Về chính trị

Một phần của tài liệu Việt Nam gia nhập hiệp định về đàn cá di cư của Liên Hợp Quốc năm 1995 thách thức và giải pháp (Trang 55)

Có thể đánh giá Hiệp định năm 1995 là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất để quản lý thuỷ sản. Việc gia nhập và thực thi Hiệp định này được coi là một trong những bước cơ bản nhất của một quốc gia để hướng tới việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản một cách có trách nhiệm. Trong bối cảnh hiện nay, nếu nước ta gia nhập Hiệp định năm 1995 thì có thể coi đây là một bước ngoặt chính trị, vì cho đến nay chưa có quốc gia nào trong khu vực Đông Nam á gia nhập Hiệp định. Hiệp định là văn bản pháp lý quốc tế đã được cộng đồng quốc tế ủng hộ và đón nhận, thể hiện qua việc đến nay đã có 75 quốc gia gia nhập Hiệp định và nhiều nước, trong đó có Việt Nam đang nghiên cứu, xem xét để gia nhập Hiệp định này. Chính vì vậy, việc Việt Nam gia nhập Hiệp định thể hiện quan điểm chính trị của mình đối với việc bảo tồn, quản lý nguồn lợi thuỷ sản nói chung và bảo tồn, quản lý các đàn cá lưỡng cư và di cư xa nói riêng. Việc Việt Nam sớm gia nhập Hiệp định này cũng chứng tỏ cho thế giới thấy rằng chúng ta đồng thuận và cam kết tuân thủ những quy định trong Hiệp định. Mặt khác, khi là thành viên của Hiệp định, Việt Nam có thể áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để hoàn thành nghĩa vụ quốc tế một cách có trách nhiệm hơn. Việc Việt Nam tham gia và thực thi Hiệp định dựa trên nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về tự nguyện thực hiện các cam kết quốc tế.

Việt Nam đã là thành viên của Công ước năm 1982 từ năm 1994. Trong 15 năm qua, Việt Nam luôn thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Công ước, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và vị thế của Việt Nam đang ngày một được nâng cao, thể hiện qua việc năm 2008 Việt Nam được bầu và đảm trách Uỷ viên không Thường trực Hội đồng Bảo an của Liên hợp quốc. Trong thời gian giữ vị

trí này, Việt Nam đã chứng tỏ cho thế giới thấy rằng Việt Nam có đầy đủ năng lực và luôn nỗ lực hết mình vì một thế giới hoà bình, ổn định.

Vì vậy, trong bối cảnh này, nếu chúng ta thể hiện thiện chí về việc sớm gia nhập Hiệp định năm 1995 sẽ là bước rất thuận lợi, bởi Hiệp định chính là một phần của Công ước năm 1982, là chiếc cầu nối với nhau, không tách rời, Hiệp định chỉ là sự bổ sung để các quy định của Công ước năm 1982 đầy đủ, hoàn thiện hơn về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa.

Việc phê chuẩn gia nhập Hiệp định năm 1995 sẽ góp phần nâng cao hơn nữa uy tín quốc tế của Việt Nam. Đây được xem như là trách nhiệm của quốc gia trong hoạt động khai thác thuỷ sản. Các nghĩa vụ của Hiệp định này đa phần tương đồng, phù hợp với Việt Nam và đó cũng là nghĩa vụ mà Việt Nam đã cam kết thực hiện khi gia nhập Công ước Luật Biển năm 1982.

Với tư cách là thành viên của Hiệp định, Việt Nam sẽ tham gia vào quản lý các nguồn tài nguyên thuỷ sản quan trọng đối với nghề khai thác thuỷ sản của Việt Nam, mặc dù nghề khai thác thuỷ sản của Việt Nam là nghề cá quy mô nhỏ, mang tính nhân dân, chưa phải là ngành công nghiệp đánh bắt thuỷ sản hiện đại.

Theo nhận định chủ quan, trong một vài năm tới, số lượng tàu cá của Việt Nam đi khai thác ở vùng biển cả vẫn rất ít ỏi, chính vì vậy, các quy định về nghĩa vụ trong Hiệp định cũng chưa đặt ra một cách quá cấp thiết, trong khi đó nếu Việt Nam gia nhập Hiệp định này sớm, sẽ là một bước tiến xa về chính trị trên trường quốc tế. Điều này cũng nên được tính đến giữa lợi ích về chính trị với thực tiễn là Việt Nam chưa bị ràng buộc về mặt pháp lý khi chúng ta chưa có tàu cá đi khai thác ở vùng biển cả.

Một phần của tài liệu Việt Nam gia nhập hiệp định về đàn cá di cư của Liên Hợp Quốc năm 1995 thách thức và giải pháp (Trang 55)