Kinh nghiệm của các nhà Đài trong nước

Một phần của tài liệu vai trò nhà nước trong xã hội hóa truyền hình ở việt nam (Trang 53 - 56)

VII. Kết cấu của luận văn:

1.3.2.Kinh nghiệm của các nhà Đài trong nước

Ở VIỆT NAM

1.3.2.Kinh nghiệm của các nhà Đài trong nước

Xét về mặt lợi ích, thì một đài truyền hình có thêm nhiều kênh, nhiều chương trình đang là xu thế chung hiện nay. Vấn đề là lực lượng sản xuất chương trình của mỗi đài chưa theo kịp với sự phát triển quá nhanh chóng này, nên liên kết, hợp tác sản xuất các chương trình truyền hình, với các đơn vị tư nhân được nhà đài hiện nay xem là phương án tối ưu. Không chỉ có liên kết thông thường để thực hiện một vài chương trình, nhiều đài truyền hình còn giao toàn quyền cho tư nhân thực hiện hẳn một kênh truyền hình. Về việc này từ khi nhà nước có chủ trương xã hội hóa truyền hình, các doanh nghiệp, tư nhân vốn yêu thích ngành nghề này có cơ hội tham gia tích cực. Nhiều chương trình ra đời (chủ yếu là các chương trình giải trí, văn nghệ) từ sự liên kết này, màn ảnh nhỏ vốn đã thu hút người xem, nay càng thu hút hơn vì sự phong phú, đa dạng của các chương trình. Mở màn là những chương trình trò chơi (games show) như: Rồng vàng, Chung sức, Hãy chọn giá đúng, Vượt lên chính mình, Tam sao thất bản… tiếp đến là sự hợp tác sản xuất các chương trình văn nghệ và nhiều nhất vẫn là phim truyện.

Đài truyền hình TP.HCM là đơn vị đầu tiên có hẳn “Giờ vàng phim Việt”, mà những bộ phim chiếu trong giờ vàng này, đều là kết quả từ sự hợp tác, liên kết với tư nhân. Công bằng mà nói, nhờ có “Giờ vàng phim Việt” mà phim Việt Nam đã “đẩy văng” phim nước ngoài khỏi khung giờ đẹp nhất (từ 20h đến 22h trên kênh HTV7). Cũng nhờ có tư nhân tham gia làm phim ào ạt, mà khung 18h trên HTV9 (vẫn được xem là giờ và kênh không có mấy người xem) trở nên “đắt hàng”. Trước đó, suốt tuần, khung giờ này được dành cho các phim do TFS (Trung tâm sản xuất phim của đài TP HCM - HTV) sản xuất. Hiện nay, thị phần cho chính “con đẻ” của HTV cũng bị thu hẹp lại, phim TFS chỉ chiếu từ chủ nhật đến thứ ba, các ngày còn lại là phim do các hãng phim (tư nhân) khác sản xuất. Khung chương trình của các đài truyền

hình không đủ “sức chứa” số lượng ngày càng tăng các chương trình của các đơn vị tư nhân tham gia sản xuất, vì vậy một số đài mở thêm kênh. Đến nay, Đài THVN (VTV) đã có 7 kênh, Đài TH TPHCM HTV có 6 kênh,Đài TH KTS (VTC) có hơn chục kênh và các đài truyền hình địa phương cũng có trung bình từ 2 kênh trở lên. Nhưng con số các kênh truyền hình chưa ngừng lại, Đài THTP HCM cho biết, thời gian tới, ĐTH TPHCM (HTV) sẽ có thêm tất cả chừng 20 kênh. Trong thời gian tới, VTV, VTC cũng sẽ có thêm một vài kênh mới… Nhờ có xã hội hóa mà các kênh truyền hình nở như “nấm sau mưa”.

Tuy nhiên, không phải cứ có tiền, là có thể tham gia liên kết được với nhà đài. Chính lãnh đạo của một đài truyền hình cũng xác nhận, đơn vị, tư nhân nào có kinh nghiệm, có mối quan hệ tốt với nhà đài, sẽ được ưu tiên giờ phát sóng đẹp và việc được sử dụng một kênh riêng không là chuyện quá khó. Còn “mối quan hệ tốt” là tốt thế nào, tốt ra sao thì “ai muốn hiểu sao cũng được”. Việc “giao kênh” cho tư nhân hiện nay, phổ biến cả với truyền hình quảng bá và truyền hình trả tiền. Tiếng là kênh của đài truyền hình, nhưng trên thực tế, có rất nhiều kênh truyền hình do tư nhân “thầu” toàn bộ nội dung phát sóng. Có thể kể ra một vài ví dụ như: kênh HTV1 của Đài TP HCM do công ty VTL chịu trách nhiệm thực hiện toàn bộ nội dung, chương trình phát sóng; HTV2 của Đất Việt; HTV3 của Trí Việt Media; Truyền hình cáp SCTV có kênh SNTV của công ty Sóng Nhạc, TV Shoping của Cầu Vồng, Yeah1TV của một công ty truyền thông; Đài TH KTS VTC có TodayTV (VTC7) của công ty IMC, Let’s Viet (VTC9) của công ty Lasta…Ngoài ra, có một số công ty “đăng ký” giờ phát sóng như: công ty ALATCA có 8 tiếng trên VTC1, một số giờ phát phim truyện trên HTV là của một số đơn vị tư nhân “đặt cọc” trước hoặc đài truyền hình cho một ê kíp sang phía đối tác để lo phần biên tập chương trình, nhưng mọi thông tin, chi phí sản xuất đều do phía đối tác cung cấp, như kênh InforTV của VCTV do VTV liên kết với công ty Đại Dương…

Đầu tư cho truyền hình được tính bằng tiền tỉ, có khi lên đến vài chục tỉ, nhưng chương trình phát sóng xong là coi như… hết. Nếu đơn vị đầu tư không bán được quảng cáo trong chương trình của mình, xem như họ vừa đốt tiền trong phút chốc. Thêm vào đó, vì có nhiều đơn vị “nhảy vào” kinh doanh truyền hình, nên cạnh tranh nhau là tất yếu. Nếu không khôn khéo, kinh doanh không hiệu quả, phá sản và bị đơn vị khác lấy mất “sóng” là chuyện đương nhiên. Phía nhà đài có “trục trặc” gì về giấy phép, khả năng phải trả lại kênh, trả lại sóng là rất lớn và phần thiệt hại dĩ nhiên thuộc về đơn vị đầu tư. Chính vì sự khắc nghiệt này mà không phải ai cũng trụ được, kênh HTV4 có rất nhiều đơn vị “nhảy vào rồi lại nhảy ra” chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, trong số đó có cả “đại gia” FPT.

Hiện nay, nhà đài qui định một tập phim là 200 triệu. Phim phát giờ nào, giá quảng cáo tính theo giờ đó. Ví dụ, phát trong giờ vàng, 50 triệu/spot quảng cáo (30 giây); vậy một phim, đài trả lại cho chủ đầu tư 4 spot quảng cáo. Để được chiếu trong những giờ đẹp, chủ đầu tư thường phải cam kết với nhà đài, ngoài 4 spot quảng cáo của họ được hưởng, họ sẽ tìm thêm cho đài 4 hoặc 5 spot khác. Nếu phim (chương trình) hay, nhà đầu tư có nhiều khách hàng, họ sẽ có nhiều quảng cáo và những quảng cáo dư ra ấy, nhà đài hưởng trọn. Với những trường hợp tư nhân “thầu” toàn bộ kênh, đài tính giá trị tổng cộng một năm, còn lời hay lỗ đơn vị ấy tự chịu.

Chính vì vậy, đầu tư cho truyền hình là một bài toán khó khăn và là chuyện đầu tư lâu dài, không thể ăn xổi. Chỉ những ai có kinh nghiệm, có bản lĩnh mới trụ lại được. Một chủ kênh truyền hình cho biết, hai năm nay kênh truyền hình của chị không hề có lợi nhuận; nhưng bù lại đơn vị của chị có rất nhiều chương trình hợp tác với các đài lớn và trên các kênh chính thống, nên chị lấy nguồn thu từ đó bù cho kênh này. Các đơn vị sản xuất phim thì hạ bớt giá thành làm phim. Nếu đài tính 200 triệu/ tập phim, đơn vị đầu tư thực hiện

hạ xuống chỉ còn khoảng 160 hoặc 180 triệu/tập. Do đó, số tập phim càng dài, thì số tiền dư ra càng lớn và đó là cách để họ tính được phim của mình lời hay lỗ. Thực ra, vấn đề tư nhân liên kết tham gia sản xuất các chương trình truyền hình là chủ trương đúng đắn và hợp với xu thế thời hội nhập, nhưng nếu không quản lý chặt chẽ, rõ ràng thì những phương tiện, lợi ích của tập thể, của cộng đồng có cơ nguy trở thành “mồi ngon” của một vài cá nhân.

1.3.3. Một số bài học rút ra cho công tác quản lý nhà nước đối với xã hội hoá truyền hình ở Việt Nam

Một phần của tài liệu vai trò nhà nước trong xã hội hóa truyền hình ở việt nam (Trang 53 - 56)