Về hoàn cảnh kinh tế gia đình

Một phần của tài liệu Hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình (Khảo sát tại hai xã Yên Thắng và Khánh Thịnh (Trang 51)

Hoàn cảnh kinh tế gia đình tác động rất lớn đến trình độ học vấn, sức khỏe, tâm lý…của người khuyết tật. Thực tế đã chứng minh rằng gia đình khá giả, có điều kiện về kinh tế sẽ chăm sóc tốt hơn cho người khuyết tật, người khuyết tật được quan tâm chu đáo mọi mặt. Bởi một số dạng khuyết tật đòi hỏi phải có sự can thiệp sớm, trị liệu tốt để làm giảm mức độ biểu hiện của dạng tật gây ra như khuyết tật trí tuệ. Khi sức khỏe được tăng cường thì họ có

thể hạn chế được những khó khăn, khả năng lao động ở mức độ khuyết tật nặng và mức độ khuyết tật nhẹ có thể được nâng cao. Mặt khác, cũng theo khảo sát của Bộ LĐTB&XH có đến 87,27% số lượng người khuyết tật sống ở nông thôn và đa số là thuộc diện nghèo và cận nghèo. Chính vì vậy, đa số người khuyết tật ở nông thôn gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận những dịch vụ xã hội. Tuy nhiên, thực tế cũng khẳng định rằng chính những người khuyết tật sống ở trong điều kiện kinh tế khó khăn lại có ý chí, nghị lực cao hơn những người khuyết tật sống ở trong những gia đình khá giả.

Theo khảo sát Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội, hoàn cảnh kinh tế gia đình của người khuyết tật ở nước ta rất thấp. Hộ gia đình có một thành viên là người khuyết tật là những hộ nghèo: 32,5% số hộ nghèo khó (so với 22% của tổng dân số); 58% số hộ có mức sống trung bình; 9% số hộ có mức sống khá giả; 0,5% số hộ có mức sống cao. Tại hai cơ sở của huyện Yên Mô, hoàn cảnh kinh tế gia đình của người khuyết tật được phản ánh một cách rõ nét như sau:

Biểu đồ 2.6: Hoàn cảnh kinh tế gia đình của người khuyết tật tại hai cơ sở Yên Thắng và Khánh Thịnh

Hoàn cảnh kinh tế gia đình của người khuyết tật được thể hiện rõ nét qua biểu đồ trên, đa số những người khuyết tật đều có hoàn cảnh gia đình nghèo, trong tổng số những người khuyết tật làm việc tại hai cơ sở thì số người khuyết tật có hoàn cảnh kinh tế gia đình nghèo chiếm 83%, giàu có chỉ chiếm 3%. Điển hình là trường hợp của em P.T.N tại cơ sở xã Khánh Thịnh, bố mẹ em mất sớm trong một lần tai nạn giao thông để lại một mình em sống với bà ngoại. Bà ngoại em đã 81 tuổi, hàng tháng bà sống bằng trợ cấp của Nhà nước và làm ruộng. Em chia sẻ: “Em chỉ nhớ ngày trước lúc còn bố mẹ, em được ăn bánh mì chấm sữa mỗi sáng, nhưng từ khi bố mẹ mất ở với bà thì chỉ củ khoai, củ sắn. Em quen rồi, nhiều người cứ bảo em đi ăn xin mà có cái ăn, nhưng em không đi. Từ khi có việc đan lát, em cũng kiếm được ít tiền để hai bà cháu sinh sống”. Chị Dương Thị Sáu – chủ cơ sở sản xuất may Sáu Toản, xã Yên Thắng cho biết: “Phần lớn các em đến học nghề và làm việc tại cơ sở đều là những em có gia đình nghèo đói, trung bình. Có lẽ nguyên nhân là bởi do bệnh tật, sức khỏe giảm sút, khó kiếm được công ăn việc làm phù hợp nên thu nhập của người tàn tật vừa thấp, vừa bấp bênh. Phải thừa nhận rằng chính những em có hoàn cảnh khó khăn lại là những em có nỗ lực tuyệt vời để thay đổi cuộc sống”. Như vậy, hoàn cảnh gia đình người khuyết tật có tác động đến nhiều yếu tố khác như: sức khỏe, tâm lý của người khuyết tật, ảnh hưởng đến quá trình học nghề và tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật.

Một phần của tài liệu Hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình (Khảo sát tại hai xã Yên Thắng và Khánh Thịnh (Trang 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)