Lý thuyết nhu cầu

Một phần của tài liệu Hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình (Khảo sát tại hai xã Yên Thắng và Khánh Thịnh (Trang 26)

Con người vừa là một thực thể sinh vật vừa là một thực thể xã hội, bản chất xã hội thể hiện ở việc con người là “tổng hòa các mối quan hệ xã hội” với một cơ chế tâm lý đặc thù. Trong suốt quá trình phát triển của con người sinh lý, tâm lý và xã hội thường xuyên biến đổi và tác động qua lại lẫn nhau. Để đảm bảo những yếu tố trên được phát triển một cách hoàn thiện thì nhu cầu của cơ bản của con người cần được đáp ứng, thỏa mãn. Nhu cầu là yếu tố cần thiết để đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của cá nhân. Nếu nhu cầu được thỏa mãn thì sẽ tạo nên cảm giác thoải mái, an toàn cho sự phát triển, ngược lại nếu không đáp ứng được thì sẽ gây nên sự căng thẳng và có thể dẫn đến những hậu quả nhất định. Nhu cầu là động lực kích thích hoạt động và ngược lại hoạt động là điều kiện nảy sinh nhu cầu.

Theo các nhà kinh tế học, nhu cầu chia làm hai loại: nhu cầu tuyệt đối và nhu cầu tương đối. Nhu cầu tuyệt đối là nhu cầu mà bất cứ thành viên của xã hội cũng được thỏa mãn ở một mức độ khuôn khổ tối thiểu. Nhu cầu tương đối là nhu cầu mà sự thỏa mãn chúng đem đến cho con người niềm ao ước, ấp ủ.

Lý thuyết nhu cầu của Maslow, nhà tâm lí học người Mĩ đã xây dựng học thuyết này vào những năm 50 của thế kỷ XX. Hệ thống cấp bậc nhu cầu của Maslow thường được thể hiện dưới dạng một hình kim tự tháp, các nhu cầu ở bậc thấp (nhu cầu cho sự tồn tại) thì xếp phía dưới, trong khi những nhu cầu cho sự triển, hoàn thiện cá nhân được coi là quan trọng hơn chúng được xếp ở các thang bậc trên cao của kim tự tháp. Ông cho rằng mỗi nhu cầu của con người đều phụ thuộc vào nhu cầu trước đó. Nếu một nhu cầu không được đáp ứng (nhu cầu tồn tại – nhu cầu thể chất), cá nhân sẽ gặp cản trở trong việc theo đuổi những nhu cầu cao hơn (nhu cầu giao tiếp xã hội, nhu cầu hoàn thiện cá nhân). Cụ thể như sau:

Nhu cầu thể chất, nhu cầu cơ bản cho sự tồn tại của cá nhân. Đây còn gọi là nhu cầu sinh lý bao gồm các nhu cầu cơ bản của con người như thức ăn, không khí để thở, các nhu cầu làm cho con người thoải mái về mặt cơ thể.

Nhu cầu an toàn, khi con người đã được đáp ứng các nhu cầu cơ bản như ăn, mặc thì các nhu cầu an toàn sẽ đảm bảo cho cá nhân một môi trường không còn nguy hiểm. Cá nhân cần có cảm giác yên tâm khi được an toàn thân thể, được đảm bảo việc làm, được hưởng các dịch vụ y tế và xã hội, tài sản cá nhân được bảo vệ.

Nhu cầu được giao lưu tình cảm và được thuộc về. Cá nhân không thể tồn tại khi thiếu các mối quan hệ từ gia đình, bạn bè, cộng đồng. Vì vậy cá nhân muốn thuộc về một nhóm nào đó, muốn có gia đình yên ấm, bạn bè thân hữu tin cậy. Cảm giác không được yêu thương tin cậy có thể sẽ là nguồn gốc của tâm lý tự ti, mặc cảm.

Nhu cầu được tôn trọng thể hiện mong muốn được người khác quý mến, nể trọng thông qua các thành quả của bản thân và sự quý trọng chính bản thân, coi trọng khả năng của bản thân.

Nhu cầu tự hoàn thiện, đây là bậc cuối cùng và cao nhất trong tháp nhu cầu của Maslow có tác động lớn nhất tới sự hoàn thiện chính mình, đó là nhu cầu được tự khẳng định mình, nhu cầu cho sự trưởng thành cá nhân, cơ hội của sự phát triển và học hỏi cá nhân để tự hoàn thiện mình.

Như vậy nhu cầu có tầm quan trọng và thiết yếu vì chúng là những yếu tố đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của con người. Lý thuyết nhu cầu của Maslow được ứng dụng trong công tác xã hội, trong quá trình tìm hiểu, đánh giá chính xác về đối tượng, những mong muốn của họ để sự giúp đỡ hiệu quả hơn. Trong công tác xã hội đối với người khuyết tật, cách tiếp cận từ góc độ nhu cầu của người khuyết tật sẽ giúp nhân viên công tác xã hội đánh giá đúng về những mong muốn, nhu cầu của người khuyết tật. Việc làm có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả mọi người, vì nó giúp chúng ta thỏa mãn từ một đến

nhiều nhu cầu khác nhau của đời sống. Người khuyết tật cũng vậy, họ cũng có những nhu cầu cơ bản để có thể đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển, tuy nhiên chính những dạng tật mà họ không may gặp phải đã ảnh hưởng đến những hoạt động để thỏa mãn nhu cầu đó hay nói cách khác, dù còn sức lao động nhưng họ không có việc làm. Việc làm giúp người khuyết tật thỏa mãn từ những nhu cầu sinh lý (thức ăn, nước uống, nơi ở…) đến nhu cầu an toàn – cảm giác yên tâm không phải lo sợ trước những nguy hiểm cận kề đến nhu cầu được yêu thương, gắn kết với xã hội. Việc làm giúp người khuyết tật thực hiện được nhu cầu giao lưu tình cảm, nhu cầu được thuộc về nhóm. Khi người khuyết tật được làm việc là khi họ có cơ hội được giao lưu, tiếp xúc với những người khác, họ sẽ cảm thấy không đơn độc và hơn hết những tâm lý tự ti, mặc cảm sẽ giảm bớt. Không chỉ thế việc làm còn giúp cho người khuyết tật đạt được nhu cầu về sự quý trọng, con người được công nhận, được thể hiện bản thân, khẳng định mình. Nhu cầu có việc làm của người khuyết tật còn mang những ý nghĩa nhiều hơn thế, hơn ai hết người khuyết tật có nhu cầu được là chính mình, được làm những gì mình sinh ra để làm, được sử dụng hết khả năng, được cống hiến, được cảm thấy có ích cho gia đình và xã hội. Chỉ khi đánh giá cũng như nắm bắt chính xác nhu cầu, nguyện vọng của người khuyết tật trong vấn đề việc làm thì nhân viên công tác xã hội mới có thể trợ giúp người khuyết tật hiệu quả nhất. Lý thuyết nhu cầu cung cấp cho nhân viên công tác xã hội cái nhìn sâu sắc nhất về ý nghĩa của tạo việc làm cho người khuyết tật, đó chính là cầu nối để người khuyết tật hòa nhập xã hội thông qua các hoạt động thỏa mãn nhu cầu. Vì vậy khi tạo việc làm cho người khuyết tật cần chú ý nhiều hơn đến nhu cầu được tôn trọng, nhu cầu được giao lưu tình cảm, được thuộc về của người khuyết tật.

Một phần của tài liệu Hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình (Khảo sát tại hai xã Yên Thắng và Khánh Thịnh (Trang 26)