Trong khi mãi đến thập niên 90 cựu Chủ Tịch Giang Trạch Dân mới hô hào “Khoa Giáo Hưng Quốc” (khoa giáo = khoa học và giáo dục) và đưa vào chính sách nhà nước, thì Nhật Bản đưa ra khẩu hiệu “Kỹ Thuật Lập Quốc” ở ngay thập niên 60. Kết quả của việc nhìn xa trông rộng đó đã giúp Nhật Bản trở thành cường quốc về kinh tế nói chung, cường quốc về KHCN nói riêng. Nói cách khác, kinh tế Nhật Bản mạnh cũng vì có nền KHCN mạnh, và ngược lại. Là một nước không có truyền thống KHCN từ nhiều thế kỷ trước như các nước châu Âu, Mỹ nhưng Nhật Bản đã
làm được nhiều điều làm cho cả thế giới ngưỡng mộ về thành tựu KHCN trong thế kỷ vừa qua. Nhật Bản là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực về nghiên cứu khoa học, công nghệ máy móc, nghiên cứu y học. Đóng góp công nghệ quan trọng của Nhật Bản không thể không nói đến những phát minh trong lĩnh vực điện tử, ô tô, máy móc, robot công nghiệp, quang học, hóa chất, chất bán dẫn và kim loại. Nhật Bản dẫn đầu thế giới trong ngành khoa học robot, đây là quốc gia sở hữu hơn nửa (402.200 trong tổng số 742.500) số robot cho công nghiệp sản xuất. Nhật Bản đã phát minh ra QRIO, ASIMO và Aibo. Nhật Bản cũng là nhà sản xuất ô tô lớn nhất trên thế giới và là quê hương của 6 trong tổng số 15 nhà sản xuất ô tô lớn nhất toàn cầu cũng như 7 trong số 20 nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới. Toyota Prius, ô tô sử dụng hỗn hợp xăng - điện, xe tiết kiệm nhiên liệu bán chạy nhất ở Mỹ năm 2008 [90].
Nhật Bản đang có những kế hoạch lớn lao trong ngành thám hiểm không gian, trong đó có kế hoạch xây dựng một trạm mặt trăng vào năm 2030. Cơ quan thám hiểm không gian Nhật Bản (JAXA) là một trong những thành viên chủ chốt của trạm vũ trụ quốc tế, đây là cơ quan chuyên nghiên cứu về không gian vũ trụ, các hành tinh, các nghiên cứu hàng không, phát triển tên lửa và vệ tinh.
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản cũng đã khẳng định được mình qua các lần đoạt giải Nobel. Năm 2000, Hideki Shirakawa (Viện KHCN Tokyo) và năm 2001, Ryoji Noyori (Đại học Kyoto) đã nhận được giải Nobel về hóa học. Năm 2002, nhà vật lý Masatoshi Koshiba (Đại học Tokyo) và hóa học gia Koichi Tanaka (Đại học Tohoku) cũng nhân được vinh dự đó. Năm 2008, Nhật Bản có 4 nhà khoa học nhận giải Nobel gồm có Yoichiro Nambu, Makoto Kobayashi, Toshihide Makawa và Osamu Shimomura. Nhật Bản là đất nước sỡ hữu nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel nhất ở châu Á hiện nay.
Năm 2006, tổng số cán bộ nghiên cứu của Nhật Bản là 827.000 người, trong đó số cán bộ chuyên nghiên cứu là 709.691 người, đứng vị trí thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ (số liệu năm 2005) và Trung Quốc (Biểu đồ 2.1).
Nhật Bản làm thế giới thán phục khi có tỉ lệ cán bộ nghiên cứu trên 01 vạn dân cao nhất trên thế giới (55,5 người / vạn dân), vượt cả Mỹ (Biểu đồ 2.2).
Từ cách đây hàng chục năm, Nhật Bản luôn là quốc gia có số cán bộ nghiên cứu KHCN bình quân 1000 lao động cao nhất thế giới, cao hơn Hoa Kỳ và bình quân của các nước OECD. Tỷ lệ này đã tăng liên tục trong suốt 20 năm vừa qua (Biểu đồ 2.3).
Biểu đồ 2.3. Xu thế tăng số cán bộ nghiên cứu trên 1000 lao động
Nguồn: OECD Science, Technology and Industry Scoreboard 2007