Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực bậc cao

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ Nhật Bản từ thập kỷ 1990 đến nay Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Trang 50)

* Chú trọng đào tạo nhân lực ở bậc đại học

Nhật Bản xác định vai trò đào tạo nhân lực ở bậc đại học là hết sức quan trọng đối với việc tạo ra đội ngũ lao động giàu sức sáng tạo, có tầm nhìn rộng lớn

để phát huy khả năng lãnh đạo tầm cỡ quốc tế. Các trường đại học của Nhật đang cố gắng cải tiến chương trình đào tạo. Số lượng các trường đưa tất cả các chuyên ngành chính, chuyên ngành phụ, bắt buộc sinh viên học một cách có hệ thống các môn học ngoài lĩnh vực chuyên môn mỗi năm một tăng. Năm tài chính 2007, ở cấp khoa đã có 152 trường đại học thực hiện. Ngoài ra có 664 trường đại học thực hiện phát triển theo khoa (FD) nhằm mục đích nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên và cải thiện chất lượng giờ học. Ở Nhật hiện nay, các giảng viên chịu áp lực lớn không chỉ về phương diện giáo dục mà cả về phương diện nghiên cứu. Điều đó có nghĩa là giảng viên vừa giảng dạy vừa phải tập trung nghiên cứu. Năm tài chính 2007, có 319 trường đại học thực hiện đánh giá kết quả giảng dạy của giảng viên ở cấp khoa.

Bộ Giáo dục,Thể thao,Văn hóa, Khoa học và Công nghệ của Nhật Bản (MEXT) hỗ trợ các chương trình cải cách giáo dục đại học ở tất cả các trường bất kể là trường công hay trường tư.

Nhật Bản không những tập trung tăng số lượng cơ sở giáo dục bậc cao, mà còn rất chú trọng đến chất lượng đào tạo. Từ năm 2002, Nhật Bản bắt đầu “Chương trình COE thế kỷ XXI” nhằm hỗ trợ các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu trong nước cạnh tranh lành mạnh và đào tạo đạt đẳng cấp quốc tế. Chương trình này cũng nhằm nâng một số trường đại học của Nhật Bản lên nhóm các trường đại học hàng đầu thế giới, thông qua việc nâng cao chuẩn giáo dục và nghiên cứu. Thời gian cho mỗi chương trình COE là 5 năm, với kinh phí 10 - 500 triệu Yên (100 nghìn đến 5 triệu USD). Ở Nhật Bản, 8 trường đại học quốc gia (Đại học Tokyo, Đại học Kyoto, Đại học Osaka, Đại học Nagoya, Đại học Tohoku, Đại học Hokkaido, Đại học Kyushu, và Học viện công nghệ Tokyo) và hai trường đại học tư thục (Đại học Waseda và Đại học Keio) từ xưa đã luôn được xem là các trường đại học hàng đầu. Ngoài ra có hai viện đại học chỉ đào tạo bậc thạc sĩ và tiến sĩ là Viện đại học Khoa học và Công nghệ Nhật Bản JAIST (Japan Advanced Institute of Science and Technology) thành lập vào năm 1990 và Viện đại học Khoa học và Công nghệ Nara

NAIST thành lập vào năm 1999. Các COE không phân bố đều trên các trường đại học, mà tập trung chủ yếu vào 12 trường đại học hàng đầu kể trên.

Dựa trên đánh giá kết quả “Chương trình COE thế kỷ XXI” của MEXT, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định lập “Chương trình COE toàn cầu” vào năm 2005. Chương trình này bắt đầu từ năm tài chính 2007, và đã tuyển chọn được xây dựng 63 COE toàn cầu trong tổng số 281 đề cương đăng ký (tỷ lệ được chọn là 22,4%, Bảng 2.6). Trong số 63 COE toàn cầu, 44 thuộc về 12 trường đại học kể trên (69,8%).

Bảng 2.6. Số COE toàn cầu được duyệt trong năm 2007

Lĩnh vực khoa học Số đề cương

đăng ký

Số đề cương sau sơ tuyển

Số COE được chọn

Khoa học về sự sống 55 20 13

Hóa học và khoa học vật liệu 45 21 13

Tin học, điện và điện tử 37 20 13

Khoa học nhân văn 39 19 12

Khoa học mới hoặc khoa học liên ngành

105 21 12

Số COE được duyệt trên số đăng ký

281 101 (35,9%) 63 (22,4%)

Nguồn: nhantainhanluc.com/vn/401/1628/contents.aspx

Chương trình COE toàn cầu cung cấp kinh phí để thiết lập các trung tâm nghiên cứu và đào tạo xuất sắc nhất để nâng cao tính cạnh tranh quốc tế của các trường đại học Nhật Bản. Mục đích chính của các COE toàn cầu là đẩy mạnh việc nghiên cứu và đào tạo chương trình sau đại học, giúp đỡ cán bộ nghiên cứu trẻ trở thành các nhà lãnh đạo khoa học tầm cỡ thế giới. Điểm khác của COE toàn cầu so với COE thế kỷ XXI là số COE ít hơn nhưng tài trợ cao hơn, (có thể gấp đôi).

* Chú trọng đào tạo nhân lực ở bậc thạc sĩ

Trong thời đại khoa học phát triển như vũ bão, chuyên môn hóa, phân công hóa ngày càng sâu sắc và cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt như ngày nay, Nhật Bản coi việc đào tạo nguồn nhân lực là một việc làm cấp bách, không thể chậm chễ. Nguồn nhân lực này phải là đội ngũ có tri thức chuyên môn sâu, có năng lực ứng dụng rộng để có thể bắt kịp được các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật mới. Các cơ sở đào tạo thạc sĩ có vai trò hạt nhân trong việc đào tạo đội ngũ trên. Trong vòng 10 năm từ năm tài chính 1999 đến năm tài chính 2008, con số học viên cao học đã tăng lên đến khoảng 70.000 người. Sự chuẩn bị cho số lượng học viên đó đã được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và thuận lợi. Tuy nhiên trong tương lai, Nhật Bản cũng cần kiểm tra, đánh giá xem chất lượng đào tạo đó nâng lên được bao nhiêu? Bộ Giáo dục,Thể thao,Văn hóa, Khoa học và Công nghệ của Nhật Bản, từ năm tài chính 2007 đã thực hiện Chương trình hỗ trợ cải cách giáo dục bậc thạc sỹ. Bộ cũng hỗ trợ cho các đề án quản lý giáo dục tiên tiến của các cơ sở có đào tạo cao học, nơi đào tạo ra nhân lực trình độ cao trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Cho đến năm tài chính 2008 đã có 83 trường đại học, với 192 đề án được lựa chọn [78].

Bộ Giáo dục, Thể thao, Văn hóa, Khoa học và Công nghệ của Nhật Bản đã công bố kế hoạch cơ bản về Giáo dục sau đại học trong thời đại mới vào tháng 9 năm 2005 và đến tháng 3 năm 2006 đã quyết định thành lập Mạng lưới chấn hưng giáo dục sau đại học. Đây là một kế hoạch mang tính hệ thống, tập trung, kéo dài trong thời gian 5 năm nhằm mục đích hoàn thiện hệ thống giáo dục sau đại học để tạo ra các cơ sở đào tạo sau đại học có chất lượng cao, có tính thông dụng quốc tế, có uy tín, có năng lực cạnh tranh toàn cầu và có sức hấp dẫn thu hút không chỉ người bản xứ mà người nước ngoài đến Nhật để học thạc sĩ và tiến sĩ.

* Hỗ trợ về kinh tế cho những người đang theo học tiến sĩ

Xuất phát từ quan điểm coi trọng nhà nghiên cứu giỏi, ngay trong kế hoạch cơ bản Nhật Bản đã quy định rõ 20% số người có năng lực và tư chất tốt đang theo học tiến sĩ có thể nhận một khoản tiền tương đương với tiền sinh hoạt phí.

Bộ Giáo dục, Thể thao, Văn hóa, Khoa học và công nghệ của Nhật Bản (MEXT) đã mở rộng sự hỗ trợ đối với những nghiên cứu sinh thuộc chương trình nghiên cứu đặc biệt do Cơ quan phát triển khoa học Nhật Bản (JSPS) thực hiện như cho làm trợ giảng hay trợ lý nghiên cứu Research Assistant (RA) và hàng tháng họ sẽ nhận được một khoản trợ cấp.

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ Nhật Bản từ thập kỷ 1990 đến nay Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Trang 50)