Thực trạng về nguồn nhân lực khoa học công nghệ Việt Nam

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ Nhật Bản từ thập kỷ 1990 đến nay Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Trang 79 - 81)

Theo số liệu của Viện Khoa học Lao động - Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2007, tổng số lao động trong lĩnh vực KHCN, bao gồm những người làm việc trực tiếp trong lĩnh vực nghiên cứu và triển khai, các viện, trung tâm nghiên cứu và triển khai ứng dụng KHCN của cả nước là gần 40.000 người. Ngoài ra, còn một số lực lượng nhất định trong tổng số gần 48.541 giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng và các chuyên gia, kỹ sư làm việc trong các doanh nghiệp cũng được thu hút vào các hoạt động KHCN. Hiện nay, lực lượng này phân bố không đều giữa các vùng trong cả nước. Có tới 92,2% cán bộ có trình độ tiến sĩ (TS) và tiến sĩ khoa học (TSKH) tập trung ở các cơ quan trung ương và hai thành phố lớn là Hà Nội (có 63,8% TS và 75,9% TSKH), và TP Hồ Chí Minh (19,33% TS và 17,11% TSKH). Số tiến sĩ ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam bộ chưa tới 1%. Trong số các giáo sư, phó giáo sư, có 86,2% ở Hà Nội và 9,5% ở TP Hồ Chí Minh, các nơi khác còn lại là 4,3%. Các nhà khoa học là nữ, là người dân tộc thiểu số, làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chiếm tỷ lệ rất thấp.

Điều tra tiềm lực KHCN tại 233 đơn vị thuộc các bộ, ngành trung ương (theo điều tra năm 2006 của Bộ Khoa học - Công nghệ), nơi tập trung đội ngũ cán bộ KHCN cao nhất cho thấy, tuổi đời của cán bộ khoa học khá cao, bình quân chung 57,2 tuổi, trong đó giáo sư là 59,5 tuổi, phó giáo sư là 56,4 tuổi. Số cán bộ có chức danh khoa học ở tuổi dưới 50 chỉ có 12%, riêng giáo sư là 7,2% và phó giáo sư là 13,5%. Những số liệu này cho thấy nguy cơ hẫng hụt trong đội ngũ cán bộ KHCN ở nước ta thời gian tới, khi lớp cán bộ có trình độ cao, hầu hết hiện đã lớn tuổi về nghỉ hưu.

Kết quả điều tra trên cũng cho thấy, số lượng tiến sĩ là hơn 10.000 người nhưng trình độ so với chuẩn quốc tế rất thấp. Đội ngũ khoa học Việt Nam có năng lực ngoại ngữ và hiểu biết về văn hoá ứng xử, giao lưu quốc tế còn hạn chế. Trong số đó, chỉ có khoảng 25% số cán bộ khoa học có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh. Chính hạn chế về năng lực ngoại ngữ ảnh hưởng rất nhiều trong việc hội nhập quốc tế và tìm kiếm thông tin KHCN quốc tế, chỉ có dưới 50% số cán bộ khoa học trong tổ chức KHCN có tham dự các hội nghị KHCN quốc tế, có quan hệ thường xuyên với cộng đồng khoa học quốc tế. Điều này cho thấy năng lực để tham gia hội nhập quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam gặp nhiều khó khăn. PGS - TS. Nguyễn Ngọc Châu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận xét: „„Thực tế là hầu hết cán bộ khoa học hiện không biết làm nghiên cứu khoa học và không đáp ứng yêu cầu mới. Nếu tính theo tiêu chí tối thiểu một nhà khoa học ngoài bằng cấp phải có khả năng nghiên cứu sản phẩm, phát minh sáng chế hoặc giải pháp hữu ích thì chúng ta chỉ có khoảng 750 - 1.000 người‟‟.

Cơ cấu nguồn nhân lực KHCN của Việt Nam còn nhiều bất hợp lý, bởi bậc đào tạo ngày càng có xu hướng phát triển thiên về các ngành sản xuất phi vật chất, nhân lực có trình độ trên đại học trong lĩnh vực KHCN - một lĩnh vực quan trọng, được xác định là nền tảng, động lực của sự phát triểnchỉ chiếm khoảng 10%. Đó là đánh giá của viện Khoa học và công nghệ Việt Nam đưa ra tại hội thảo quốc gia về đào tạo nhân lực công nghệ cao theo nhu cầu xã hội, do bộ Giáo dục - đào tạo và bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức tại Bình Dương hôm 11.4.2009. Còn theo kết quả khảo sát nhân lực KHCN năm 2006 của Viện Khoa học - Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỉ lệ cán bộ có trình độ đại học trở lên chiếm 94,7% tổng số lao động trong lĩnh vực KHCN, trong đó thạc sĩ là 35,5%, tiến sĩ là 30,5%. Xét về mặt học vị, Việt Nam ở mức cao so với mức trung bình của khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam lại thiếu trầm trọng công nhân kỹ thuật, thợ lành nghề về KHCN, đặc biệt là thiếu các chuyên gia và tổng công trình sư. Điều đáng nói ở đây là cơ cấu nguồn nhân lực mất cân đối nghiêm trọng giữa công nhân, kỹ sư thực hành, bộ phận quản lý giữa các ngành KHCN so với kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn.

Bản thân trong nhóm nhân lực KHCN, cơ cấu vẫn còn bất hợp lý, đó là khoa học tự nhiên 15,9%; kỹ thuật 14,7%; doanh nghiệp và quản lý 10,3%; nhân văn 10,2%; sức khỏe 8,4%; nông - lâm - thủy sản 7,6%; toán và thống kê 5,8%; xây dựng và kiến trúc 3,9%; khoa học giáo dục và đào tạo 2,3% [32].

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ Nhật Bản từ thập kỷ 1990 đến nay Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Trang 79 - 81)