Nếu như có cuộc thi vinh danh một loài rau trên cả nước thì dứt khoát rau muống không có đối thủ. Việt Nam không nằm trong đới khí hậu thuận lợi cho những loài rau củ xứ lạnh phát triển. Chính vì thế những giống rau thuần Việt khá ít và phải
được trồng theo mùa. Quanh đi quẩn lại thì mùa hè chỉ có rau muống, mồng tơi, rau ngót, rau đay, rau dền, rau dút. Mùa đông mới có cải xanh, cải củ, cải cúc, rau cần, rau diếp. Những cải xoong, cải bắp, su hào, súp lơ, xà lách đều là những giống rau nhập ngoại đa phần thoái hóa sau vài vụ.
Trước hết, rau muống chiếm ngôi vị cao nhất vì một lý do hiển nhiên nó là thứ rau duy nhất cho đến bây giờ được dùng để tiến vua. Bỏ qua những câu chuyện truyền thuyết ấy thì bản thân “rau muống tiến” vẫn luôn là món ăn quý báu của cư dân quanh vùng. Những năm trước chiến tranh phá hoại, ở Hà Nội thỉnh thoảng vẫn có thể mua được vài mớ ở chợ Hàng Bè. Mớ rau chỉ vừa một chét tay với những ngọn dài nguều, trắng nõn lác đác vài chiếc lá mầm nhỏ như lá rau răm. Nó quý và đắt đến nỗi người Hà Nội chỉ dám dùng làm món rau chẻ ăn sống với riêu cua. Những sợi rau chẻ xoăn tít, giòn tinh, ngọt thanh ăn với riêu cua thơm mùi giấm bỗng là món đặc sản ngay cả với những gia đình khá giả.
Rau muống được xem như “rau vua”
Thời chiến tranh bao cấp, rau muống là mặt hàng không bán bằng tem phiếu. Rau muống mậu dịch bán cân người ta cắt dài cho nặng. Mua về nhặt bỏ đi một nửa cuống già cho gà công nghiệp nuôi nhốt. Rau muống là thức ăn chủ lực của dân nghèo thành thị mùa hè. Người ta nghĩ ra nhiều món để thay đổi khẩu vị. Luộc và dầm sấu. Đánh nước luộc lá me chua. Nấu canh khoai sọ. Canh rau muống mắm tôm suông. Xào tỏi với tóp mỡ là nhất. Ngày nghỉ có thể cầu kỳ làm nộm lạc kinh giới. Sợ nhất là
không may đứt tay, đứt chân phải kiêng rau muống đến khi lành sẹo thì chẳng có gì để ăn. Bây giờ, rau muống cũng như nhiều loại rau khác đã có mặt suốt cả bốn mùa trong mâm cơm Hà Nội. Nhưng chưa có tiến bộ nào trong nhận thức đến mức đủ để cảm tạ rau muống. Phận rau ráy nghĩ mà thương…