Hệ thống pháp luật về thuỷ sản đã được xây dựng khá hoàn chỉnh. Luật Thuỷ sản đã được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2004. Luật Thuỷ sản ra đời là khung pháp lý cao nhất về thuỷ sản, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng trên biển.
Có thể nói, Luật Thuỷ sản Việt Nam được xây dựng là Luật theo hướng hiện đại, dựa trên nghề cá quy mô nhỏ, có sự tư vấn của các chuyên gia có chuyên môn cao về lĩnh vực thuỷ sản và pháp luật đến từ Na-uy, là một trong những nước có nghề cá phát triển, đến từ Tổ chức Nông lương thế giới (FAO); tham khảo kinh nghiệm xây dựng pháp luật của nhiều nước trên thế giới; với sự nghiên cứu, vận dụng các quy định của các văn bản pháp luật quốc tế có liên
quan để nội luật hoá vào trong pháp luật của quốc gia. Luật được xây dựng với cách thức đi trước, đón đầu. Vì vậy, hầu hết các quy định trong Luật đảm bảo sự tương đồng với pháp luật quốc gia, đặc biệt là pháp luật quốc tế về lĩnh vực thuỷ sản, như Công ước năm 1982, Hiệp định năm 1995, Bộ quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO)…
Luật Thuỷ sản gồm 10 chương, 62 điều. Luật đã quy định khá đầy đủ, toàn diện các hoạt động về thuỷ sản, như: khai thác thuỷ sản, nuôi trồng thuỷ sản, vận chuyển thuỷ sản; bảo quản, chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thuỷ sản, dịch vụ trong hoạt động thuỷ sản; điều tra, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Luật Thuỷ sản là khung pháp lý cao nhất cho việc quản lý hoạt động thuỷ sản bằng pháp luật, kích thích phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của Luật Thuỷ sản với các luật tài nguyên khác, với hệ thống pháp luật kinh tế trong điều kiện đổi mới và hội nhập; phù hợp với thông lệ quốc tế và luật pháp quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, nhất là những vấn đề có liên quan tới biển và nghề cá, tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác quốc tế về thuỷ sản, đảm bảo yêu cầu và xu thế hội nhập trong khu vực và trên thế giới; là cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề tranh chấp, hợp tác trong khu vực và quốc tế; gắn việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản với việc khai thác hợp lý và tái tạo, phát triển bền vững nguồn lợi thuỷ sản, tạo cơ cấu mới bền vững, hiệu quả và có tính cạnh tranh cao cho ngành thuỷ sản; đảm bảo việc bảo vệ môi trường, tính đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên.
Luật Thuỷ sản được xây dựng theo hướng là luật khung, là cơ sở pháp lý để hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuỷ sản. Theo đó, ngay sau khi Luật được ban hành, các văn bản cấp Chính phủ, cấp Bộ đã được xây dựng để hướng dẫn chi tiết thực hiện các nội dung của Luật. Vì vậy, cho đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thuỷ sản đã tương đối hoàn chỉnh, về cơ bản, đáp ứng được nhu cầu quản lý Ngành trong tình hình hiện nay. Thông qua công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật về thuỷ sản, hiện có gần 100 văn
bản quy phạm pháp luật về thuỷ sản còn hiệu lực (Xem phụ lục số 3.1). Các văn bản này sẽ được xem xét, đối chiếu trong mối tương quan giữa chúng với các quy định của Hiệp định năm 1995.