Thành lập viện nghiên cứu thuộc doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ Nhật Bản từ thập kỷ 1990 đến nay Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Trang 96 - 104)

Nhật Bản, nước có nền khoa học phát triển, tính cạnh tranh lớn buộc các doanh nghiệp phải đầu tư cho nghiên cứu khoa học để tồn tại. Những tập đoàn kinh tế lớn đầu tư rất nhiều cho R&D, trong đó có những bộ phận tương đương viện

nghiên cứu riêng, tập trung một đội ngũ nhà khoa học nghiên cứu đổi mới công nghệ. Và những nhà khoa học ấy được nhận mức lương rất cao.

Nhật Bản có các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp làm nghiên cứu KHCN. Nghiên cứu ở các doanh nghiệp của Nhật Bản được bình đẳng với các trường đại học và viện nghiên cứu công lập trong thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Chính sách thuế cũng được điều chỉnh để tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nghiên cứu trong các lĩnh vực nhà nước ưu tiên. Nhật Bản cũng khuyến khích các doanh nghiệp thành lập các viện nghiên cứu trong nước và nước ngoài, từ năm 1960 đến nay số lượng các viện nghiên cứu thuộc doanh nghiệp tăng rất nhanh và thực sự là lực lượng quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề KHCN (kể cả nghiên cứu cơ bản) và đào tạo đội ngũ trí thức.

Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, Việt Nam cần tạo chất xúc tác để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nguồn nhân lực KHCN, nghiên cứu khoa học. Nhà nước cần đưa ra các chính sách phát triển hoạt động KHCN, phát triển nguồn nhân lực KHCN ở doanh nghiệp, khuyến khích thành lập các viện nghiên cứu trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, các công ty, các tập đoàn kinh tế, công nghiệp. Nhà nước cũng nên có các biện pháp mạnh hỗ trợ về tài chính cho R&D ở các doanh nghiệp để phát triển lực lượng trí thức KHCN. Nhà nước cần khuyến khích nhân tài hoạt động KHCN không chỉ ở các trường đại học, các viện nghiên cứu mà cả ở khu vực doanh nghiệp.

Trong tiến trình Việt Nam từng bước hội nhập toàn diện vào nền kinh tế thế giới, việc nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp có ý nghĩa sống còn. Các doanh nghiệp chỉ có thể thành công khi nâng cao năng lực cạnh tranh của mình thông qua đổi mới công nghệ (kể cả công nghệ quản lý), giải mã, tìm kiếm bí quyết công nghệ, đi đến sáng tạo công nghệ. Trên nền năng lực công nghệ mới này, doanh nghiệp sẽ tạo ra tri thức mới, biến đổi công nghệ sẵn có để sáng tạo ra công nghệ của riêng mình, tạo ra cho mình năng lực sáng tạo công nghệ mới, từ đó làm xuất hiện các sản phẩm mới với sức cạnh tranh cao. Nhu cầu tự nhiên là doanh nghiệp cần dựa vào lực lượng lao động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tồn

tại trong hội nhập quốc tế. Vì vậy, cần nhân rộng mô hình “Viện nghiên cứu trong lòng doanh nghiệp” ở Việt Nam. Có thể nói mô hình này thực sự là mô hình hoạt động có hiệu quả. Một trong những minh chứng cụ thể là mô hình này đã được áp dụng rộng rãi ở Nhật Bản từ nhiều thập niên qua và vẫn đang được tiếp tục nhân rộng.

Phát triển nhân lực KHCN ở các doanh nghiệp là một vấn đề cần quan tâm như một giải pháp chiến lược lâu dài. Mỗi doanh nghiệp cần có lực lượng lao động trí óc trình độ cao của mình. Các lực lượng trí thức này sẽ có những sản phẩm trí tuệ có giá trị, góp phần tăng sản lượng KHCN của đất nước. Trước mắt trong thời gian tới cần chú ý tới xây dựng những cơ sở nghiên cứu phát triển ở các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, các công ty, các tập đoàn kinh tế, công nghiệp trên cơ sở liên kết với các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học. Gắn nghiên cứu phát triển với việc giải quyết các vấn đề đặt ra trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở này.

Doanh nghiệp cần quan tâm đúng mức cho đào tạo nhân lực KHCN và coi chi phí cho đào tạo là đầu tư phát triển. Doanh nghiệp cần có trách nhiệm với đào tạo, gánh vác một phần khó khăn về tài chính cho xã hội. Hiện nay là thời điểm chúng ta cần học kinh nghiệm các nước như Mỹ, Nhật, là Nhà nước chỉ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, còn làm được hay không thì chính doanh nghiệp phải giới thiệu, giải trình, thuyết minh, chứng minh được vấn đề đó là quan trọng, tạo ra lợi ích cho sản xuất và đời sống và doanh nghiệp có thể làm được và làm tốt.

3.2.4. Tuyển chọn, quản lý ‎đề tài và kinh phí nghiên cứu khoa học

Lâu nay trong dư luận xã hội và cả trong giới khoa học vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, nhà nước trả lương cho nhà khoa học không đủ ăn, sau đó tạo cơ chế „„thoáng‟‟ để nhà khoa học hưởng kinh phí đề tài. Chính vì thu nhập từ đề tài gấp nhiều lần tiền lương nên nhà khoa học phải „„suy tính‟‟ và đây chính là nguồn gốc làm mất chất lượng nghiên cứu và nảy sinh sự lừa dối trong khoa học. Vì chỉ có “cây đại thụ” mới được tin tưởng nên các nhà khoa học trẻ không có đất làm việc. Các anh em trẻ làm khoa học không có mối quan hệ để xin được đề tài nên phải nhờ

qua một vị quan chức đứng tên cho dễ xin và càng đơn giản hơn khi những vị này đã có học vị nào đó. Đã đến lúc Việt Nam cần có một tư duy mới và dũng cảm mới có thể trả khoa học lại cho các nhà khoa học chân chính, tạo ra một không gian, một môi trường thông thoáng, dân chủ thật sự cho các nhà khoa học. Không có cách nào tốt hơn, muốn đột phá, phải dũng cảm sửa chữa những sai phạm trong các cơ sở khoa học, phải rà soát lại nhân sự đang làm khoa học, phải chọn đúng người đầu đàn cho từng lĩnh vực…thì mới có thể chữa căn bệnh tiêu cực trong khoa học hiện nay.

Nhật Bản thống nhất quan điểm: Loại nghiên cứu cơ bản, thường được thực hiện ở các viện nghiên cứu, đặc biệt phòng nghiên cứu của các trường đại học, là phần việc của chính phủ. Đây là khu vực phát triển tài năng và đưa ra những nghiên cứu khoa học lớn củng cố vị trí phát triển của một quốc gia. Trong khi đó, loại nghiên cứu ứng dụng thuộc vai trò của các công ty. Nghiên cứu ứng dụng giúp đưa ra các sản phẩm có thể bán được trên thị trường. Cả hai loại nghiên cứu này cùng góp phần củng cố sức cạnh tranh của một quốc gia trong thời đại kinh tế tri thức hiện nay. Trên thực tế, nghiên cứu ứng dụng khó có thể phát triển nếu bản thân quốc gia đó không có nền tảng nghiên cứu cơ bản vững chắc.

Nghị quyết số 14/2005/NQ - CP tháng 11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 đã đặt ra mục tiêu: Các trường đại học lớn phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học mạnh của cả nước, nguồn thu từ các hoạt động KHCN, sản xuất và dịch vụ đạt tối thiểu 15% tổng nguồn thu từ các cơ sở giáo dục đại học vào năm 2010 và 25% vào năm 2020. Tuy nhiên, theo số liệu tổng kết của Bộ Giáo dục - Đào tạo, doanh thu từ hoạt động triển khai, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học của các trường/ kinh phí đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ trong 3 năm (2006 - 2008) là 1.784.386/ 1.200.485 triệu đồng. Để đạt được mục tiêu như Nghị quyết trên, nhà nước cần đầu tư xây dựng các xưởng thực nghiệm, phòng thí nghiệm khoa học, chi phí nghiên cứu và giao đề tài nghiên cứu khoa học thiết thực cho các trường đại học nghiên cứu. Mặt khác, các trường cũng nên chủ động hơn trong việc nghiên cứu. Nếu chỉ

ngồi đợi Bộ, Nhà nước giao thì các trường khó mà có được chương trình nghiên cứu riêng của mình. Các trường cần năng động, nhạy bén, cải cách mạnh mẽ để cho việc nghiên cứu khoa học trong các trường đại học hấp dẫn được các doanh nghiệp.

Nhà nước nên xác định những đề tài có ảnh hưởng lớn đến đất nước, coi đó như nhiệm vụ KHCN của quốc gia, hình thành những tập thể nghiên cứu mạnh, giao cho họ quyền tự chủ cao để họ làm được việc đó. Cần tuyển chọn nhà khoa học đủ năng lực, đúng chuyên môn để giao nhiệm vụ chủ trì đề tài và công việc phải được thực hiện theo phương thức cạnh tranh công khai và bình đẳng. Khi được nhận chủ trì nhiệm vụ, nhà khoa học được quyền tập hợp một tập thể khoa học mạnh, có trình độ chuyên môn phù hợp, được lựa chọn và điều động theo tiêu chí nhất định. Nếu một nhiệm vụ được nhiều nhà khoa học đăng ký thực hiện thì sử dụng phương thức tuyển chọn cạnh tranh công khai. Các nhà khoa học, không phân biệt làm việc trong nhà nước hay ngoài công lập, đều có thể nộp hồ sơ nhận nhiệm vụ cấp quốc gia. Đây thực sự phải là một hoạt động dân chủ rộng rãi, công bố công khai, rộng rãi và đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng với thời gian đủ dài để các nhà khoa học chuẩn bị hồ sơ đăng ký.

Để sự tuyển chọn những đề tài khoa học đều được qua “đãi cát lấy vàng” một cách nghiêm túc, minh bạch, khách quan và vô tư, Bộ Khoa học - Công nghệ cần phải lập một hội đồng tư vấn để phân tích, đánh giá và tuyển chọn bao gồm các nhà khoa học tiêu biểu cho các lĩnh vực chuyên môn trong phạm vi cả nước, đấy phải là những nhà khoa học có trình độ, đang làm việc tích cực trong lĩnh vực được đánh giá, chứ không phải các vị với đầy đủ chức danh nhưng không phải là chuyên gia trong lĩnh vực đó. Ðể cho khách quan, chúng ta có thể mời các nhà khoa học ngoài nước tham gia đánh giá các đề tài, cho các nhà khoa học trong hội đồng độc lập làm việc.

Khâu tuyển chọn đề tài quan trọng nhưng quá trình thực hiện đề tài cũng quan trọng không kém. Sau khi tuyển chọn đề tài xong thì cuối cùng Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ mới quyết định cấp tiền cho một nhà khoa học chủ trì đề án, bằng phương thức khoán đặc biệt một khoản kinh phí hoạt động thường xuyên trong

suốt thời gian thực hiện nhiệm vụ, và người chủ trì được hoàn toàn chủ động các nội dung chi. Cần cho phép các nhà khoa học có quyền tự chủ cao hơn trong sử dụng kinh phí của nhà nước. Cho họ được quyền chủ động mời và trả lương cao cho các nhà khoa học khác được mời cùng làm việc, chủ động mua sắm thiết bị,… Không nên quyết toán theo năm tài chính mà theo thời gian nghiên cứu. Cho phép họ được linh hoạt chuyển đổi thuận lợi nội dung nghiên cứu, tạo điều kiện cho họ đi trao đổi khoa học ở nước ngoài cũng như mời chuyên gia nước ngoài vào hợp tác nghiên cứu trong nước. Từng đề án cần minh bạch, mục đích rõ ràng, và có tổng kết báo cáo thực hiện theo từng thời gian. Nhà nước chỉ quan tâm đến sản phẩm của đề án. Nhà khoa học cũng cần được giao sở hữu một phần hoặc toàn bộ quyền sở hữu tài sản trí tuệ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để chuyển giao, góp vốn, liên doanh với doanh nghiệp.

Sau cùng, chúng ta cần thiết phải xây dựng mạng lưới quản lý KHCN đến cơ sở. Nếu ngành Giáo dục có mạng lưới đến tận thôn bản, thì KHCN mới chỉ có đơn vị quản lý đến cấp tỉnh. Trong khi đó, kết quả nghiên cứu phải có cơ sở ứng dụng, nhất là doanh nghiệp. Nếu mạng lưới quản lý không với tới cơ sở, doanh nghiệp, thì dù ta có các viện nghiên cứu lớn đến đâu thì việc ứng dụng kết quả nghiên cứu cũng khó thành công.

KẾT LUẬN

Nhân lực KHCN là nền tảng xây dựng và phát triển KHCN, nhân tố đảm bảo thắng lợi của sự phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia. Trong bối cảnh các nước như Mỹ, Singapore, Trung Quốc đang ồ ạt thu hút nhân lực KHCN tài năng nước ngoài về làm việc cho nước mình, gây ra làn sóng di chuyển mạnh mẽ nguồn nhân lực này trên thế giới, Nhật Bản một mặt đưa ra các chính sách bài bản cho chính nguồn nhân lực KHCN trong nước, mặt khác cũng có những chiến lược riêng để kêu gọi nhân tài nước ngoài đến Nhật làm việc.

Nhận thấy những đóng góp to lớn của nguồn nhân lực KHCN cho sự nghiệp phát triển đất nước, Nhật Bản đã đầu tư rất lớn cho R&D, vốn đầu tư vào R&D trên GDP của Nhật Bản lớn nhất thế giới. Không chỉ có vậy, Nhật Bản còn tiến hành cải cách giáo dục lần thứ 3, đặc biệt chú trọng giáo dục ở bậc đại học, thạc sĩ và đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội. Mặt khác, Nhật Bản cũng tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu khoa học được thỏa sức cống hiến, miễn sao mang lại hiệu quả. Cách quản lý đề tài và kinh phí nghiên cứu khoa học của Nhật Bản, chứng tỏ Nhật Bản rất coi trọng chất lượng sản phẩm nghiên cứu khoa học. Nhật Bản cũng giống như các nước tiên tiến khác, quan tâm nhiều đến mảng hợp tác quốc tế để phát triển đội ngũ nhân lực KHCN của mình.

Khái quát thực trạng phát triển nguồn nhân lực KHCN Việt Nam giai đoạn vừa qua, một số chính sách phát triển nguồn nhân lực KHCN Việt Nam, trình bày những hạn chế, yếu kém của nguồn nhân lực KHCN nước nhà, nêu rõ nguyên nhân và qua kinh nghiệm của Nhật Bản, tác giả mạnh dạn đưa ra một số kiến nghị như là: nên thay đổi tư duy, cần thực sự coi trọng nguồn nhân lực KHCN. Đồng thời, việc cấp bách cần làm là cải cách hệ thống giáo dục đào tạo. Ở bậc tiểu học, trung học cần hoàn thiện giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh. Ở bậc đại học, cần tạo lập xã hội học tập suốt đời và lập hệ thống đánh giá đa dạng, bài bản và nghiêm túc, lập trường đại học quốc tế thu hút không chỉ người Việt Nam mà cả người nước ngoài đến học. Các trường đại học nên đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và nhu cầu của xã hội. Cần đào tạo đội ngũ có cả chuyên môn về kỹ thuật lẫn kinh

doanh để làm tốt công tác quản lý và thương mại hóa các sản phẩm KHCN. Giảm giờ lên lớp, tăng cường nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên và trả lương thỏa đáng cũng là việc nên ưu tiên. Ngoài ra, việc thành lập các viện nghiên cứu trong doanh nghiệp cũng thật sự cần thiết để các doanh nghiệp tự đứng lên và cạnh tranh được trên thị trường. Quản lý đề tài, trọng tâm vào những đề tài mang tính ứng dụng cao, kinh phí minh bạch cũng là cách thức thúc đẩy lòng say mê nghiên cứu khoa học và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu.

Những kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực KHCN của Nhật Bản, nhất là kinh nghiệm trong việc hoạch định chiến lược, chính sách phát triển nguồn nhân lực KHCN có thể sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách KHCN của Việt Nam tham khảo bổ ích.

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ Nhật Bản từ thập kỷ 1990 đến nay Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Trang 96 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)