Nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người Khmer Nam Bộ

Một phần của tài liệu TIEU LUAN CAO HOC HOC PHAN DIA LI VIET NAM NHỮNG MÓN ĂN VÀ THỨC UỐNG THUẦN VIỆT (Trang 108)

Ngay từ cuối thế kỷ XVII, ở đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Quá trình cộng cư đã tạo ra sự giao lưu về mặt văn hóa giữa các dân tộc, đan xen và pha trộn lẫn nhau giữa các nền văn hóa, tạo nên một nét văn hóa đặc trưng trong bản sắc văn hóa của vùng sông nước Cửu Long. Người Khmer đã có mặt ở vùng đất này rất sớm, họ cư ngụ dọc theo bờ sông Tiền, sông Hậu, nương nhờ vào thiên nhiên. Bà con Khmer quần tụ nhiều trong những phum sóc trên giồng đất ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang… Người Khmer hiền hòa, hiếu khách, đa số sống bằng nghề nông, theo Phật giáo tiểu thừa, có những hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo qua ca múa, lễ hội…

Những nét đẹp truyền thống đậm tính nhân văn trong văn hóa Tết của người Khmer Nam Bộ vẫn được đồng bào duy trì, phát triển cho đến ngày nay, đặc biệt là nét văn hóa ẩm thực đặc trưng mang tính truyền thống lâu đời của người Khmer vùng Nam Bộ. Trong số đó mắm là món ăn hết sức đặc trưng của người Khmer, là kết quả tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên, lấy những nguyên liệu từ tự nhiên để chế biến thành một món ăn theo cách riêng.Đối với bà con Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long, mắm không chỉ là một món ăn không thể thiếu trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày mà nó còn là một thứ gia vị đặc biệt, đôi khi mang tính bắt buộc trong việc chế biến một số món ăn.

Mắm pro-hốc là món ăn điển hình. Mắm pro-hốc có thể được làm từ nhiều loại cá nhỏ, như: cá sặt, cá chốt, cá lòng tong... Đây là món mắm được người Khmer dùng nêm cho gần hầu hết các món ăn được chế biến trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Trong không khí nhộn nhịp, ngày họp mặt gia đình thì canh Xiêm lo cũng là một món ăn không thể thiếu trong bữa cơm ngày đoàn tụ. Đây cũng là món ăn tiêu biểu trong văn hóa ẩm thực của người Khmer. Canh xiêm lo cũng có nhiều loại khác nhau như xiêm lo mít, xiêm lo bình bát... Mỗi loại canh đều thể hiện sự phong phú, tài khéo léo của bà con Khmer.

Đặc biệt, món bún nước lèo của người Khmer được cả người Việt và người Hoa ưa thích đã trở thành một đặc sản chung của cư dân Đồng bằng sông Cửu Long, được nhiều du khách phương xa thưởng thức và nhớ mãi. Để nấu món này, người ta dùng tôm, cá nấu nhừ lấy nước cốt, đem cá ra rút hết xương, nước cốt của cá được nêm muối ớt, sả... và hai món nêm không thể thiếu là ngải bún giã nhỏ và mắm pro-hốc. Nước cốt sau khi nêm và nấu kỹ đã trở thành một thứ nước lèo rất tuyệt hảo.

Cũng như các dân tộc khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, bánh ngọt giữ một vị trí khá quan trọng trong đời sống của người Khmer vì nó không thể vắng mặt trong tất cả các dịp lễ, Tết, cúng bái theo phong tục. Bánh ngọt có mặt gần như hầu hết trong các dịp lễ hội của người Khmer. Tiêu biểu các loại bánh: bánh củ gừng, bánh tai yến... nhưng đặc sắc hơn cả có thể nói

là bánh thốt nốt. Đó là, nguyên liệu được làm từ trái thốt nốt, mà trái thốt nốt chỉ có nhiều ở những khu vực đông đảo người Khmer sinh sống. Bánh có màu vàng ươm, có mùi thơm hết sức đặc biệt vị ngọt tinh khiết, vị

béo của dừa rất ngon. Bánh thốt nốt

Num còn khuyên là loại bánh làm bằng đậu xanh, đậu nành và nếp, có lẽ với loại bánh được “nắn” hình trỏn tròn có chân khá ngộ nghĩnh nên người Việt thường gọi là bánh rế. Num Crọp Khnô nghĩa là bánh hột mít. Còn bánh Num chô là bánh

chiên giòn được làm bằng gạo trắng, Num Khnhây là bánh gừng, loại bánh thường không thể thiếu trong đám cưới của người Khmer. Num Niềng Nóc nghĩa là bánh của Nàng Nóc, theo các bậc trưởng thượng thì Nóc là tên người đầu tiên làm thứ bánh này, người Khmer sau đó lấy tên người đặt cho tên bánh như để ghi công cho nàng.

Quá trình cộng cư lâu dài của ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer, sự hòa quyện của văn hóa tạo nên nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực, điều này không chỉ thể hiện sự gắn bó keo sơn, nghĩa tình trong cuộc sống, mà còn góp phần bổ sung, làm phong phú, đa dạng thêm văn hóa ẩm thực của miền đất phương Nam. Nhìn chung, các món ăn của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long tuy không cầu kỳ, nhưng nó phản ánh khá rõ nét đặc điểm văn hóa trong ẩm thực của cộng đồng tộc người này. Đó là quá trình thích ứng, tương tác và tận dụng đối với môi trường thiên nhiên mà đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long dễ chế biến ra nhiều món ăn phong phú, mang bản sắc riêng.

Một phần của tài liệu TIEU LUAN CAO HOC HOC PHAN DIA LI VIET NAM NHỮNG MÓN ĂN VÀ THỨC UỐNG THUẦN VIỆT (Trang 108)