KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu Hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình (Khảo sát tại hai xã Yên Thắng và Khánh Thịnh (Trang 98 - 99)

1. KẾT LUẬN

Được lao động là quyền cơ bản của mỗi cá nhân và là động lực để con người sống, hòa nhập cộng đồng. Nhưng được làm việc với người khuyết tật là một trong những cách thức, là thước đo mức độ hòa nhập của người khuyết tật trong xã hội. Đó là con đường không ít những khó khăn, rào cản xuất phát từ nhận thức, hành vi của tất cả mọi người trong xã hội về người khuyết tật và chính bản thân họ. Hơn ai hết người khuyết tật là người hiểu được những mong muốn, những khát khao được tham gia vào xã hội, hòa nhập để học hỏi, hòa nhập để phát huy, hòa nhập để phát triển bản thân và xã hội. Ý nghĩa nhân văn, truyền thống dân tộc được kết tinh từ những hoạt động cụ thể nhất đối với nhóm người yếu thế trong xã hội.

Luận văn đã nêu ra được những khái niệm, những vấn đề liên quan đến hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật, ý nghĩa của việc làm đối với người khuyết tật, những lý thuyết ứng dụng để giúp hoạt động tạo việc làm đạt hiệu quả tốt hơn.

Luận văn chỉ ra những đặc điểm của người khuyết tật tại hai cơ sở tư nhân như độ tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhân, tình trạng khuyết tật, hoàn cảnh kinh tế gia đình. Đây là những yếu tố tác động đến quá trình học nghề và tìm kiếm việc làm của người khuyết tật.

Qua việc khảo sát 100% số người khuyết tật tại hai cơ sở qua phương pháp trưng cầu ý kiến bằng bảng hỏi và phỏng vấn sâu chủ cơ sở sản xuất, cán bộ Phòng lao động thương binh xã hội huyện, luận văn đi sâu nghiên cứu cách thức, phương pháp dạy nghề và tạo việc làm của hai cơ sở tư nhân trên hai xã khác nhau. Mỗi một cơ sở có một cách đi khác nhau nhưng bước đầu đều đem lại những hiệu quả nhất định. Cơ sở tại Yên Thắng chuyên về một công việc may mặc trong khi đó cơ sở tại Khánh Thịnh nhận nhiều loại hình công việc

hơn cho người khuyết tật. Tuy nhiên đó lại là những công việc chưa ổn định và thu nhập của người khuyết tật chưa cao.

Từ thực trạng trên, luận văn đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Luận văn đã chỉ ra được vai trò của nhân viên công tác xã hội trong hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật nói chung và trong hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật huyện Yên Mô nói riêng.

Một phần của tài liệu Hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình (Khảo sát tại hai xã Yên Thắng và Khánh Thịnh (Trang 98 - 99)