Thứ nhất, cần có sự tham gia của chính người khuyết tật trong quan hệ lao động. Điều này được hiểu là người khuyết tật là chủ thể trong mối quan hệ lao động đó. Việc làm đó phục vụ cho cuộc sống và cần thiết đối với người khuyết tật.
Thứ hai, phải tôn trọng sự khác biệt của người khuyết tật. Người khuyết tật là những người bị suy giảm một hay nhiều chức năng hoạt động của cơ thể vì vậy khi tham gia vào quá trình lao động, chính những khuyết tật trên cơ thể họ làm cho họ không thể thực hiện các công việc như người bình thường được. Do đó tạo việc làm cho người khuyết tật nhất thiết phải phù hợp với dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật, phù hợp với sức khỏe, trình độ, khả năng của người khuyết tật.
Thứ ba, tạo việc làm cho người khuyết tật cần mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Tức là phải phù hợp với văn hóa, truyền thống, đạo đức của dân tộc, không vi phạm pháp luật, không lợi dụng người khuyết tật để làm giàu bất chính.
Thứ tư, tạo việc làm cho người khuyết tật phải bền vững, hiệu quả và mang tính ổn định. Lý do là bởi nếu công việc của người khuyết tật chỉ xuất hiện và tồn tại trong một thời gian ngắn càng làm cho tâm lý người khuyết tật mặc cảm, những tác động tích cực của việc làm không còn nữa.
Thứ năm, tạo việc làm cho người khuyết tật phải bảo đảm các quy định của pháp luật về điều kiện làm việc, thời giờ nghỉ ngơi…đối với lao động khuyết tật. Yêu cầu này nhằm bảo đảm sức khỏe để người khuyết tật phát huy được khả năng của mình.
1.3 Một số chính sách về người khuyết tật
1.3.1 Chính sách, luật pháp quốc tế quy định về quyền lợi của người khuyết tật khuyết tật
Công ước Quốc tế về các Quyền của Người khuyết tật là một văn kiện nhân quyền quốc tế do Liên Hiệp Quốc soạn nhằm mục đích bảo vệ các quyền và nhân phẩm của người khuyết tật. Các quốc gia tham gia Công ước phải đảm bảo quyền được thụ hưởng bình đẳng mọi dịch vụ công cộng của người khuyết tật.
Ngày 13 tháng 12 năm 2006, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Công ước Quốc tế về các Quyền của Người khuyết tật A/RES/61/106. Việt Nam là thành viên thứ 118 tham gia ký Công ước vào ngày 22 tháng 10 năm 2007. Được xây dựng dựa trên khuôn khổ Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước Quốc tế về các Quyền của Người khuyết tật đã có hiệu lực từ ngày 3 tháng 5 năm 2008 và lần đầu tiên, Công ước này đã thiết lập quyền của hơn 600 triệu người khuyết tật trên toàn thế giới, đây là hiện ước đầu tiên mang lại vị thế và quyền hợp pháp nhìn nhận tình trạng khuyết tật như là một vấn đề xã hội chứ không phải là một vấn đề y tế và xác lập sự dịch chuyển từ phương thức tiếp cận theo hướng nhân đạo sang hướng nhân quyền.
Chiến lược INCHOEN khu vực Châu Á – Thái Bình Dương giai đoạn 2013 – 2022. Chiến lược này nhằm “Hiện thực hóa quyền” cho người khuyết tật khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Giảm nghèo khổ và tăng cường công việc và việc làm; thúc đẩy sự tham gia trong lĩnh vực chính trị và quá trình ra quyết định; tăng cường tiếp cận với môi trường vật lý, giao thông công cộng, kiến thức, thông tin và tuyên truyền; Tăng cường an sinh xã hội; Mở rộng can thiệp sớm và giáo dục cho trẻ khuyết tật; Đảm bảo bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ; Đảm bảo giảm thiểu và quản lý nguy cơ xảy ra thảm họa, đặc biệt cân nhắc các yếu tố liên quan đến người khuyết tật; Tăng cường độ tin cậy và tính so sánh của dữ liệu về người khuyết tật; Thúc đẩy phê chuẩn và thực hiện Công ước về Quyền của người khuyết tật và hải hòa hóa luật pháp quốc gia với Công ước; Tăng cường hợp tác tiểu vùng, khu vực và liên khu vực.