Tâm lý của người dân địa phương vào sự phát triển làng nghề

Một phần của tài liệu phát triển bền vững các làng nghề truyền thống ở hà tĩnh (Trang 51)

Sự phát triển của mỗi làng nghề đóng vai trò to lớn trong việc tạo nên bản sắc, truyền thống riêng cho mỗi địa phương, làng quê. Đó là cái đại diện rõ nét cho địa phương về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán. Sự tồn tại và phát triển của làng nghề trước hết là mang lại lợi ích cho những người làm nghề, và tiếp đến là sự phát triển về mọi mặt ở địa phương. Tuy nhiên, với những người không làm nghề trong làng nghề lại có những tâm lý khác nhau về sự tồn tại của làng nghề, nếu không ảnh hưởng gì xấu đến họ thì đó sẽ là mặt tốt, nhưng nếu sự tồn tại của làng nghề gây tác động xấu đến môi trường, tác động xấu đến cuộc sống của họ thì tâm lý của họ sẽ là ngược lại.

Đối với làng nghề mộc Thái Yên, trước đây, làng nghề này chỉ tồn tại ở xã Thái Yên của huyện Đức Thọ, nhưng do làm việc bằng nghề này mang lại nguồn thu nhập ổn định và cao hơn làm nông nghiệp nên đã lan tỏa phát triển sang các vùng lân cận, giờ đây xã Đức Thịnh (cạnh xã Thái Yên) đã có rất nhiều cơ sở làm mộc, chế biến đồ gỗ; ngoài ra, do nhu cầu về các đồ dùng trang trí nội thất trong nhà ngày càng gia tăng nên nhu cầu về lao động ở các cơ sở làng nghề cũng tăng cao, chính vì thế, nhiều con em ở Thái Yên sau khi tốt nghiệp nếu không đỗ đạt đi học thì thay vì tìm việc làm ở các khu công nghiệp phát triển ở các nơi, họ ở lại làm việc giúp gia đình, đồng thời thu nhận thêm các lao động ở các xã xung quanh đến làm việc. Nhìn chung, làm nghề mộc thu nhập cao hơn nhiều so với làm ruộng. Tuy vậy, phần lớn hộ gia đình sau khi kinh tế khấm khá, họ đều đầu tư cho con em mình học hành để có thể có được những công việc tốt hơn. Còn đối với người dân không tham gia vào làng nghề thì cái mà họ lo lắng nhất là ô nhiễm môi trường. Bởi lẽ, sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề sẽ làm cho nguồn nước bị ô nhiễm, lượng bụi vượt quá mức và ô nhiễm tiếng ồn.

Đối với làng nghề chế biến hải sản thì dân cư ở đây họ mong muốn con em mình thoát li khỏi nghề (có đến 78% những người được hỏi), phần còn lại những người khỏe mạnh họ tham gia vào đánh bắt hải sản, còn lại nếu như không đi làm ở các khu công nghiệp phát triển hoặc làm cán bộ quản lý nhà nước thì họ sẽ tham gia vào làm việc ở làng nghề. Bởi lẽ, đó là nghề chính của dân cư địa phương ở đây.

Tuy nhiên, đối với những làng nghề mang lại thu nhập quá thấp như các làng nghề chiếu cói và làm nón,…thì sự tồn tại của làng nghề không có ý nghĩa lớn đối với người dân ở đây. Có chăng một số hộ dân muốn giữ lại nghề nên họ đóng vai trò là lao động kiêm để có thể vừa giữ gìn nghề truyền thống, lại vừa tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Như vậy, sự tồn tại của làng nghề là niềm vui, niềm hạnh phúc của người dân nhưng do nguồn thu nhập từ làng nghề vẫn chưa đảm bảo cuộc sống nên dân cư ở các làng nghề hầu hết đều mong muốn con em mình sau này thoát ly khỏi nghề, làm những công việc an nhàn hơn mà thu nhập lại khá hơn, cuộc sống được cải thiện hơn. Điều này đòi hỏi các làng nghề phát triển ngày càng phải có biện pháp thu hút thêm các lao động vùng lân cận đến làm việc. Có như vậy mới đảm bảo được tính bền vững trong phát triển làng nghề.

Một phần của tài liệu phát triển bền vững các làng nghề truyền thống ở hà tĩnh (Trang 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)