HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN XĂNG DẦU PETROLIMEX (PG BANK) ĐẾN NĂM
3.3.2. Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
NHNN Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc điều hành hoạt động của hệ thống ngân hàng, tạo sự ổn định về tài chính, làm nền tảng cho sự phát triển của các lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Đặc biệt trong tình hình nền kinh tế trong nước và Thế giới có nhiều biến động như hiện nay thì bất kỳ sự chỉ đạo nào của NHNN cũng có tác động mạnh mẽ đến thị trường. Do đó, để hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động tín dụng tài trợ xuất nhập khẩu nói riêng đạt hiệu quả cao hơn nữa, NHNN cần:
- Tạo sự ổn định về tỷ giá và lãi suất cho thị trường, tránh những điều chỉnh bất ngờ với biên độ lớn. Trong thời gian qua, ở thị trường Việt Nam diễn biến lãi suất diễn ra tương đối phức tạp. Các NHTM đều huy động vượt trần quy định của NHNN. Các doanh nghiệp có nhu cầu vay chính đáng phục vụ sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu nhưng cũng rất khó để được vay, hoặc có vay nhưng lãi suất cũng rất cao, cao hơn rất nhiều so với mức mà doanh nghiệp có thể sản xuất để sinh lời. Việc doanh nghiệp vay tiền của NHTM với lãi suất cao như vậy chả khác gì việc doanh nghiệp chỉ nai lưng ra làm giả nợ cho ngân hàng mà không có được lợi nhuận.
Vì vậy tình trạng các doanh nghiệp ngưng trệ sản xuất, vi phạm hợp đồng thương mại hay không ký kết thêm các hoạt động ngoại thương diễn ra tương đối nhiều. Hơn nữa, sự chênh lệch lãi suất giữa VND và USD lại quá lớn, dẫn đến tình trạng tín dụng USD có sự tăng trưởng quá lớn so với tín dụng VND. Bên cạnh đó, có những thời điểm, tỷ giá USD và VND xuống quá thấp, NHNN lại không có
những can thiệp để mua vào, tăng dự trữ ngoại hối để có thể can thiệp vào những thời điểm mà thị trường khan hiếm USD như thời điểm cuối năm.
NHNN cần phải cung cấp thông tin về việc điều chỉnh tỷ giá một cách nhanh chóng, nhằm tránh những hậu quả, thiệt hại đáng tiếc trong hoạt động ngoại thương bằng cách thông báo đến các ngân hàng thương mại thông qua mạng lưới máy vi tính nối tại NHNN. Giúp NHTM nắm bắt thông tin kịp thời, theo sát những biến động trên thị trường.
- Củng cố thêm nữa hệ thống thông tin và cung cấp thông tin, nhất là thông tin từ phía các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, giúp Ngân hàng tránh khỏi sự thiếu thông tin, giảm thiểu những rủi ro Ngân hàng có thể gặp phải khi gặp những khách hàng có ý định gian lận trong làm ăn. Muốn vậy, NHNN cần tăng cường hoạt động của Trung tâm phòng ngừa rủi ro, đôn đốc các ngân hàng thực hiện chế độ cung cấp thông tin khách hàng theo quy chế và tổ chức hoạt động thông tin tín dụng do Thống đốc NHNN ban hành đồng thời giúp các ngân hàng cập nhập thông tin khi có biến động của khách hàng.
- NHNN cần phát huy vai trò lãnh đạo của mình đối với các NHTM Việt nam trong quan hệ giao dịch với các bạn hàng quốc tế. Trong quan hệ quốc tế, uy tín là một yếu tố vô cùng quan trọng. Ngoại trừ các NHTM nhà nước, nhìn chung các NHTM Việt Nam chưa xây dựng được sự tin tưởng của các ngân hàng nước ngoài cũng như chưa có được uy tín trên thị trường tài chính quốc tế. Để tạo điều kiện cho các NHTM Việt Nam mở rộng hoạt động TTQT thì NHNN cần phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo cho các NHTM trong quan hệ quốc tế.
- Cần ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết cụ thể đối với các loại hình TTQT. Hiện nay, hoạt động TTQT bằng L/C được điều chỉnh bởi UCP 600 do ICC ban hành, tuy nhiên văn bản này lại không có những hướng dẫn chi tiết về các loại hình tín dụng đặc biệt như thư tín dụng giáp lưng, thư tín dụng tuần hoàn và thư tín dụng đối ứng. Các loại hình này ngày càng được áp dụng nhiều hơn tuy nhiên mỗi ngân hàng tại Việt Nam lại có những quy định riêng và xác định mức mức phí khác nhau. Do vậy, NHNN nên ban hành một văn bản hướng dẫn chung về việc áp dụng UCP 600 vào thực tiễn TTQT của Việt Nam, trong đó đặc biệt cần nêu rõ các vấn đề mà UCP đưa ra còn chung chung trong UCP như vấn đề về ngày tháng, nội dung
của bản thân các chứng từ để có một hành lang tập quán thống nhất của Việt Nam, tránh việc ngay bản thân các ngân hàng Việt Nam cũng có những cách hiểu và áp dụng rất khác nhau một số điều trong UCP.
- Thực hiện thường xuyên công tác thanh tra, kiểm soát dưới nhiều hình thức nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm tiêu cực trong hoạt động tín dụng.