Thứ nhất, việc làm trong các cơ sở dành riêng cho người khuyết tật. Nhiều nước trên thế giới đã sử dụng loại hình này dành cho người khuyết tật, điển hình như ở Ba Lan có gần 300 cơ sở, Nhật Bản có khoảng trên 1000 cơ sở. Tại Việt Nam, hiện nay có hơn 400 cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người khuyết tật.
Thứ hai, việc làm được tổ chức trong các doanh nghiệp của người bình thường. Loại hình này đã và đang được nhiều nước đưa vào thực hiện. Riêng ở nước ta, tuy đã được đưa vào áp dụng vài năm gần đây nhưng còn quá ít những cơ sở áp dụng như Hà Nội, Thái Bình. Sự hạn chế của việc áp dụng hình thức này một phần là do chính sách chưa thực sự khuyến khích họ, mặt khác nhận thức của các chủ doanh nghiệp về khả năng của người khuyết tật chưa đầy đủ.
Thứ ba, việc làm dành riêng theo luật định. Đây là loại hình bắt buộc các chủ doanh nghiệp phải nhận người khuyết tật vào làm theo tỷ lệ quy định. Nước ta quy định các doanh nghiệp phải nhận người khuyết tật vào làm với tỉ lệ từ 2% - 3%.
Thứ tư, việc làm hòa nhập vào cộng đồng người khuyết tật sinh sống. Đây là một hình thức tạo việc làm đang được nhiều nước áp dụng vì nó mang tính hiệu quả kinh tế cao, giảm sự đầu tư của Nhà nước và sự yếu thế của lao động là người khuyết tật. Tuy nhiên, hình thức này chỉ có hiệu quả cao khi nhận thức của xã hội về người khuyết tật cơ bản phải thay đổi, Nhà nước phải có chính sách bảo trợ, người khuyết tật phải vượt qua được những rào cản như trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, và những dịch vụ khác tối thiểu phải có như công cụ lao động, vốn, phương tiện đi lại, môi trường và chỗ làm việc. Tất cả những hệ thống giao thông, phương tiện, công cụ, môi trường phải mang tính hòa nhập.