Về tình trạng hôn nhân

Một phần của tài liệu Hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình (Khảo sát tại hai xã Yên Thắng và Khánh Thịnh (Trang 53)

Quyền được sống, được giao lưu, kết bạn và quyền có được một tổ ấm là những quyền mà bất cứ cá nhân nào trên thế giới đều có được. Nó không phụ thuộc vào người đó là ai, họ làm gì. Tuy nhiên, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, người khuyết tật đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời. Vì vậy, hầu như đa số người khuyết tật sống độc thân, chưa có điều kiện kết hôn. Tình trạng hôn nhân của người khuyết tật sẽ phản ánh thêm đời sống, tâm tư, tình cảm và những khó khăn mà người khuyết tật gặp phải.

Biểu đồ 2.7: Tình trạng hôn nhân của người khuyết tật tại hai cơ sở tư nhân Yên Thắng và Khánh Thịnh

Qua biểu đồ trên cho biết phần lớn số người khuyết tật sống độc thân trong tổng số người khuyết tật tại hai cơ sở chiếm 78,9%. Nguyên nhân của tình trạng này qua phỏng vấn sâu người khuyết tật tại hai xã cho biết: do dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật, hoàn cảnh kinh tế gia đình cũng như trình độ học vấn làm cho người khuyết tật ít cơ cơ hội tìm kiếm hạnh phúc. Họ luôn tự nghĩ rằng nếu là người khuyết tật thì sẽ không bao giờ có một tổ ấm. Những khiếm khuyết trên cơ thể, dù nặng hay nhẹ họ vẫn tự nghĩ rằng họ không xứng đáng có được điều đó. Hơn nữa họ sợ kết hôn sẽ ảnh hưởng đến con cái của họ, chị T.H.L (người khuyết tật tại xã Khánh Thịnh) khẳng định: “Em sợ sẽ sinh ra những đứa con giống mình, em không muốn chúng sống cuộc sống mà em đang sống. Em đã nếm trải đủ rồi và chúng sẽ chẳng có ai yêu thương và luôn cô đơn như vậy” Đó có lẽ là câu nói luôn làm trăn trở với mỗi chúng ta khi nghĩ về người khuyết tật. Những thiệt thòi đó không phải dùng một thước đo nào có thể đo được, cảm nhận được nếu chúng ta không đặt mình vào cuộc sống, vào nỗi đau riêng của họ.

Theo khảo sát, số lượng người khuyết tật kết hôn chiếm 17,1% trong tổng số người khuyết tật tại đây và đa số ở dạng khuyết tật nghe nói chiếm 30,8%. Con số này tuy ít nhưng dù sao nó cũng minh chứng rằng người khuyết tật cũng như bao người khác, họ xứng đáng có được tình yêu, tổ ấm của mình. Có một câu chuyện tình cảm động tại Yên Thắng mà mọi người vẫn kể cho nhau nghe, anh H và chị T là hai người khuyết tật, một người khuyết tật nghe nói và một người khiếm thị yêu thương nhau, vượt qua mọi khó khăn để lấy nhau. Và cháu bé ra đời bụ bẫm, đáng yêu là thành quả của sự không ngừng cố gắng đó. Chị T- người khuyết tật khiếm thị chia sẻ: “Chỉ cần nhìn đứa con đang ngày một lớn lên là lòng tôi luôn vui vẻ, bao mệt nhọc, khổ sở xua tan hết. Tôi và anh ấy đồng cảm, yêu thương nhau thật lòng. Ban đầu tôi cũng sợ di truyền, nhưng tôi quyết tâm ở bên nhau, chia sẻ với nhau mọi thứ. Giờ đây có đứa con rồi, tôi thấy rất mãn nguyện”

Do đó người khuyết tật vẫn có thể kết hôn tùy theo từng dạng tật, và mức độ nặng nhẹ khác nhau. Điều quan trọng muốn nói ở đây chính là người khuyết tật luôn có quyền yêu thương và được yêu thương. Họ đã dũng cảm vượt qua rất nhiều rào cản, khó khăn, thử thách thậm chí là vượt qua cả sự sợ hãi, tự ti để nắm giữ hạnh phúc của mình.

Sau khi tìm hiểu, thu thập thông tin, quan sát và phát phiếu hỏi cho thấy tình hình chung về người khuyết tật tại hai cơ sở tư nhân xã Khánh Thịnh và Yên Thắng được đánh giá như sau:

Thứ nhất, về độ tuổi: số lượng người khuyết tật đều có tuổi đời rất trẻ, đa số nằm trong độ tuổi có khả năng lao động tốt nhất, có khả năng sáng tạo tuyệt vời. Chủ hai cơ sở tư nhân đã thu hút một lực lượng lao động trẻ là người khuyết tật đến và làm việc qua loại hình nghề cũng như mục đích mà mỗi cơ sở hướng đến.

Thứ hai, về giới tính; đa số người khuyết tật tại hai cơ sở là nữ giới. Tuy nhiên, số lượng nam giới đến tham gia học nghề và làm việc cũng tương

đối nhiều, điều đó cho thấy nam giới cũng có khả năng làm tốt những công việc như thêu, đan lát và may vá.

Thứ ba, đa số những người khuyết tật tại đây đều không biết đọc biết viết. Điều này chắc chắn sẽ đem lại những khó khăn không hề nhỏ cho những người dạy nghề tại đây. Việc lựa chọn hình thức dạy nghề, loại hình công việc và sự phù hợp giữa loại hình nghề với dạng khuyết tật, trình độ học vấn của người khuyết tật luôn luôn rất quan trọng, đòi hỏi người dạy nghề cần phải cân nhắc và thật sự tâm huyết với nghề.

Thứ tư, hoàn cảnh kinh tế gia đình của người khuyết tật tại đây rất khó khăn chủ yếu là nghèo. Vì vậy, nhu cầu được học nghề để có việc làm thật sự rất quan trọng đối bản thân người khuyết tật cũng như gia đình của họ. Ngoài việc giúp xóa đi tâm lý tự ti mặc cảm thì việc làm cũng giúp họ có thu nhập để nuôi sống bản thân, sống có ích đối với gia đình, xã hội.

Một phần của tài liệu Hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình (Khảo sát tại hai xã Yên Thắng và Khánh Thịnh (Trang 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)