Các nhân tố từ phía NHTM

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại ngân hàng công thương tỉnh nam định (Trang 26 - 28)

1.3.2.1. Chính sách tín dụng của NHTM

Chính sách tín dụng của NHTM quyết định toàn bộ hướng phát triển của ngân hàng đó. Một chính sách cho vay đồng bộ, thống nhất, khoa học và đúng đắn sẽ xác định cho cán bộ tín dụng một phương hướng đúng đắn khi thực hiện nhiệm vụ của mình, nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội của hoạt động cho vay. Khi ngân hàng đã có định hướng đầu tư cho DNN&V, họ sẽ có các chính sách tín dụng riêng, các ưu đãi đối với bộ phận khách hàng này.

Chính sách tín dụng không chỉ là các định hướng chung mà bao gồm cả định hướng ngành nghề, cơ cấu thời hạn, cơ cấu thành phần cho vay ... Trên cơ sở đó NHTM thiết lập chế độ tín dụng ngắn hạn, trung dài hạn, các quy định về đảm bảo tiền vay của ngân hàng, quy trình xét duyệt cho vay cụ thể ... Nhất là đối với việc cho vay các DNN&V, do qui mô và phạm vi hoạt động rất phong phú, ngành nghề đa dạng nên chính sách tín dụng của ngân hàng thương mại đưa ra cần được qui định cụ thể, phù hợp với thực trạng hoạt động của loại hình doanh nghiệp này, để có thể vừa mở rộng được tín dụng nhưng lại đảm bảo được yếu tố chất lượng trong hoạt động cho vay.

1.3.2.2. Sự đổi mới của hoạt động tín dụng và các sản phẩm bổ trợ

Trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các NHTM, sự đổi mới của hoạt động ngân hàng nhất là hoạt động tín dụng tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với khách hàng. Với DNN&V, họ rất nhanh nhạy và đặc biệt quan tâm đến chất lượng dịch vụ. Có thể liệt kê khái quát các yêu cầu sau: thủ tục nhanh chóng, giá cả hợp lý, có nhiều sự lựa chọn, sản phẩm chọn gói, phục vụ chuyên nghiệp ...

Ngân hàng cũng cần phải chứng minh với khách hàng về uy tín và trình độ phát triển của mình thông qua các sản phẩm bổ trợ cho hoạt động tín dụng như thanh toán, tài trợ thương mại, chuyển tiền ... Chúng ta cũng cần nhấn mạnh đến hoạt động maketing ngân hàng. Thông qua đó, NHTM đưa sản phẩm đến với các khách hàng. Hoạt động maketing hiệu qủa sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cũng tăng uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.

1.3.2.3. Chất lượng cán bộ và yếu tố tâm lý

Con người là nhân tố quan trọng quyết định đến thành bại trong hoạt động qủan lý vốn và tài sản của ngân hàng nói chung và hoạt động tín dụng ngân hàng nói riêng. Hoạt động ngân hàng ngày càng đa dạng, phương tiện thiết bị ngày càng tiên tiến hiện đại đòi hỏi cán bộ ngân hàng phải có đạo đức, nghiệp vụ chuyên môn giỏi, khả năng tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Trình độ cán bộ ảnh hưởng trực tiếp đến việc mở rộng tín dụng và chất lượng tín dụng.

Như chúng ta đã biết DNN&V hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau và khá phức tạp. Vì vậy cán bộ tín dụng yếu kém về năng lực hoặc chưa được đào tạo một cách đầy đủ, thiếu sự nhanh nhạy với thị trường sẽ không thể phân tích và đánh giá một cách chính xác và đầy đủ về khách hàng và phương án/dự án kinh doanh. Các nhận định về vai trò, vị trí của doanh nghiệp trong ngành, khả năng thị trường hiện tại và tương lai, chu kỳ, vòng đời sản phẩm... Là yếu tố quan trọng trong sự thành công của dự án và đảm bảo cho khả năng trả nợ ngân

hàng. Một cán bộ tín dụng giỏi còn là nhà tư vấn đắc lực tin cậy cho doanh nghiệp.

1.3.2.4. Nhóm những nhân tố khác

Hệ thống thông tin tín dụng: Thông tin tín dụng là một nhân tố không thể thiếu và yếu tố quan trọng trong quản lý tín dụng. Trên cơ sở những thông tin đã thu thập, ngân hàng có thể đưa ra các quyết định đúng đắn về việc có cho vay hay không hoặc áp dụng các biện pháp cần thiết để quản lý thu hồi nợ vay. Chất lượng thông tin tín dụng ảnh hưởng trực tiếp đến khoản vay. Do vậy, chất lượng thông tin ngày càng cao thì khả năng phòng ngừa rủi ro ngày càng lớn.

Phương pháp quản trị rủi ro: Phương pháp quản trị rủi ro đúng đắn giúp cho ngân hàng luôn chủ động kiểm soát được tình hình hoạt động kinh doanh và đảm bảo khả năng thanh toán của mình. Nếu ngân hàng chưa có một cơ chế theo dõi, quản trị rủi ro một cách đúng đắn, chưa xây dựng được giới hạn tín dụng cho từng khách hàng một cách chi tiết theo từng các tiêu thức cụ thể như: giới hạn cho vay, giới hạn bảo lãnh, giới hạn mở L/C miễn ký quĩ ... đối với từng khách hàng, nhóm khách hàng thuộc các ngành khác nhau thì rất dễ dẫn đến tình trạng không kiểm soát được hoạt động tín dụng.

Cơ cấu tổ chức và cơ chế ra quyết định: Một cơ cấu tổ chức khoa học đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng giữa các cán bộ, nhân viên, các phòng ban, các chi nhánh trong ngân hàng sẽ đảm bảo cho hiệu quả hoạt động ngân hàng là tốt nhất. Từ những chính sách tín dụng trong từng thời kỳ ngân hàng sẽ tổ chức các phòng ban phù hợp,` đặc biệt là tổ chức các phòng tín dụng. Sự bố trí này ảnh hưởng đến việc mở rộng thu hẹp tín dụng đối với những thành phần kinh tế, những lĩnh vực kinh tế...

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại ngân hàng công thương tỉnh nam định (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(92 trang)
w