- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chi tiêu nội bộ để các khoản chi sát với thực tế hơn nữa, trong quá trình hoàn thiện cần liên tục cập nhật chế độ chính sách mới cũng như dự đoán những xu hướng phát triển của các hoạt động mang lại nguồn thu cho Học viện nhằm sử dụng nguồn vốn và tài sản đúng mục đích, có hiệu quả, tiết kiệm, hợp lý, chống lãng phí, đảm bảo công bằng khuyến khích được người lao
động. Giảm thiếu số lượng tờ trình về tài chính đối với các công tác chi tiêu và thanh toán chi phí, vận dụng các quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Xây dựng hoàn thiện cơ chế chi tiêu trong Học viện nhằm:
+ Là căn cứ để quản lý, thanh toán các khoản chi tiêu trong Học viện, thực hiện kiểm soát của Kho bạc Nhà nước, cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan tài chính và các cơ quan thanh tra, kiểm toán theo quy định.
+ Tạo quyền chủ động trong việc quản lý và chi tiêu tài chính cho Giám đốc Học viện, tạo quyền chủ động cho cán bộ, công chức, viên chức trong Học viện hoàn thành nhiệm vụ được giao.
+ Sử dụng tài sản và nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả, tiết kiệm, hợp lý, chống lãng phí.
+ Đảm bảo công bằng trong đơn vị, khuyến khích tăng thu, tiết kiệm chi, khuyến khích được người lao động.
+ Đảm bảo cho Học viện hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và phát triển bền vững. - Áp dụng thống nhất quy chế chi tiêu nội bộ trong các cơ sở và phân viện của Học viện tại TP. Hồ Chí Minh và Tây Nguyên để đảm bảo mức chi công bằng và hợp lý giữa các vùng miền.
- Tăng cường kiểm soát chi qua Kho bạc nhà nước, đảm bảo các khoản chi từ NSNN phải đúng mục đích, đúng chế độ, và có hiệu quả.
- Đối với công tác lập dự toán cần phối hợp chặt chẽ với các khoa, ban, bộ môn để hình thành chỉ tiêu, tổng hợp, chọn lọc và xử lý số liệu lên dự toán đáng tin cậy cho kinh phí của năm sau trên cơ sở những hướng dẫn của chế độ quản lý tài chính hiện hành. Nâng cao trình độ lập dự toán để đảm bảo kinh phí ngân sách sát với thực tế.
- Đối với công tác chấp hành ngân sách cần quản lý một cách sát sao và toàn diện. Để một đồng kinh phí được sử dụng tiết kiệm và hiệu quả, đơn vị cần phân bổ kinh phí hợp lý trên nhu cầu chi tiêu thực tế, cần thiết cũng như hướng phát triển của các đơn vị. Phải làm tròn vai trò kiểm tra, giám sát của kế toán, đồng thời tăng cường vai trò tư vấn tham mưu về tài chính để đảm bảo cân đối thu chi. Chủ động phân bố nguồn tài chính của đơn vị theo nhu cầu chi tiêu thực tế, đảm bảo sử dụng tiết kiệm và hiệu quả.
- Đối với công tác quyết ngân sách cần thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, cần làm tốt và kịp thời công tác chỉnh lý quyết toán, điều chỉnh các khoản mục, nhóm mục để phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị.
- Ban hành thống nhất chế độ hạch toán kế toán trong các đơn vị trực thuộc
- Cần kiến nghị về chế độ báo cáo với đơn vị chủ quản để giảm thiểu số lượng các báo cáo nhỏ lẻ, manh mún, liên tục, kiến nghị về các chính sách tài chính của Học viện trung tâm đối với các đơn vị trực thuộc.
Thứ hai, bồi dưỡng trình độ công tác và năng lực, nhận thức của các nhân
viên kế toán trong Học viện, nâng cao trao dồi nghiệp vụ, cập nhật, tham gia tập huấn khi có chế độ chính sách mới.
* Điều kiện về phía Học viện trung tâm:
- Ban hành hướng dẫn chế độ hạch toán kế toán thống nhất trong các đơn vị trực thuộc.
- Ban hành danh mục các báo cáo định kỳ quy định rõ các báo cáo phải lập (ngoài báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán), thời hạn nộp báo cáo để đơn vị chủ động trong việc lập báo cáo, sắp xếp thời gian cũng như có kế hoạch phân công người phụ trách lập báo cáo.
- Tạo điều kiện về chế độ quản lý tài chính để các đơn vị trực thuộc hoàn thành nhiệm vụ.
- Có sự nhìn nhận đối với sự đổi mới cơ chế quản lý tài chính cũng như hạch toán kế toán tại các đơn vị sự nghiệp có thu. Tiếp thu các ý kiến đóng góp từ các đơn vị trực thuộc- những người làm trực tiếp công tác kế toán để có những cải tiến, yêu cầu ngày càng phù hợp.
* Điều kiện về phía Nhà nước.
- Tạo dựng đầy đủ khung pháp lý về kế toán hành chính sự nghiệp có thu, tạo môi trường thuận lợi đảm bảo cho công tác kế toán, tổ chức hạch toán kế toán được thực hiện theo pháp luật.
- Các định mức và tiêu chuẩn chi tiêu cần sớm được sửa đổi lại cho phù hợp với điều kiện thực tế, tránh tình trạng lạc hậu quá lâu so với thực tế, bổ sung thêm các chế độ còn chưa hoàn chỉnh.
KẾT LUẬN
Hạch toán kế toán tại các đơn vị sự nghiệp có thu đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chi tiêu, cân đối thu chi nguồn tài chính của các đơn vị, giảm thiểu được số kinh phí hàng năm ngân sách phải cấp cho các đơn vị, để đầu tư vào những công cuộc đổi mới khác.
Hạch toán kế toán hoạt động sự nghiệp có thu là một bộ phần cấu thành của hệ thống kế toán hành chính sư nghiệp, tuy nhiên một số chỉ tiêu, tài khoản chưa được bổ sung và hoàn thiện, bên cạnh đó các chính sách, chế độ chi tiêu chưa thực sự được cởi mở. Việc hoàn thiện tổ chức hạch toán kế toán nhằm nâng cao vai trò quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp có thu, đảm bảo phản ánh số liệu có thể tin cậy được, giúp cho việc ra các quyết định quản lý được kịp thời, sử dụng nguồn tài chính có hiệu quả.
Đề tài “ Hoàn thiện tổ chức hạch toán kế toán hoạt động sự nghiệp có thu tại Học viện Hành chính” đã đi từ nghiên cứu lý luận chung về tổ chức hạch toán kế toán trong các đơn vị sự nghiệp có thu nói chung để đánh giá và nghiên cứu thực trạng tổ chức hạch toán kế toán hoạt động sự nghiệp có thu, những tồn tại và nguyên nhân, đồng thời chỉ ra phương hướng, giải pháp hoàn thiện trong hạch toán kế toán hoạt động sự nghiệp có thu tại Học viện Hành chính.
Mặc dù đã cố gắng nghiên cứu, nhưng do trình độ có hạn, tác giả rất mong nhận được các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học để luận văn hoàn thiện hơn.