Có thể thấy, hệ thống pháp lý của Việt Nam còn nhiều bất cập và chưa ổn định. Đây là một trở ngại lớn cho hoạt động của Doanh nghiệp nói chung cũng như các NHTM. Chẳng hạn như:
- Hiện nay, chúng ta có quá nhiều các mức thuế khác nhau. Thí dụ, thuế giá trị gia tăng có mức 0, 5, 10 và 20%, Thuế tiêu thụ đặc biệt trong nước có 12 thuế suất từ 15 đến 100% và thuế chuyển quyền sử dụng đất có 7 thuế suất từ 0 đến 50%. Việc tồn tại nhiều thuế suất không chỉ làm méo mó bức tranh cạnh tranh trên thị trường mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các cán bộ thuế dễ "thỏa thuận" với nhau trong việc xác định mức thuế. Chính sách ưu đãi thuế ở Việt Nam vẫn chủ yếu hướng vào vùng, sản phẩm và thành phần kinh tế. Chính sách này không khuyến khích theo qui mô doanh nghiệp, và như vậy hoàn toàn chưa khuyến khích được các DNN&V. Chính vì vậy, cần tiếp tục cải cách chính sách thuế theo hướng: đảm bảo tính ổn định và công bằng trong các chính sách thuế, xóa bỏ sự chênh lệch giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; đơn giản hóa hệ thống thuế theo hướng giảm số lượng các thuế suất, làm minh bạch và cụ thể hóa các cơ chế ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp. Đổi mới phương thức hoàn thuế, góp phần giải quyết khó khăn về thuế cho các doanh nghiệp nhất là các DNN&V.
- Cải tạo điều kiện và có những chính sách thông thoáng hơn trong việc cấp đất hoặc thuê đất đối với các DNN&V để giúp các doanh nghiệp này có điều kiện triển khai, mở rộng sản xuất. Đồng thời Nhà nước cũng cần cải tiến hệ thống cấp phép đối với việc thực hiện chuyển quyền sử dụng đất để giảm bớt sự phiền toái, quan liêu, không có hiệu quả kinh tế và tạo kẽ hở để một số cán bộ trong lĩnh vực này lạm dụng chức quyền, yêu sách, tham nhũng.
- Trong điều kiện biến động về công nghệ diễn ra với tốc độ cao và quá trình chuyển đổi kinh tế Việt Nam theo cơ chế thị trường đã đặt vấn đề cạnh tranh trở thành một nhân tố quyết dịnh cho sự tồn tại của mỗi doanh nghiệp. Sự
phát triển của khoa học và công nghệ đã làm thay đổi cơ bản các công cụ cạnh tranh và vai trò của đổi mới công nghệ ngày càng trở nên quan trọng. Với việc gia nhập ASEAN, AFTA, APEC v à WTO, Việt Nam đã chính thức hòa đồng vào trào lưu hội nhập của nền kinh tế thế giới. Quá trình hội nhập đã rỡ bỏ dần những biện pháp bảo hộ thuế quan và phi thuế quan của Nhà nước, do vậy con đường sống duy nhất của mỗi doanh nghiệp chỉ còn là nâng cao sức cạnh tranh của mình trên thị trường trong nước cũng như quốc tế thông qua việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Nhà nước cần cải thiện điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước gia nhập thị trường một cách thuận tiện. Đồng thời cần có những biện pháp loại bỏ những trở ngại về mặt thủ tục hành chính trong việc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam để giúp các doanh nghiệp trong nước nhất là các DNN&V có điều kiện thuận lợi trong việc phát triển mạnh mẽ công nghệ mới.