Cũng như phở, bún hay hủ tiếu, mì Quảng cũng được chế biến từ gạo nhưng lại có sắc thái và hương vị riêng đặc biệt. Bắt đầu từ khâu chọn gạo cho đến nước nhưng
và các loại gia vị, phụ liệu khác đều rất đặc trưng. Gạo là loại không dẻo, hàm lượng bột cao nhưng phải đảm bảo độ kết dính, được ngâm ít nhất trong vòng 1 tiếng, sau đó cho vào cối xay mịn, tráng thành những lá mì mỏng, xếp chống lên nhau và thái sợi. Để những sợi mì không dính, phải dùng dầu phụng (hày còn gọi là dầu lạc) phi với củ nén đập dập chín thơm thoa lên bề mặt của bánh.
Nước nhưng dùng cho mì Quảng được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau tùy theo loại mì mà thực khách muốn dùng. Mì Quảng truyền thống thì nguyên liệu chính là tôm tự nhiên và thịt heo tươi. Tôm sau khi lấy đầu, làm sạch để nguyên con thì được ướp cùng với thịt, một ít tôm được giã nát để cho vào nước tạo vị ngọt tự nhiên. Mì Quảng truyền thống hầu như rất ít khi dùng đường khi chế biến. Nguyên liệu sau khi ướp thì được tao bằng dầu phụng cho đủ độ thấm và nấu với nước dùng.
Mì Quảng thường được ăn kèm cùng bánh tráng, nước mắm và rau sống
Trong khi giữ nóng nước nhưng thì người chế biến chuẩn bị rau và các loại phụ liệu khác. Rau dùng cho Mì Quảng là những loại rau có mùi vị đặc biệt. Người Quảng khi làm mì thì dùng rau Trà Quế gồm cải con (tức là cải vừa nhú mầm), rau húng lủi, rau quế xanh (chứ không phải loại quế cọng đỏ dùng cho phở), xà lách, và đặc biệt là phải có hoa chuối thái mỏng. ngoài ra còn có các loại phụ liệu không thể thiếu là hành lá, ớt xanh, bánh tráng gạo mè, chanh, nước mắm ớt được làm từ cá cơm (dùng để nêm thêm cho vừa khẩu vị của từng người) và đậu phụng rang giã nhỏ. Nếu là mì gà hoặc mì cá lóc, thì nguyên liệu phải được thái vừa phải, tách xương riêng để nấu nước dùng, ướp thịt và nấu như mì truyền thống. Gà phải là loại gà ta, nuôi thả, cá lóc phải là loại
cá sống trong môi trường tự nhiên, tất cả làm xong là chế biến ngay để đảm bảo độ tươi, ngọt của nguyên liệu.
Trình bày của Mì Quảng cũng có nét riêng biệt. Đầu tiên cho vào tô là rau sống với đủ loại rau như trên, tiếp đến là mì sợi và chang nước nhưng, sau đó cho hành và ngò lá xanh, đậu phụng rải đều, bánh tráng và 1 quả ớt xanh kèm với 1 lát chanh mỏng. Không như phở, nước nhưng mì có độ đậm đặc của tôm giã nhuyễn và những nguyên liệu đặc trưng vừa đủ độ béo, đậm và ngọt, vì vậy lượng nước chang cho mì rất ít, không bao giờ ngập lên sợi mì, bố cục đẹp mắt… Để một tô Mì Quảng đúng chất và ngon, phải theo quy trình chế biến từ lá Mì cho đến khâu chế biến, cũng như các loại gia vị đi kèm, và phải dùng lúc còn nóng…
Mì Quảng ngon nhất khi dùng nóng
Thông thường thì nhưng tôm thịt heo, nhưng lúc tìm không ra thịt heo, thì người miền biển bắt cua, bắt cá, người miền núi bắt gà và bắt vịt làm nhưng ăn vẫn thấy ngon, vẫn ra hương vị mì Quảng. Mì Quảng là một món ăn của người bình dân, vì vậy không khép mình vào những đòi hỏi khắt khe như những món ăn dành cho giới thượng lưu. Và chính nhờ vậy, mì Quảng có một sức sống mạnh mẽ, nó tồn tại và phổ biến ở mọi thủy thổ…
Mì Quảng bây giờ đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc và trở thành món ăn đặc trưng của cả miền Trung chính là vì vậy, và đã trở thành món ngon không thể bỏ lỡ nếu một lần nếm thử. Giữa thủ đô hay các thành phố lớn, Mì Quảng với những đặc
trưng của mình đã trở thành món ăn có mặt ở khắp nơi và cũng đã có những biến tấu khác nhau. Song khi rời khỏi vùng đất sinh ra nó, Mì Quảng không còn thuần túy là món ăn nữa, mà trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của một vùng đất, là cái “hồn” nghệ thuật ẩm thực của vùng đất Quảng Nam…