Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các làng nghề đều thực hiện bằng thủ công, dựa vào khả năng và kinh nghiệm của người thợ là chính. Đó cũng là thực trạng chung của không chỉ các làng nghề ở Hà Tĩnh. Trong giai đoạn Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ, các ngành nghề thủ công cũng đã được trang bị máy móc thiết bị chuyên dùng vừa tăng năng suất lao động vừa tạo ra sản phẩm có chất lượng, trong đó một số ngành nghề có tỷ lệ số hộ trang bị máy chuyên dùng cao như chế biến gỗ, đóng tàu, bún bánh, rèn đúc…Như ở làng mộc Thái Yên do nhu cầu của khách hàng ngày càng lớn nên quy mô sản xuất ở Thái Yên ngày càng lớn. Để nâng cao năng lực sản xuất với mục đích sản phẩm làm ra nhiều hơn, đẹp hơn, thu hút khách hàng nhiều hơn, các chủ cơ sở làm đồ mộc đã đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm phương tiện, máy móc. Còn ở làng đúc rèn Trung Lương thì nghề rèn ở đây chưa ai soạn thành sách để truyền lại cho thế hệ sau, mỗi gia đình chỉ có kinh nghiệm đúc rút ra được truyền lại cho con cháu. Kinh nghiệm của một nghệ nhân nổi tiếng cho biết, để có một sản phẩm
tốt, quan trọng nhất là công đoạn chẻ sắt bỏ thép vào, cho qua lửa, khi sắt và thép chảy thành nước dùng búa đập dính lại. Cái khó nhất, cũng là bí quyết người thợ, nhìn qua độ hồng của sắt và thép trên ngọn lửa, biết vừa hay chưa. Ở đây chỉ xác định bằng mắt và cảm giác, chưa máy móc nào thay thể được. Đó là công việc rèn đúc các sản phẩm kim khí thường dùng. Trong giai đoạn hiện nay, khi khoa học công nghệ phát triển, nhiều cơ sở đã lắp đặt nhiều dây chuyền bán tự động sản xuất bừa theo dây chuyền liên hoàn nên năng suất tăng gấp 5 lần so với trước đây.
Tuy nhiên, nhìn chung hầu hết các làng nghề ở Hà Tĩnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công nghệ - kỹ thuật sản xuất sản phẩm, các làng nghề chế biến thủy hải sản, mây tre đan, chiếu cói…phần lớn là công nghệ thủ công, lạc hậu. Trình độ kỹ thuật sản xuất trong các làng nghề vẫn ở mức thấp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của các làng nghề. Thể hiện trước hết là nó làm cho năng suất lao động trong các làng nghề thường không cao, với quy trình công nghệ chủ yếu là từ kinh nghiệm, kỹ năng của người lao động, còn ít sử dụng máy móc thiết bị vào sản xuất. Hơn nữa, cũng do quá trình lao động thủ công, trình độ kỹ thuật lac hậu nên phần lớn đều chưa có những công nghệ xử lý chất thải, xử lý nguồn nước dẫn đến một số làng nghề gây ô nhiễm môi trường tương đối nghiêm trọng. Nguyên nhân của những hạn chế trên đầu tiên là do thiếu nguồn vốn đầu tư, tiền vốn đầu tư của các làng nghề chủ yếu vẫn là vốn lưu động, còn nguồn vốn đầu tư cho máy móc thiết bị và công nghệ vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ. Hơn nữa, quy mô của các cơ sở sản xuất trong các làng nghề tương đối nhỏ nên việc mua sắm máy móc thiết bị, áp dụng kỹ thuật tiên tiến cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, do muốn đầu tư đổi mới công nghệ thì đòi hỏi người lao động cũng phải có trình độ tiếp cận nhất định, tuy nhiên năng lực của đội ngũ lao động làng nghề lại còn nhiều hạn chế, lại thiếu sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý…nên khả năng tiếp cận với các công nghệ - kỹ thuật hiện đại cũng rất khó khăn. Một nguyên nhân nữa là do một số làng nghề chủ yếu thực hiện sản xuất sản phẩm chủ yếu là thủ công mỹ nghệ, đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay nghệ nhân nên việc đầu tư máy móc thiết bị phần nào cũng sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh sản phẩm vốn có của nó.