Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội.

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ Nhật Bản từ thập kỷ 1990 đến nay Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Trang 54)

* Hợp tác giữa các trường đại học, các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp

Nhật Bản là một trong những nước rất coi trọng đào tạo nguồn nhân lực KHCN đáp ứng yêu cầu luôn biến đổi của xã hội công nghiệp duy trì vị trí đứng đầu thế giới về khoa học kỹ thuật hiện đại. Nhật Bản đã nhận thức rõ việc thiết lập mối quan hệ cơ hữu và xây dựng kế hoạch liên kết giữa các trường đại học với doanh nghiệp là việc làm không thể thiếu được, đặc biệt là trong thời đại hiện nay.

Để làm được điều đó, từ năm tài chính 2007, Bộ Giáo dục,Thể thao,Văn hóa, Khoa học và Công nghệ của Nhật Bản (MEXT) và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) với vai trò là cầu nối giữa các trường đại học và doanh nghiệp đã xúc tiến chương trình „„Partnership đào tạo nhân lực phối hợp giữa các trường đại học và doanh nghiệp‟‟ để tiến hành bàn bạc và thực thi đào tạo nhân lực. Ngoài ra, từ năm tài chính 2007 hai Bộ này còn liên kết, thu hút lưu học sinh giỏi từ các nước châu Á đến Nhật theo „„Chương trình phát triển sự nghiệp cho sinh viên nước ngoài tại Nhật Bản‟‟ (Career Development Program for Forign Students in Japan). Những lưu học sinh châu Á xuất sắc được đào tạo chuyên môn đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, được học tiếng Nhật, được giúp đỡ tìm việc làm tại các doanh nghiệp ở Nhật. Chương trình này hy vọng sẽ mở rộng hơn nữa mô hình hợp tác giữa các trường đại học với các doanh nghiệp. Có thể nói rằng, chương trình này giúp Nhật Bản đạt được 2 mục đích rất lớn. Một là, tăng cường cơ hội học hỏi, cọ xát cho chính nhân lực người Nhật, và sử dụng chính những nhân tài nước ngoài làm cầu nối giữa Nhật với các nước châu Á. Hai là, Nhật Bản giúp các nước châu Á đào tạo đội ngũ lao động có tri thức, năng lực cao.

Ngoài ra, từ năm tài chính 2008, bằng nguồn kinh phí điều chỉnh phát triển khoa học kỹ thuật, MEXT còn thực hiện chương trình Đào tạo những nhà lãnh đạo môi trường nòng cốt. Đây là chương trình đào tạo lưu học sinh châu Á, học cùng với sinh viên Nhật Bản, trở thành các nhà lãnh đạo có thể giải quyết các vấn đề về môi trường ở các nước đang phát triển.

Việc đào tạo nhân lực KHCN cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trở thành vấn đề quan trọng trong việc duy trì và tăng khả năng cạnh tranh về công nghiệp của Nhật Bản. Để cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) đã thực hiện các chính sách hỗ trợ cho đào tạo nhân lực như phát triển chương trình đào tạo cho các kỹ sư trẻ ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tốt nghiệp cao đẳng chuyên nghiệp, hoàn thiện chương trình giáo dục mang tính thực hành cao cho sinh viên trường cao đẳng chuyên nghiệp thông qua việc liên kết giữa các doanh nghiệp ở các địa phương với các trường kỹ thuật và chính quyền địa phương.... Các trường đại học của Nhật cũng đang đẩy mạnh mô hình trường gắn với doanh nghiệp để đào tạo đội ngũ lao động đáp ứng được yêu cầu của xã hội, thực hiện đào tạo một cách bài bản kỹ năng cơ bản cho sinh viên trước khi họ đi làm, dạy các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp và ứng xử; kỹ năng, kỹ xảo...và coi đây là những môn học bắt buộc trong trường đại học. Để người lao động phải làm quen từ nội quy, ý thức làm việc cho đến phương pháp cải tiến công việc, lập kế hoạch và giải quyết vấn đề...và những người sử dụng lao động coi trọng các kỹ năng mềm, những tiêu chuẩn để đánh giá con người như sự tận tâm, tính hòa đồng, khả năng làm việc nhóm...có kỹ năng làm việc trong môi trường chuyên nghiệp.

* Khuyến khích tiến sĩ làm việc ở doanh nghiệp

Trong những năm gần đây, trong bối cảnh quan hệ giữa KHCN và xã hội ngày càng đa dạng và sâu sắc, những người có chuyên môn về KHCN ví dụ như những postdoc (học sau tiến sĩ) không chỉ được các trường đại học, các viện nghiên cứu mời làm việc mà ngay cả các doanh nghiệp, các cơ quan chính quyền...cũng mở rộng cửa đón họ. Tuy nhiên cho dù có được mời thì postdoc cũng chỉ là vị trí công

việc tạm thời với hợp đồng ngắn hạn.Vì vậy họ lo ngại là bước đường thăng tiến sự nghiệp (career path) hậu potsdoc không mấy sáng sủa và cơ hội công việc cũng không nhiều. Để giải quyết vấn đề này, Bộ MEXT từ năm tài chính 2006 đã thực hiện chương trình đa dạng hóa career path của nhân lực có liên quan đến KHCN, hỗ trợ career path của những người đang theo học tiến sĩ và postdoc. Ngoài ra, từ năm tài chính 2008, Bộ còn bắt đầu triển khai Chương trình bồi dưỡng đội ngũ nghiên cứu cải cách bằng nguồn kinh phí điều chỉnh phát triển KHCN. Bộ MEXT công nhận năng lực chuyên môn của những nhà nghiên cứu trẻ không chỉ trong chuyên ngành hẹp mà ở cả các chuyên ngành khác. Đồng thời, bộ MEXT cũng công nhận thành quả nghiên cứu mang tính sáng tạo của đội ngũ khoa học đã đạt được ở cả trong và ngoài nước.

Để có đội ngũ lao động làm được việc ngay cho doanh nghiệp mà không cần qua đào tạo, Viện Khoa học - kỹ thuật cao quốc gia Nhật Bản (AIST) sử dụng ngay những tiến sĩ đã được tuyển dụng thực hiện đề án nghiên cứu chung với doanh nghiệp. Từ năm tài chính 2005, Viện đã tiến hành tuyển dụng các tiến sĩ theo hiệp định liên kết, hợp tác với doanh nghiệp. Ngoài ra, Viện còn thực hiện các khoá đào tạo nhân lực kỹ thuật công nghiệp để cung cấp cho các tiến sĩ những tri thức cần thiết liên quan đến doanh nghiệp cùng với việc tổ chức các buổi giới thiệu về doanh nghiệp, nhằm thu hút đội ngũ nhân viên giỏi có thể phục vụ cho công cuộc cải cách tại các doanh nghiệp. Không chỉ có vậy, từ năm tài chính 2008, AIST còn thực hiện chương trình Trường đổi mới - sáng tạo (AIST innovation school). „„AIST innovation school‟‟ thu hút các đối tượng là postdoc trong viện AIST. Đây là một chương trình nhằm đào tạo những nhân tài vừa có hiểu biết về khoa học kỹ thuật trong một lĩnh vực chuyên môn đặc biệt, có tầm nhìn xa trông rộng, vừa có năng lực giao tiếp và điều hành công việc để hợp tác với các chuyên gia có chuyên môn khác. Tại trường này có các giờ học liên quan đến công việc nghiên cứu, và các postdoc được sử dụng các trang thiết bị thực hành nghiên cứu một cách bài bản, được giải tỏa tâm lý về con đường thăng tiến sự nghiệp (career path), được đào tạo trên công việc ở các doanh nghiệp có quan hệ hợp tác với Viện AIST. Do vậy, ngay sau khi

học xong các postdoc có khả năng làm việc một cách rất hiệu quả ở các doanh nghiệp mà không cần qua đào tạo thêm gì nữa. Mặt khác, doanh nghiệp cũng dễ dàng thu hút được nhiều tiến sĩ hơn để phát triển doanh nghiệp. Cách đào tạo nhân lực kiểu này đã thực sự đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

* Đào tạo lực lượng liên quan khoa học công nghệ

Nhật Bản xác định rõ để có được thành quả trong lĩnh vực KHCN thì cần đào tạo 3 nguồn nhân lực chính. Ba nguồn nhân lực này có mối quan hệ hữu cơ với nhau, được ví như một dây chuyền sản xuất, nếu một mắt xích có vấn đề thì toàn bộ dây chuyền sẽ không hoạt động được hoặc vận hành thì sản phẩm cũng bị khiếm khuyết. Ba nguồn nhân lực này bao gồm:

Một là, đội ngũ làm công tác quản lý và thương mại hóa các sản phẩm KHCN. Cụ thể đội ngũ này là những người đảm bảo việc sở hữu và kinh doanh sản phẩm trí tuệ. Như vậy cần thiết phải đào tạo một đội ngũ có cả chuyên môn về kỹ thuật lẫn kinh doanh. Các kết quả nghiên cứu có thật sự đi vào sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hay nói cách khác là các doanh nghiệp có „„mặn mà‟‟ với các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học không một phần lớn là nhờ ở đội ngũ này. Nếu những kết quả nghiên cứu, các sản phẩm trí tuệ của các nhà khoa học được thương mại hóa, tức là hiệu quả của hoạt động KHCN đạt ở mức cao.

Hai là, đội ngũ tuyên truyền viên KHCN. Tháng 12 năm 2007, Nội các Nhật Bản đã tiến hành cuộc điều tra thăm dò ý kiến của quần chúng về KHCN và xã hội. Kết quả điều tra cho thấy, nhiều ý kiến cho rằng Nhật Bản không tạo cơ hội đầy đủ cho người dân hiểu biết về KHCN và không cung cấp đủ các thông tin về KHCN. Để giải quyết nguyện vọng, yêu cầu của người dân, Nhật Bản thấy cần thiết phải đào tạo đội ngũ tuyên truyền viên KHCN. Đội ngũ này đảm nhiệm công việc truyền tải các thông tin về khoa học, kỹ thuật đến nhân dân một cách dễ hiểu nhất, phản hồi lại cho các nhà khoa học, nhà kỹ thuật ý kiến của nhân dân. Bộ MEXT, bằng kinh phí điều chỉnh phát triển KHCN đã hỗ trợ các trường đại học mở các khóa đào tạo tuyên truyền viên KHCN về các lĩnh vực mới. Ngoài ra, bộ MEXT tích cực xúc tiến đào tạo, khuyến khích sự năng động của tuyên truyền viên khoa học. Cụ thể

Viện Bảo tàng khoa học quốc gia đã triển khai các khóa học thực hành cho tuyên truyền viên khoa học. Bên cạnh đó, Bộ còn khuyến khích các đơn vị, các nhà khoa học, chính trị gia nâng cao vai trò trong việc phổ biến tri thức và giới thiệu thông tin liên quan tới KHCN trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Ba là, đội ngũ kỹ sư. Nhật Bản thực hiện chiến lược „„Kỹ Thuật Lập Quốc‟‟, quan điểm coi trọng nền móng kỹ thuật, sáng tạo lĩnh vực mới, tăng khả năng cạnh tranh quốc tế trong công nghiệp. Để đạt được mục đích, Nhật Bản nhận thấy cần phải đào tạo đội ngũ kỹ sư đảm bảo về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nhật Bản còn rất coi trọng ý kiến của công nhân kỹ thuật, những người trực tiếp sản xuất vì họ là những người hiểu rõ nhất về công việc nên có thể đề xuất cải tiến hợp lý. Vì vậy, trong nhiều doanh nghiệp lớn của Nhật đều có các đội Kaizen (cải tiến) luôn tìm cách đổi mới quy trình làm việc.

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ Nhật Bản từ thập kỷ 1990 đến nay Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Trang 54)