yếu kém. Trong khi đó, tất cả các phim do tư nhân đầu tư sản xuất đều có chiến dịch quảng cáo chu đáo và rầm rộ, bao trùm từ trước khi phim bắt đầu được thực hiện cho đến khi phim phát hành ra rạp. Sự chênh lệch về tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị giữa phim tư nhân và phim nhà nước như vẫn tồn tại lâu nay khiến không ít người tưởng rằng điện ảnh Việt Nam chuyển hẳn sang “điện ảnh giải trí, thương mại, phục vụ tuổi teen”. Còn sự tuyên truyền quá đáng cho những phim giải trí, “sành điệu” theo chuẩn ngoại quốc cũng phần nào làm lệch chuẩn giá trị và gu thẩm mĩ của tầng lớp khán giả- thượng đế đông đảo nhất là giới trẻ. Bởi vậy, cần một sự điều chỉnh của các cơ quan chức năng cho việc đầu tư kinh phí và công sức thỏa đáng để quảng bá, tuyên truyền cho các phim có giá trị, phim do nhà nước đặt hàng- tài trợ, đồng thời cần sự đúng mực và công bằng của công luận để không có những bài “lăng sê” quá đáng cho các phim thương mại rẻ tiền.

- Nhiều hãng phim tư nhân chạy theo thị hiếu một bộ phận khán giả, sản xuất các phim “câu khách” dễ dãi, “hài nhảm”, hành động giải trí đơn thuần… với mục đích thu lãi lớn.

Nhiều phim chỉ nhằm tận thu trong dịp Tết, lễ rồi “bỏ đi”. Qua khảo sát về độ tuổi xem phim thì hầu hết khán giả đến rạp tại những thành phố lớn ở độ tuổi từ 15 đến 35 (khoảng gần 70%) dẫn đến tình trạng khán giả trẻ chỉ thích xem các phim giải trí - thậm chí phim “tầm phào”, hài tình huống, “chọc cười” lại thu hút đông khán giả hơn các phim có giá trị, thậm chí các phim chính thống của Việt Nam bị khán giả quay lưng.

- Việc tuân thủ cam kết quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO dẫn đến không có hạn ngạch nhập phim dẫn đến nguy cơ xâm lấn của phim nhập ngày càng cao. Qua khảo sát, thấy nhiều khán giả chỉ thích xem phim ngoại, nhất là phim Mỹ. Tỷ lệ phim Mỹ chiếu rạp áp đảo phim Việt (70% phim chiếu rạp). Điều này dẫn đến những thách thức rất khó vượt qua trong việc sản xuất và phổ biến phim “nội”, nghĩa là khó bảo vệ nền Điện ảnh dân tộc. Mặt khác, các công ty nước ngoài, liên doanh chỉ hoạt động ở các thành phố lớn (Hà Nội, Tp HCM, tiếp đến là Hải Phòng, Đà Nẵng) nên khán giả ở các địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới hải đảo… không có điều kiện được thưởng thức các tác phẩm điện ảnh.

- Điện ảnh ở địa phương tồn tại khó khăn, hệ thống rạp ở các tỉnh lạc hậu và xuống cấp.

Trang thiết bị và cơ sở vật chất của hầu hết các rạp địa phương đều cũ, lạc hậu với thiết bị chiếu phim nhựa là chủ yếu, tiến tới khó có thể hoạt động khi cả thế giới chuyển sang rạp kỹ thuật số. Hiện tại hầu hết rạp do nhà nước quản lý doanh thu không đủ bù chi phí.. Nguồn phim hạn chế và bị động, phụ thuộc vào các công ty tư nhân và nước ngoài. Nhiều trung tâm điện ảnh đã bị “xóa sổ” để sáp nhập vào trung tâm văn hóa. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Hạn chế trong đào tạo, phát triển nguồn lực và phát hiện- bồi dưỡng nhân tài

Tuy có 2 trường Đại học Sân khấu Điện ảnh nhưng hiệu quả đào tạo không cao do đầu vào yếu, mô hình đào tạo cũ, giáo trình không đầy đủ và đồng bộ, lực lượng giảng viên thiếu, không chuyên nghiệp do thỉnh giảng nhiều… Nguồn lực cung cấp cho điện ảnh chất lượng không cao, chưa thấy những biện pháp hữu ích phát hiện và bồi dưỡng nhân tài.

Hơn nữa, các nhà làm phim trẻ dường như có sự phân tán trong sáng tác, lúng túng trong lựa chọn hướng đi và chưa thực sự hết lòng và tâm huyết với nghề vì còn mải chạy theo “tiền tươi thóc thật” khi làm phim truyền hình dài tập hoặc phim thương mại giải trí.

- Việc thực thi Luật Điện ảnh và các văn bản dưới Luật:

Luật Điện ảnh và Nghị định 54 xác định: Đầu tư xây dựng, cải tạo, trang thiết bị hiện đại, máy chiếu phim âm thanh lập thể cho rạp chiếu phim. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Bộ, ngành lập đề án phát triển quy mô sản xuất phim và phổ biến phim để phim Việt Nam đạt ít nhất 30% trong tổng số phim chiếu tại rạp và đạt ít nhất 40% trong tổng số phim phát sóng trên hệ thống truyền hình”.

Bên cạnh đó, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh: “Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp xây dựng rạp chiếu phim để kinh doanh phổ biến phim hoặc xây dựng công trình hoạt động điện ảnh khác được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Cơ sở điện ảnh được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của địa phương, ưu tiên dành quỹ đất cho cơ sở điện ảnh; có chính sách, chế độ ưu đãi khuyến khích tổ chức, cá nhân. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch khu đô thị, khu dân cư phải dành quỹ đất để xây dựng rạp chiếu phim ở vị trí trung tâm và tỷ lệ xây dựng rạp phù hợp với quy mô phát triển dân số. Cơ sở điện ảnh xây dựng rạp chiếu phim được hưởng chính sách ưu đãi…”

Tuy nhiên, Luật Điện ảnh và các văn bản dưới luật chưa đi vào cuộc sống. Luật, Nghị định đã có từ mấy năm, tuy nhiên, một số văn bản quan trọng chưa được ban hành (Thông tư đấu thầu sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhác nước; Đề án Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh) nên định hướng của nhà nước chưa phát huy được tác dụng, từ năm 2012 đến nay: vẫn còn ách tắc trong sản xuất

phim nhà nước. Mặt khác, việc đưa Luật và các văn bản dưới Luật vào cuộc sống còn có những hạn chế, nhất là việc triển khai Luật tới các địa phương.

Một phần của tài liệu Kỷ yếu hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới (Trang 44 - 48)