Sự phát triển của hệ thống đô thị tạo nên một nền văn minh đô thị, quy mô và chức năng đô thị, không gian quy hoạch và kiến trúc của đô thị, cơ sở hạ tầng đô thị, kinh tế đô thị…Sự phát triển của hệ thống đô thị có vai trò quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như địa phương, vùng lãnh thổ, và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Quá trình đô thị hóa cũng có những tác động ngược chiều đối với sự tồn tại phát triển của hệ thống các làng nghề. Trước hết, về mặt tích cực, quá trình đô thị hóa sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh hơn, góp phần làm tăng nguồn thu nhập, nâng cao đời sống của dân cư ở làng nghề cũng như vùng lân cận. Khu vực thành thị chính là những đối tượng có thu nhập cao hơn, qua đây sẽ có điều kiện tăng tiêu dùng những sản phẩm từ làng nghề phù hợp, đặc biệt là những sản phẩm mang đậm dấu ấn thủ công mỹ nghệ, có tính trang trí, lụa tơ tằm, sản phẩm thêu ren, thảm len...và từ đó tạo nên thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn. Ngoài ra, quá trình đô thị hóa cũng sẽ tạo điều kiện cho người dân vùng làng nghề nâng cao dân trí, trình độ để có thể tiếp cận một cách tốt hơn với sự phát triển của khoa học công nghệ mới, từ đó họ có thể biết cách áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động của mỗi cơ sở làng nghề.
Tuy nhiên, ngoài tác động tích cực thì quá trình đô thị hóa cũng mang lại không ít những tác động không tốt cho mỗi làng nghề. Trước hết, quá trình đô thị hóa sẽ đi đôi với sự thu hẹp các diện tích đất nông nghiệp, đất trồng nguyên liệu cũng như là đất đai phục vụ nhà xưởng gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của làng nghề. Đô thị hóa nhanh chóng cũng sẽ tác động đến lối sống cũng như cách nhìn nhận của người làm nghề, họ sẽ có những thay đổi trong phong cách làm sao để phù hợp với hoàn cảnh mới. Như vậy, quá trình đô thị hóa ngoài những ảnh hưởng mang tính tích cực thì
cũng cần phải chú ý đến những ảnh hưởng xấu của nó để có thể có những biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo cho sự phát triển của mỗi làng nghề mang tính bền vững.
Bên cạnh quá trình đô thị hóa thì sự phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng cũng là nhân tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững của làng nghề. Nếu hệ thống cơ sở hạ tầng mà quan trọng nhất là hệ thống giao thông ngày càng phát triển và được hoàn thiện thì sẽ tạo điều kiện cho mỗi làng nghề có thể mở rộng quy mô sản xuất.
Ngoài hệ thống giao thông ở khu vực làng nghề thì hệ thống điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện ứng dụng các loại máy móc thiết bị hiện đại vào hoạt động sản xuất, góp phần làm tăng năng suất lao động cũng như là nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, chống ô nhiễm môi trường… Hệ thống thông tin liên lạc đặc biệt là trong thời điểm bùng nổ Internet như hiện nay cũng sẽ giúp cho các hộ sản xuất nhanh chóng cập nhật các thông tin cần thiết cũng như là có thể tìm kiếm những nguồn thông tin quan trọng phục vụ cho hoạt động sản xuất của mình, đồng thời qua đó cũng có thể thực hiện các hoạt động quảng bá sản phẩm, giới thiệu một cách rõ hơn về làng nghề mình để sản phẩm của làng nghề được mọi nơi, mọi đối tượng biết đến.