Huyện Yên Mô có 81% dân số làm nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa, cây hoa màu như lạc, đậu khoai. Ngoài trồng lúa, trồng màu, ở huyện còn trồng nhiều những cây công nghiệp, cây lấy quả, trồng cói, chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung và nhiều loại vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao. Trong những năm qua sản lượng lương thực có bước tăng trưởng khá, toàn huyện tích cực chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, con nuôi. Đặc biệt là công cuộc đổi mới, đồng ruộng được cải tạo, đê đập, hệ thống thuỷ nông được xây dựng, bồi trúc, đồng ruộng gieo trồng được hai – ba vụ đạt năng suất cao. Nhiều xã đạt từ 8 đến 12 tấn/ha. Huyện Yên Mô chính là vùng
trọng điểm lúa, màu của tỉnh. Tổng sản lượng lương thực toàn huyện năm 2008 tăng gấp 1,8 lần so với năm 1995. Chăn nuôi đã trở thành ngành sản xuất chính. Tuy nhiên cũng phải khẳng định rằng trong những năm gần đây, khi giá cả leo thang nên kinh tế thị trường có nhiều biến động chính vì thế nên nên người dân gặp phải rất nhiều khó khăn. Cuộc sống nông nghiệp vốn đã mang đến những nhọc nhằn thì hiện nay càng trở nên khó khăn vất vả. Điều đó minh chứng đúng nhận định rằng đời sống của người khuyết tật ở nông thôn đều mức nghèo và cận nghèo.
Công nghiệp và thủ công nghiệp trước đây còn chậm phát triển tuy nhiên khoảng 5 năm trở lại đây, do chính sách hỗ trợ kinh tế, người dân Yên Mô tiếp thu khoa học kỹ thuật tiên tiến, đầu tư vốn, kỹ thuật phát triển các khu kinh tế tập trung nên mở ra nhiều ngành nghề thủ công, công nghiệp và dịch vụ. Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Các mô hình làng nghề, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng dịch vụ du lịch đã thực sự đem lại cho người dân có cuộc sống ấm no. Toàn huyện có 4 làng nghề truyền thống, 99 doanh nghiệp, 13 tổ hợp, hợp tác xã làm ăn phát triển. Đây chính là yếu tố cơ bản để tạo việc làm cho người khuyết tật tại huyện Yên Mô hiện nay. Đa số người khuyết tật Yên Mô đều làm những công việc truyền thống và làm trong những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ tại địa bàn huyện.