Quản lý và sử dụng nguồn nhân lực khoa học công nghệ

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ Nhật Bản từ thập kỷ 1990 đến nay Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Trang 58)

Để quản lý và sử dụng tốt nguồn nhân lực KHCN, Nhật Bản đã động viên, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nghiên cứu làm việc và phát huy khả năng sáng tạo của mình.

Có thể nói môi trường làm việc ở Nhật Bản thuận lợi với tất cả người lao động. Tương lai của KHCN và việc duy trì, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế được xác định rất rõ ràng ở đất nước mặt trời mọc này. Nhật Bản đã xác định rõ rằng, việc tạo môi trường làm việc để phát huy năng lực, niềm say mê, lòng mong muốn làm khoa học của nhân dân, đặc biệt cho nhân tài trẻ tuổi, nhà nghiên cứu là nữ giới, và những nhà nghiên cứu nước ngoài...là hết sức cần thiết. Chính vì vậy các bộ, ban ngành của Nhật đã đưa ra các chính sách chủ yếu như sau:

* Hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ tuổi

Nhật Bản với mục tiêu phát triển KHCN để xây dựng đất nước, đã đề cao tầm quan trọng của việc đào tạo, đảm bảo, và phát huy tính năng động của những nhà nghiên cứu trẻ tuổi tài năng, giàu sức sáng tạo.Ở các cơ quan nghiên cứu, họ có những cơ hội tự lập, thể hiện hết mình, cạnh tranh lành mạnh và được đánh giá một

cách hết sức minh bạch, công khai. Ở trường đại học, các giảng viên được đảm bảo và được cung cấp đầy đủ những trang thiết bị làm việc.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông ICT (Information and Communication Technology), Bộ Nội vụ và truyền thông Nhật Bản đã thực hiện Chương trình „„Nghiên cứu phát triển thông qua hình thức đào tạo nhân tài ICT trẻ‟‟. Chương trình này nằm trong Kế hoạch tổng thể về Xúc tiến nghiên cứu phát triển công nghệ thông tin và truyền thông có tính chiến lược. Các cán bộ nghiên cứu trẻ được tài trợ kinh phí để nghiên cứu các đề tài tự chọn.

Bộ Giáo dục, Thể thao, Văn hóa, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) đã đẩy mạnh hoạt động của nhà nghiên cứu trẻ. Từ năm tài chính 2006, bộ MEXT đã dành một khoản ngân sách để thực hiện chương trình lớn về „„Xúc tiến xây dựng môi trường nghiên cứu tự chủ cho nhà nghiên cứu trẻ‟‟. Năm tài chính 2008 đã có 28 đơn vị áp dụng quy chế tenure track (các nhà khoa học và giáo sư ở đại học phải có những thành tích khoa học “dày”, có thể theo đuổi bất cứ nghiên cứu nào mình thích và được đại học ký hợp đồng có thời hạn). Họ được cung cấp số tiền cần thiết để bắt đầu hoạt động nghiên cứu độc lập và một môi trường nghiên cứu thuận lợi.

Ngoài ra, đối với nhà nghiên cứu trẻ tài năng, Cơ quan phát triển khoa học Nhật Bản (JSPS) vừa lựa chọn đề tài nghiên cứu tự đề xuất vừa tạo cơ hội để họ chuyên tâm vào công tác nghiên cứu. Hiệp hội này chú trọng đào tạo nhà nghiên cứu tầm cỡ thế giới thông qua việc tạo cơ hội để họ có thể cọ xát với các nhà nghiên cứu tài năng quốc tế.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội (MHLW), với khoản tiền bổ sung kinh phí nghiên cứu khoa học phúc lợi, y tế, lao động, đã công khai tuyển chọn đề tài nghiên cứu của các nhà nghiên cứu trẻ nhằm mục đích xây dựng đội ngũ nghiên cứu mạnh, để gánh vác việc nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực phúc lợi, y tế, lao động trong tương lai.

Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản tôn vinh các cá nhân là những nhà nghiên cứu trẻ dưới 40 tuổi, có thành tích nghiên cứu xuất sắc. Đây là một kế hoạch nằm trong Chương trình đào tạo nhân lực trong lĩnh vực nghiên cứu về nông, lâm,

thủy sản nhằm mục đích thúc đẩy lòng say mê nghiên cứu khoa học của những nhà nghiên cứu trẻ tuổi.

Ngoài ra, Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp và kỹ thuật công nghiệp thực phẩm đã thực hiện chương trình hỗ trợ đề tài nghiên cứu của những nhà nghiên cứu trẻ về đổi mới phương pháp sản xuất . Mặt khác, Viện nghiên cứu tài nguyên sinh vật nông nghiệp còn cho các nghiên cứu sinh thực hiện chế độ junior researcher (vừa làm việc ở viện nghiên cứu vừa đi học tiến sĩ) nhằm nâng cao ý chí tự lập, lòng say mê nghiên cứu của đội ngũ làm khoa học trẻ tuổi.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã trợ giúp kinh phí cho đội ngũ nghiên cứu trẻ trong Tổ chức Phát triển năng lượng mới và kỹ thuật công nghiệp (NEDO) để nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghiệp.

* Thúc đẩy nghiên cứu của nữ giới

Nhật Bản có tỉ lệ nữ giới tham gia nghiên cứu khoa học ít hơn các nước châu Âu, Mỹ và có sự phân biệt nam nữ trong công việc. Tuy nhiên đến nay, Nhật Bản cũng đã chú trọng phát triển nhân lực nữ để cùng tham gia vào lực lượng KHCN trong tương lai.

Trong kế hoạch cơ bản, có nhiều hoạt động được tiến hành để thúc đẩy sự năng động của các nhà khoa học nữ. Bộ Giáo dục, Thể thao, Văn hóa, Khoa học và Công nghệ (MEXT), từ năm tài chính 2006, đã chú ý tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các nhà khoa học nữ giỏi quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ sinh và chăm con. Cơ quan phát triển khoa học Nhật Bản (JSPS) trợ giúp cán bộ khoa học nữ bằng nguồn kinh phí trong chương trình khuyến khích nghiên cứu đặc biệt.

Ngoài ra, cũng từ năm tài chính 2006 bằng kinh phí điều chỉnh phát triển KHCN đã có 33 cơ quan (tính đến năm tài chính 2008) công khai tuyển chọn và trợ giúp những đề án xuất sắc của các nhà khoa học nữ vừa nghiên cứu tại trường đại học, viện nghiên cứu, ...vừa sinh và chăm con [78].

Trong chương trình đẩy mạnh nghiên cứu sáng tạo mang tính chiến lược của Tổ chức phát triển KHCN, nhà nghiên cứu khoa học nữ có thể dừng nghiên cứu

hoặc gia hạn trong thời gian nghỉ sinh và chăm con. Nếu là cán bộ đang tham gia đề tài nghiên cứu, họ sẽ nhận được chế độ hỗ trợ khi đi làm trở lại.

Thậm chí Nhật Bản còn có Chương trình hỗ trợ học sinh nữ bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông lựa chọn theo các môn khoa học tự nhiên. Chương trình này nhằm tạo ra sự hứng thú, mối quan tâm đến lĩnh vực KHCN của nữ sinh bằng các cách tạo cho các em cơ hội giao lưu với các nhà khoa học nữ, mở lớp học thực hành, ...

Nội các chính phủ Nhật cũng cung cấp các thông tin liên quan đến lĩnh vực khoa học kỹ thuật cho các nữ sinh bậc phổ thông trung học và đại học, hướng họ lựa chọn lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Viện khoa học - kỹ thuật cao quốc gia Nhật Bản (Japan's National Institute of Advanced Industrial Science and Technology - AIST) đã tổ chức hội thảo với nội dung đẩy mạnh cộng tác giữa nam và nữ trong công việc, về tuyển dụng dành cho nữ sinh đại học, ..., tiến hành đánh giá các đối sách áp dụng cho những phụ nữ vừa đi làm vừa chăm sóc gia đình. Viện làm các điều tra, tổ chức các buổi học,... liên quan đến việc hỗ trợ chăm sóc gia đình, tạo điều kiện để họ vẫn có thể làm tốt được công việc ở cơ quan. Ngoài ra, các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu còn hình thành consortium (tính đến tháng 1 năm 2009 đã có 12 đơn vị tham gia) [78]. Consortium liên kết nhằm mục đích cải thiện môi trường làm việc, thúc đấy lòng đam mê nghiên cứu và nâng cao kinh nghiệm cho các nhà khoa học nữ.

* Thu hút lao động người nước ngoài có trình độ cao

Nhật Bản là quốc gia rất coi trọng nguồn nhân lực. Từ quan điểm đầu tư không chỉ để đảm bảo nguồn nhân lực mà còn nâng cao tính quốc tế hóa và tiêu chuẩn của hoạt động nghiên cứu của nước nhà, Nhật Bản đã chú trọng tạo ra môi trường làm việc hấp dẫn để thu hút nhân tài từ nước ngoài đến Nhật làm việc. Tuy nhiên, người nước ngoài có kỹ năng đến làm việc tại Nhật Bản chiếm tỉ lệ rất thấp. Số lượng nhà nghiên cứu người nước ngoài có khoảng 11.000 người, chiếm 1,4 % tổng số lượng nhà nghiên cứu người Nhật [78].

Trong thời đại cạnh tranh khốc liệt về trí tuệ như ngày nay, Mỹ, các nước châu Âu, Trung Quốc,...đang đua nhau thu hút nhân tài nước ngoài bằng nhiều chính sách rất hấp dẫn. Nhật Bản cũng có con đường đi riêng của mình. Một mặt, để giảm thiểu nguy cơ thiếu lao động do tỉ lệ sinh giảm và tốc độ già hóa dân số quá nhanh gây ra; mặt khác để thu hút lao động nước ngoài, nhất là lao động có trình độ cao, ngày 24 tháng 3 năm 2000, Bộ Tư pháp Nhật đã công bố Kế hoạch cơ bản kiểm soát nhập cư thứ hai thay cho Kế hoạch cơ bản kiểm soát nhập cư thứ nhất năm 1992. Kế hoạch này đã coi sự tồn tại cùng có lợi giữa người Nhật và người nước ngoài như là mục tiêu của chính sách nhập cư Nhật Bản. Theo kế hoạch này, người nước ngoài có thể sống và làm việc như những công dân Nhật Bản, được cư trú an toàn trên nguyên tắc „„hai bên cùng có lợi‟‟. Năm tài chính 2006, Chính Phủ Nhật Bản đã cải cách chế độ xuất nhập cảnh, quyết định kéo dài thời gian lưu trú tối đa ở Nhật Bản lên 5 năm thay vì 3 năm như trước đây cho các nhà nghiên cứu, kỹ sư công nghệ thông tin là người nước ngoài. Việc nới lỏng quy định trên sẽ giúp các công ty và các viện nghiên cứu trong nước tuyển dụng được những nhân viên giỏi chuyên môn, thu hút ngày càng nhiều lao động nước ngoài có trình độ cao đến làm việc tại Nhật Bản. Theo quy định này, các viện nghiên cứu nhà nước cũng như các công ty tư nhân chuyên tiến hành những công trình nghiên cứu kỹ thuật cao có nhu cầu thực sự sẽ được phép tuyển dụng nhân viên nước ngoài với thời hạn 5 năm cùng với việc giải quyết các thủ tục nhập cư. Điều kiện quan trọng đầu tiên để các công ty tuyển dụng kỹ sư nước ngoài là có đầy đủ cơ sở để người được tuyển dụng có thể phát huy tối đa khả năng của họ. Thân nhân của những lao động nước ngoài được tuyển dụng cũng được phép gia hạn thị thực với thời gian tương tự.

Cựu thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda cho biết để thu hút thêm nhiều lao động trình độ cao cũng như chuyên gia nước ngoài tới Nhật Bản, chính phủ nước này sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm có nhiệm vụ nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ người lao động nước ngoài, như giúp tìm kiếm việc làm và nâng cao điều kiện sống của họ tại Nhật Bản.

Theo đề xuất của Hội đồng chính sách kinh tế và tài chính, Nhật Bản cần tăng số lao động nước ngoài có trình độ cao lên khoảng 300.000 người vào năm 2015 nhằm giúp nền kinh tế thứ hai thế giới này duy trì tốc độ tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh Nhật Bản thiếu lao động nghiêm trọng do số người già tăng nhanh và tỷ lệ sinh giảm [88].

Không chỉ có vậy, Nhật Bản còn chủ trương xây dựng các trường đại học chiến lược tầm cỡ thế giới, để tạo ra môi trường nghiên cứu đẳng cấp quốc tế ngay trong lòng nước Nhật. Hiện nay Nhật Bản thực sự đang tích cực thực hiện chế độ thu hút tài năng nước ngoài đến Nhật học tập và làm việc.

Hiện nay các sinh viên ưu tú của Trung Quốc và các nước Châu Á khác thường nhắm tới các trường đại học của Mỹ trước tiên. Các trường đại học của Mỹ và Châu Âu đang phải cạnh tranh gay gắt để thu hút được nhiều hơn nữa sinh viên nước ngoài xuất sắc...Trong số các nước phương Tây, Mỹ cung cấp khoảng 580.000 suất học cho sinh viên nước ngoài, trong khi đó, Pháp, Ðức và cả các nước không nói tiếng Anh nhận khoảng 250.000 sinh viên. Con số này vượt xa số sinh viên đang học và nghiên cứu tại Nhật là 120.000 người. Số lượng này chứng tỏ các trường đại học của Nhật chưa đủ sức hấp dẫn sinh viên ngoại quốc. Để có thể cạnh tranh được với các đối thủ này, Nhật Bản đang xem xét lại một cách kỹ lưỡng các chính sách của các trường đại học đối với sinh viên nước ngoài. Chính phủ Nhật, gần đây đã đề ra mục tiêu tăng số lượng sinh viên nước ngoài đang học tập, nghiên cứu tại các trường đại học, các viện giáo dục trên đất nước này từ con số 120.000 người lên đến 300.000 vào trước năm 2020 [18].

Một nhân tố cản trở việc thu hút sinh viên nước ngoài đến học tại Nhật đó chính là những khó khăn trong việc tìm kiếm công ăn việc làm sau khi tốt nghiệp. Cho đến nay chỉ có một số ít các công ty của Nhật chấp nhận tuyển dụng những người nước ngoài. Để khắc phục được tình trạng đó, từ năm tài chính 2007, Bộ Giáo dục, Thể thao, Văn hóa, Khoa học và Công nghệ của Nhật Bản (MEXT) và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) đã liên kết thực hiện chương trình mang tên „„Chương trình phát triển sự nghiệp cho sinh viên ngoại quốc‟‟ (Career

Development Program for Forign Students in Japan) nhằm thu hút lưu học sinh giỏi từ các nước châu Á đến Nhật. Theo chương trình này, các trường đại học và các công ty tham gia sẽ mở các lớp học chuyên biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, bao gồm các lớp học tiếng Nhật và các khóa đào tạo kĩ năng nghiệp vụ tại các công ty. Sau khi tham gia các lớp học này, sinh viên sẽ được nhận vào làm ở các công ty của Nhật. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Ngoài ra, trong kế hoạch của Chính phủ Nhật Bản cũng có một phần quan trọng nữa là thúc đẩy giảng dạy tiếng Nhật ở các quốc gia khác và tập trung liên kết quốc tế hướng tới những người có nguyện vọng theo học tại Nhật Bản.

Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản còn chọn ra 30 trường đại học hàng đầu để thực hiện nhiệm vụ tăng số sinh viên nước ngoài lên đến 300.000 như đã nói ở trên. Các trường học này sẽ trao các suất học bổng tham gia các khóa học được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, nâng cao tiêu chuẩn giáo dục bằng cách sử dụng toàn bộ cán bộ giảng dạy không nói tiếng Nhật. Trong năm 2008, trong bảng xếp hạng các trường Ðại học do Times Higher Education - Quacquarelli Symonds (THE-QS) công bố, đại học Tokyo đứng ở vị trí 19 và đại học Kyoto xếp ở vị trí 25. Bảng xếp hạng này đánh giá các trường đại học dựa trên cơ sở một hệ thống các tiêu chuẩn mà trong đó bao gồm cả tiêu chuẩn về tỉ lệ người nước ngoài trong tổng số sinh viên và giảng viên. Với kế hoạch mà chính phủ Nhật Bản đưa ra, Chính phủ hy vọng rằng các trường đại học của Nhật sẽ đạt được các thứ hạng cao hơn một khi họ có thể thu hút được nhiều hơn nữa các sinh viên không nói tiếng Nhật.

Các trường đào tạo đại học, sau đại học đang trong quá trình quốc tế hóa. Những hoạt động nghiên cứu hiện đang được xúc tiến chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học kỹ thuật của đất nước này, đồng thời tăng thêm tính cạnh tranh cho nền công nghiệp Nhật Bản trên thị trường thế giới. Việc nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài, những con người sẽ trở thành cầu nối giữa Nhật Bản với các quốc gia khác, là một nhân tố quan trọng giúp nước này có vị thế cao hơn nữa trong cộng đồng quốc tế.

Nhật Bản đánh giá cao thành quả lao động của các nhà nghiên cứu tầm cỡ thế giới không tính đến tuổi tác. Thành quả nghiên cứu của họ đóng một vai trò quan trọng đối với việc nâng cao tiêu chuẩn KHCN của Nhật Bản.

Trong các điều khoản của Luật về các biện pháp tuyển dụng (Employment Measures Law) sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm 2001, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội đã quyết định đưa vào một điều khoản yêu cầu các công ty không được phân biệt tuổi tác khi tiến hành các hoạt động tuyển mộ hay thuê mướn.

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ Nhật Bản từ thập kỷ 1990 đến nay Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Trang 58)