Mở cửa và hội nhập kinh tế theo hướng toàn cầu hoá là xu thế khách quan vừa là quá trình hợp tác để phát triển, vừa là quá trình đấu tranh của các nước phát triển để bảo vệ lợi ích quốc gia. Sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước ta là nền tảng vững chắc tạo môi trường thuận lợi cho phát triển hoạt động của ngành mỹ thuật theo tinh thần Nghị quyết 23 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới. Ngành mỹ thuật phát triển và được mở rộng, tạo điều kiện cho giao lưu, hội nhập, đồng thời cũng đang diễn ra cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt để bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc.
2.1. Tâm điểm là con người:
Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin tiếp tục phát triển với những bước tiến nhảy vọt sẽ đưa thế giới từ kỷ nguyên công nghiệp sang kỷ nguyên thông tin và kinh tế tri thức. Nhân tố con người dần trở thành trung tâm của sự phát triển và tiến bộ xã hội. Nhiều quốc gia đang hướng tới nâng cao các chỉ số nguồn nhân lực và mức hưởng thụ văn hoá. Đầu tư cho văn hoá - xã hội từ chỗ được coi là đầu tư cho phúc lợi xã hội chuyển thành đầu tư cho con người, song song với sự phát triển là việc đầu tư cho cơ sở vật chất kỹ thuật, đáp ứng với xu thế chung của thế giới. Trình độ dân trí ngày càng phát triển, nhu cầu khán giả thưởng thức nghệ thuật thị giác ngày càng đòi hỏi cao.
Sự phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường vừa thúc đẩy các nguồn lực cho hoạt động mỹ thuật, nhưng đồng thời cũng xuất hiện những biểu hiện tiêu cực vì mục đích lợi nhuận mà coi nhẹ những giá trị văn hoá truyền thống.
Trong thời đại thông tin bùng nổ, con người có nhiều sự lựa chọn nên mỹ thuật gặp nhiều “đối thủ” cạnh tranh, người dân có thể đến rạp chiếu phim hay nhà hát nhiều hơn nhà triển lãm;
Mỹ thuật và Nhiếp ảnh có đặc thù là sáng tạo của cá nhân nghệ sĩ nhưng sản phẩm của họ là tác phẩm nghệ thuật, có tính tư tưởng phục vụ rộng rãi nhân dân và tác động đến xã hội rất lớn. Không nên nhìn nhận vì là sự sáng tạo của từng cá nhân mà xem nhẹ, ít quan tâm hơn các lĩnh vực nghệ thuật khác.
2.2. Các ngành các cấp chưa chú trọng tới mỹ thuật:
Nhận thức của các ngành, các cấp đặc biệt là ở địa phương chưa đúng với đặc thù và tính chất của ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh, chưa thấy hết tính tất yếu và lợi ích lâu dài của mỹ thuật đối với xã hội. Tư duy, thói quen bao cấp, coi hoạt động mỹ thuật như tuyên truyền, cổ động, chưa thấy được vai trò của mỹ thuật, nhiếp ảnh trong việc tạo ra đời sống tinh thần, đời sống văn hóa, thẩm mỹ cho xã hội vẫn còn tồn tại khá phổ biến trong các cấp các ngành. Mặt khác, văn hoá là lĩnh vực nhạy cảm, mang tính định hướng tư tưởng nên trong chỉ đạo còn lúng túng, chưa lường hết được những mặt trái nảy sinh trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách và những mặt trái của cơ chế thị trường.
Công tác chỉ đạo, quản lý của cơ quan quản lý nhà nước chưa theo kịp với sự phát triển, chậm đổi mới, lúng túng và có mặt còn bất cập. Còn thiếu nhiều cơ chế, chế độ chính sách đặc thù để tạo hành lang pháp lý, khuyến khích những mặt tích cực, ngăn chặn tiêu cực trong công tác quản lý các hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh hiện nay.
Cơ sở vật chất, các Nhà triển lãm còn thiếu không đáp ứng được so với xu thế phát triển; phương tiện còn cũ kỹ, lạc hậu, cơ chế tổ chức hoạt động còn trì trệ, hoạt động kém hiệu quả
Việc sử dụng, tiêu thụ tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức và ý thức tự tôn, tôn vinh văn hóa của đất nước chưa cao, nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều khu du lịch còn sử dụng tranh, ảnh của nước ngoài để trang trí trụ sở, phòng làm việc, hội trường…
2.3. Chưa có thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh trong nước:
Thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh trong nước chưa phát triển, nạn sao chép tranh sai quy định chưa kiểm soát được; thiếu các chế tài để xử lý. Hiện nay các Gallery hoạt động dưới sự điều tiết của luật thương mại. Các giấy phép con do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp đã bị bãi bỏ từ năm 2000, các chủ Gallery đều không có bằng cấp về mỹ thuật hoặc có người tư vấn có bằng về mỹ thuật, nên gây ra tình trạng lộn xộn trong kinh doanh mặt hàng đặc biệt này.
Nguồn ngân sách phân bổ cho ngành Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm chưa xứng tầm
Nhiều chế độ chính sách mang tính đặc thù cho ngành mỹ thuật không phù hợp (như nghị định 61/2002/NĐ-CP ban hành ngày 11 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ về chế độ nhuận bút đã lạc hậu so với hiện nay; chủ trương xã hội hoá các hoạt động mỹ thuật chưa triển khai một cách sâu rộng, có hiệu quả.
Kế hoạch tổng thể cho ngành mỹ thuật chưa có; Hoạt động mỹ thuật thiếu đồng bộ, thiếu chuyên nghiệp;
Công tác quản lý chất lượng nghệ thuật các triển lãm ra nước ngoài còn buông lỏng;
Kinh phí cho việc tuyên truyền, quảng cáo còn hạn chế;
Cơ sở vật chất cho mỹ thuật còn thiếu, chưa có Nhà triển lãm riêng cho chuyên ngành mỹ thuật; Mỹ thuật ở địa phương gặp nhiều khó khăn, chưa được quan tâm;
Chưa xây dựng được Luật mỹ thuật.