Vào cuối thế kỷ XIX, C. Mác đã dự báo rằng: Sau này khoa học tự nhiên và khoa học xã hội sẽ thâm nhập vào nhau, tạo thành một khoa học - khoa học về con người [27, tr5].
Vào những năm 90, khi cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật bước sang một giai đoạn mới đã có những thay đổi liên tục trong sản xuất liên quan đến việc áp dụng kỹ thuật tin học, các công nghệ thông tin và những sản phẩm mềm tự động hóa. Trong triết lý kinh doanh đã có một bước ngoặt từ quan niệm coi công nghệ là trung tâm sang coi con người là trung tâm, ưu tiên con người ở các khía cạnh tri thức, trình độ chuyên môn và động cơ lao động [55, tr10 - 11].
Thực tế cho thấy thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản trong suốt thời kỳ dài đã dựa rất nhiều vào KHCN. Đến lượt mình, phát triển KHCN lại phụ thuộc đáng kể vào môi trường xã hội, trong đó người dân nhận thức rõ về vai trò của KHCN. Nhận thức của xã hội về KHCN có vai trò rất lớn đối với phát triển
kinh tế nói chung và KHCN nói riêng của một đất nước. Có thể thấy rõ tác động ảnh hưởng này thông qua sự tôn vinh của xã hội đối với giới khoa học, đầu tư từ ngân sách nhà nước vào đầu tư của toàn xã hội cho KHCN, nhu cầu về sản phẩm nghiên cứu KHCN, sự tích cực tham gia vào sáng tạo KHCN của quần chúng,.... Có thể nói rằng nhận thức xã hội về KHCN là môi trường có tính chất quyết định cho phát triển KHCN.
Ở Việt Nam hiện nay, KHCN chưa phát triển mạnh mẽ một phần là do môi trường xã hội liên quan tới nhận thức của công chúng, xã hội: Nghề nghiên cứu khoa học không được xã hội đánh giá cao và không hấp dẫn đối với lớp trẻ so với nhiều nghề khác; các doanh nghiệp chưa mặn mà với KHCN, xã hội hóa KHCN còn khá hạn chế. Các nhà khoa học dường như đang hoạt động trong những điều kiện thiếu hậu thuẫn và cảm thông của xã hội, hợp tác và sẻ chia của các lực lượng kinh tế, tôn trọng và đánh giá đúng giá trị của cộng đồng,... Do vậy, họ rất khó phát huy tác dụng.
Rõ ràng, từ kinh nghiệm thành công của Nhật Bản ta thấy rằng nâng cao nhận thức của công chúng về KHCN, đặc biệt là về nhân lực KHCN là một giải pháp vô cùng quan trọng đối với phát triển kinh tế và KHCN của nước ta hiện nay. Coi trọng nhân lực KHCN là yếu tố quyết định phát triển kinh tế, xã hội nói chung và KHCN nói riêng.
Vấn đề trọng dụng, trọng thị và trọng đãi đối với cán bộ khoa học rất quan trọng, nhất là đối với những người có trình độ cao, kể cả những người đã nghỉ hưu. Theo quy định của Nhà nước, tuổi nghỉ hưu của cán bộ hiện nay là 60. Chính sách này hoàn toàn đúng và mang tính nhân văn đối với những người không đủ sức khỏe, làm việc trong điều kiện nặng nhọc. Tuy nhiên đối với lao động trí óc, đặc biệt là những người có trình độ cao, còn sức khỏe mà nghỉ, đặc biệt là trong điều kiện hiện nay khi chúng ta còn thiếu rất nhiều cán bộ KHCN trình độ cao thì thật lãng phí. Ở Tập đoàn Dầu khí có không ít chuyên gia sau khi nghỉ hưu đã được công ty nước ngoài thuê với mức lương từ 2 nghìn đến 8 nghìn USD/ tháng.
Cuối cùng thì vai trò nhà nước mang tính quyết định trong phát triển đội ngũ KHCN: Hoạch định chiến lược, tổ chức hiện thực hóa kế hoạch chiến lược thành các hoạt động cụ thể của hệ thống bộ máy. Chỉ có nhà nước, với công cụ chính sách của mình mới có thể tạo được những bước đi đột phá trong lĩnh vực KHCN, xây dựng được đội ngũ trí thức trình độ cao ở các ngành KHCN mũi nhọn, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.