VII. Kết cấu của luận văn:
Ở VIỆT NAM
1.1.3. Nội dung của xã hội hoá truyền hình
Xã hội hóa truyền hình, thực chất là động viên và tổ chức tốt sự tham gia tích cực chủ động của mọi chủ thể với tư cách cộng đồng và tư cách cá nhân trên cả hai mặt hoạt động truyền hình và đóng góp nguồn tài chính cho hoạt động truyền hình; tăng cường sự phối hợp liên ngành và củng cố vai trò nòng cốt của Ngành truyền hình trên mặt trận tư tưởng –văn hoá. Để truyền hình phát triển, đi cùng với yêu cầu đảm bảo tính định hướng, tính tư tưởng trong từng sản phẩm, nhất định các công đoạn sản xuất chương trình truyền hình phải được chuyên môn hóa cao, phân công lao động chặt chẽ và giảm bớt được chi phí đầu vào, tiết kiệm thời gian và hạ giá thành sản phẩm. Điều này đòi hỏi truyền hình luôn phải cân nhắc nhiều hơn với các phương án đầu tư cho hoạt động tác nghiệp của mình. Và sẽ không có một lý do nào khiến các nhà quản lý truyền hình có thể từ chối khai thác các nguồn chương trình đảm bảo được yêu cầu về nội dung, kỹ thuật và cả giá thành hạ do xã hội cung cấp. Tuy nhiên trước những tính toán về mặt lợi ích, hiển nhiên truyền hình sẽ buộc phải nghĩ nhiều đến việc có thể giao, khoán, mua, trao đổi một công đoạn nào đó trong quy trình sản xuất cho một đơn vị kinh tế nghiệp vụ khác (bất kể đơn vị đó là của Nhà nước hay của tư nhân), hơn là quyết định đầu tư công sức và một khoản kinh phí lớn hơn gấp nhiều lần để tự làm ra một sản phẩm có chất lượng tương tự.
Trước xu thế trên, việc xã hội hóa truyền hình, có nghĩa là có các công ty tư nhân tham gia thực hiện chương trình và bán cho đài truyền hình các sản phẩm truyền hình, đó là một xu hướng mang tính tất yếu.Vấn đề còn lại đối với cơ quan truyền hình là phải hướng dẫn, quản lý về nội dung và xây dựng cho được những quy chuẩn mang tính nghiệp vụ cao cho các loại hình sản phẩm của mình. Chỉ có như vậy việc trao đổi, mua bán và định giá sản phẩm mới trở nên dễ dàng. Nội dung xã hội hóa truyền hình có thể khái quát ở những vấn đề chủ yếu sau đây:
Một là, Phát triển kênh truyền hình với nhiều cấp độ, nhiều hình thức từ Đài phát sóng trung ương đến từng đài ở các địa phương:
XHH truyền hình không giống như XHH các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội khác. Bởi vì tất cả các đài truyền hình đều là truyền hình công do Nhà nước (Trung ương và địa phương) quản lý. Trước đây, do thời lượng phát sóng còn ít, tất cả các chương trình phát sóng đều do Đài sản xuất với kinh phí, thiết bị và nhân lực của Đài. Nhưng với đà phát triển của nền kinh tế như hiện nay, tất cả các Đài đều tăng giờ phát, thêm chương trình mới, mở kênh mới để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả. Màn ảnh cần một khối lượng chương trình ngày càng lớn là cơ hội cho các cá nhân và tổ chức ngoài Đài tham gia sản xuất chương trình. Trước đổi mới không ngừng của ngành công nghệ truyền hình, sự xuất hiện của những kênh truyền hình được xã hội hóa sản xuất đã cho thấy bước phát triển mới về tư duy sáng tạo, khả năng thực hiện các chương trình chất lượng cao.
Thực hiện đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ truyền hình (Nhà nước, tư nhân, liên kết trong nước và quốc tế... ) trong đó Đài truyền hình Quốc gia có vai trò chủ đạo, đồng thời cho phép nhiều chủ thể khác có hiểu biết và kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền hình tham gia cung cấp các dịch vụ truyền hình dưới sự quản lý của Nhà nước nhằm cung ứng dịch vụ truyền hình ngày càng đa dạng, phong phú và thuận tiện cho người dân và giảm bớt sức ép về ngân sách cho Nhà nước. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, các cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào hoạt động xã hội hoá truyền hình. Cụ thể là, cho phép thành lập các kênh phát sóng, các hình thức liên kết, liên doanh trong sản xuất và cung ứng các sản phẩm dịch vụ điện ảnh- truyền hình. Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động xã hội hoá truyền hình cả về nội dung chuyên môn lẫn hình thức xã hội hoá.
Hai là,Huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các chủ thể trong việc cung ứng dịch vụ truyền hình
Xã hội hóa truyền hình để mở rộng các nguồn vốn đầu tư, khai thác tiềm năng về nhân lực, vật lực và tài lực trong xã hội. Phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của các thành phần kinh tế, các chủ thể kinh tế, tạo điều kiện cho các hoạt động truyền hình phát triển nhanh hơn, có chất lượng cao hơn, đó là chính sách lâu dài, là phương châm thực hiện chính sách xã hội của Ðảng và Nhà nước, không phải là biện pháp tạm thời, chỉ có ý nghĩa tình thế trước mắt do Nhà nước thiếu kinh phí cho các hoạt động này. Khi nhân dân ta có mức thu nhập cao, ngân sách Nhà nước đã dồi dào vẫn phải thực hiện xã hội hóa, bởi vì giáo dục, y tế, văn hóa là sự nghiệp lâu dài của nhân dân, sẽ phát triển không ngừng với nguồn lực to lớn của toàn dân.
Cần nhận thức đúng, xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế… không có nghĩa là giảm nhẹ trách nhiệm của Nhà nước, giảm bớt phần ngân sách của Nhà nước, mà trái lại cùng với xu hướng xã hội hoá Nhà nước thường xuyên tìm thêm các nguồn thu để tăng tỷ lệ ngân sách chi cho các hoạt động trong các lĩnh vực này, đồng thời quản lý tốt để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí đó.
Ba là, Phát triển các quan hệ liên kết về chuyên môn giữa các cơ sở truyền hình trong và ngoài nước trong xây dựng chương trình và phát sóng
Nhìn ra các nước có nền kinh tế thị trường, việc cá nhân và các tổ chức xã hội tham gia liên kết sản xuất chương trình truyền hình là tự nhiên, bình thường được thực hiện ngay từ khi kênh truyền hình ra đời. Thuật ngữ “xã hội hóa” (XHH) chỉ xuất hiện ở nước ta sau nhiều năm đổi mới, khi nhà nước từng bước xóa bỏ bao cấp, chuyển dần các hoạt động sản xuất và dịch vụ trước đây do nhà nước bao sân cho các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội… Ngành truyền hình cũng không đứng ngoài xu thế đó. Hoạt động liên
kết là “hợp tác giữa một bên là đài phát thanh, truyền hình với một bên là đối tác liên kết để tạo ra một phần hoặc toàn bộ sản phẩm liên kết”. Trong đó, “quyền lợi của đối tác liên kết được trả bằng quyền lợi từ hoạt động quảng cáo, tài trợ hoặc từ nguồn thu phí phát thanh, truyền hình theo một phương thức nhất định khi phát sóng chính sản phẩm liên kết của đài phát thanh, truyền hình”. Các hình thức hoạt động liên kết bao gồm: 1. Trao đổi bản quyền chương trình hoàn chỉnh; 2. Trao đổi bản quyền định dạng chương trình; 3. Tổ chức sản xuất chương trình hoặc một phần chương trình; 4. Tổ chức sản xuất toàn bộ kênh chương trình.
Thực tiễn ở nước ta những năm vừa qua cho thấy, cho dù các doanh nghiệp ngoài nhà đài có sản xuất ra bao nhiêu chương trình, tập phim thậm chí bao sân cả một kênh (chủ yếu là truyền hình trả tiền) chăng nữa, thì Đài vẫn là chủ thể chịu trách nhiệm toàn bộ sản phẩm từ nội dung, hình thức đến kỹ thuật trước người xem truyền hình và trước pháp luật. Dù hợp tác dưới bất kỳ hình thức nào thì việc kiểm soát nội dung phát sóng vẫn thuộc về Đài chứ không phải nhà sản xuất. Tại Việt Nam ở thời điểm này, XHH mới đi những bước chập chững đầu tiên, việc hợp tác còn phụ thuộc chủ yếu qua các hợp đồng song phương, chưa hình thành một thị trường truyền hình thực sự. Trong khuôn khổ liên hoan truyền hình toàn quốc vài năm qua có mở hội chợ nhưng sản phẩm còn nghèo nàn. Dẫu vậy, chủ trương XHH sản xuất chương trình truyền hình bước đầu đã có hiệu quả rõ rệt. Việc XHH là cơ hội phát huy tiềm năng của các tổ chức và cá nhân trong xã hội, giúp đài truyền hình thoát ra khỏi bầu sữa bao cấp của Nhà nước, nhưng người hưởng lợi trước tiên và lâu dài chính là người xem truyền hình.