Việc làm có ý nghĩa quan trọng đối với người khuyết tật, không những tạo ra thu nhập để đáp ứng nhu cầu của bản thân và gia đình người khuyết tật mà còn giúp cho người khuyết tật phục hồi chức năng, có cơ hội giao tiếp xã hội, hòa nhập cộng đồng, đảm bảo quyền công dân của người khuyết tật.
Tại huyện Yên Mô, tình hình thực hiện việc tạo việc làm cho người khuyết tật vẫn đang là vấn đề được quan tâm của các ngành, các cấp. Mặc dù hoạt động dạy nghề ở hai xã khác nhau nhưng có đặc điểm chung là dạy nghề đều gắn với giải quyết việc làm.
2.2.2.1 Cách thức tạo việc làm tại hai cơ sở
Tại Khánh Thịnh, đây là cơ sở sản xuất trung gian qua hoạt động nhận việc làm tại các cơ sở kinh doanh truyền thống đan lát tại huyện Kim Sơn nên sau đó chủ cơ sở dạy người khuyết tật cách làm những sản phẩm đó, rồi thu mua và trả lương cho người khuyết tật tại mỗi cơ sở. Tuy nhiên, đầu vào của cơ sở tương đối đa dạng vì chủ cơ sở sản xuất không chỉ nhận việc làm từ cơ sở huyện Kim Sơn mà còn nhận việc làm tại các cơ sở khác trên toàn huyện. Theo chủ cơ sở sản xuất tại xã Khánh Thịnh cho biết: “ Nếu như chỉ nhận việc làm của một cơ sở thì sẽ có ít việc để làm bởi vì mỗi cơ sở không phải lúc nào nguồn hàng cũng ổn định và duy trì, bây giờ kinh tế khó khăn các cơ sở phải cạnh tranh nhau nhiều nên hàng cũng bớt dần đi. Vì vậy tôi bắt tay với
một số cơ sở khác cùng sản xuất những mặt hàng như vậy để mỗi khi tại cơ sở này không có việc thì có thể cơ sở khác lại đang cần sản phẩm, vậy nên tôi luôn cố gắng làm thế nào để tạo việc làm ổn định cho người khuyết tật” Tuy nhiên, việc đảm bảo duy trì nguồn hàng cho cơ sở mới như thế này lại là một vấn đề khó khăn. Kết quả phỏng vấn người khuyết tật qua bảng hỏi thu được kết quả về loại hình công việc của người khuyết tật có ảnh hưởng đến mức độ ổn định công việc cụ thể như sau: Số ngày người khuyết tật làm việc đều đặn trên một tháng tương đối thấp, chỉ có 17/35 người khuyết tật trả lời 30 ngày đều đặn có việc và đó là công việc đan thảm cói, 11/35 người khuyết tật có việc dưới 15 ngày/tháng với công việc thêu ren và có 6/35 người khuyết tật trả lời có việc từ 15 đến dưới 30 ngày với công việc đan quại bèo. Như vậy, mức độ ổn định công việc của người khuyết tật tại cơ sở Khánh Thịnh nhìn chung vẫn còn thấp, các công việc như đan thảm cói thì thường xuyên có việc hơn so với những công việc khác như thêu ren hay đan quại bèo. Lý giải cho điều này chủ cơ sở sản xuất tại đây cho rằng: “Vì tôi nhận được mối hàng của các cơ sở về đan thảm cói nhiều, do địa bàn gần huyện Kim Sơn thế nhưng công việc đan thảm cói tuy có đều đặn hàng tháng nhưng lại giới hạn trong một số lượng người làm cụ thể vì không thể tạo việc làm đó cho tất cả người khuyết tật. Còn những công việc kia thì khi nào có việc thì mới làm nên mức độ ổn định không cao”. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, khả năng đảm bảo cuộc sống của người khuyết tật. Cũng theo chị chia sẻ: “Thực ra tôi chủ yếu nhận những mặt hàng đơn giản như đan quại quèo, đan thảm vì vậy nên việc vận chuyển nguyên liệu cũng đơn giản hơn so với những hàng khác. Hơn nữa sản phẩm mà cơ sở làm cũng chỉ là bước đầu tiên trong cả một chu trình làm sản phẩm vậy nên giá thành cũng không cao, công trả cho người lao động cũng không cao, ví dụ như đan quại bèo, tôi lấy quại bèo về và hướng dẫn người khuyết tật đan theo khung hình sản phẩm nhưng đó chỉ là bước đầu tiên, còn đến cơ sở của họ phải trải qua rất nhiều khâu như sấy,
nhuộm, ép…nó mới thành sản phẩm lưu thông trên thị trường. Trong thời gian gần đây, kinh tế khó khăn hơn nên nguồn hàng cũng không dồi dào nữa, giá thành lại thấp”. Như vậy tại đây nguồn hàng không ổn định và phụ thuộc rất nhiều vào những cơ sở sản xuất lớn hơn. Số lượng người khuyết tật biết đến cơ sở càng nhiều nhưng lại là một mối lo lớn với chủ cơ sở này: “Thời gian gần đây, tôi thấy nhiều người quan tâm hơn đến công việc này, nhiều người muốn học để làm nhưng nguồn hàng thì ngày một cạn kiệt nên thành ra nhiều khi tôi cũng không biết làm thế nào, đấy là chưa kể vào lúc nông nhàn nhiều bà con rảnh rỗi lại đến những cơ sở lớn nhận sản phẩm về nhà làm tăng thu nhập nên thành ra nguồn hàng của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều”. Như vậy việc tạo việc làm cho người khuyết tật tại cơ sở là một nỗ lực rất lớn của chủ cơ sở xuất phát từ tình yêu thương, đồng cảm với người khuyết tật.
Tại Yên Thắng, cũng giống như chủ cơ sở sản xuất tại Khánh Thịnh, chị Sáu chủ cơ sở may Sáu Toản cũng khẳng định việc đi tìm kiếm nguồn hàng là rất khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cơ sở được thành lập từ khá lâu nên nhận được sự giúp đỡ của nhiều cơ quan, tổ chức làm nền tảng cho đến bây giờ, chị chia sẻ: “ Cũng may mắn là từ năm 2006, dưới sự hỗ trợ của tổ chức quan tâm thế giới, tổ chức CRS, trung tâm dạy nghề huyện mà tôi đã thành lập được doanh nghiệp cho đến bây giờ. Tuy nhiên để giữ được cái nền tảng tốt đó tôi đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, vì ban đầu được sự hỗ trợ của nhiều nơi nên nguồn hàng dồi dào, dần dần cũng ít đi do kinh tế khó khăn hơn vì vậy tôi đã quyết định chủ động hơn trong việc tìm nguồn hàng”. Để giúp người khuyết tật sau khi học nghề có được việc làm luôn tại cơ sở may, chủ cơ sở đã tự đi tìm nguồn hàng qua việc đến các nhà trường, trung tâm, cơ quan, bệnh viện…để có thể duy trì được việc làm cho người khuyết tật. Hiện tại theo chủ cơ sở thì đã có những nguồn hàng ổn định như may đồng phục cho rất nhiều trường trên toàn xã nhà và rất nhiều những xã khác, từ cấp 1
đến cấp 3, nhận may áo bệnh nhân cho một bệnh viện đa khoa huyện và một bệnh viện cấp tỉnh, rồi đến những cơ quan, xí nghiệp và cả người dân đến may. Để có được nguồn hàng ổn định như thế này chủ cơ sở sản xuất đã chia sẻ: “Ban đầu, tôi đến các trường học trên địa bàn xã, huyện tìm nguồn hàng nhưng rồi cũng chỉ được một số khối nhận may, có trường đến lúc đặt hàng được mấy ngày rồi họ lại phá hợp đồng vì do phụ huynh không đồng ý cho con em họ mặc áo đồng phục mà cơ sở của tôi may cho. Thế nhưng không nản chí, tôi động viên người khuyết tật may những sản phẩm đẹp để đem cho mọi người xem, nhận thức của mọi người dần thay đổi thế là tôi nhận được nhiều đơn đật hàng từ các nhà trường hơn. Tuy nhiên có được đơn đặt hàng là một điều khó nhưng duy trì được thì lại càng khó khăn hơn, có trường tôi may cho họ trong 2 năm liền đến năm sau thì họ không đặt hàng nữa. Vì vậy tôi chú trọng nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm và giá thành mềm dẻo hơn, tôi liên tục tham gia rất nhiều những chương trình tập huấn, hội thảo từ cấp huyện đến trung ương về tạo việc làm cho người khuyết tật, đi đâu tôi cũng nói về sản phẩm của cơ sở mình và dần dần tôi có nhiều đơn đặt hàng hơn thậm chí có khi cơ sở của tôi làm không kịp” Tuy nhiên, cái khó khăn của cơ sở là đôi khi người khuyết tật chưa đáp ứng được yêu cầu cao của một số những cơ quan nên chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở sản phẩm may đồng phục, may quần áo hàng ngày cho người dân, nhiều khi sản phẩm không kịp trả hàng rất nhiều do người khuyết tật đau ốm.
“Dạy người khuyết tật đã khó nhưng tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật còn khó gấp bội” Đây là lời chia sẻ chung về vấn đề việc làm cho người khuyết tật được chủ hai cơ sở chia sẻ. Mỗi một cơ sở có một cách thức dạy nghề khác nhau, đối tượng kinh doanh khác nhau,tính chất công việc khác nhau: Một cơ sở sản xuất trong giai đoạn đầu nhưng đã có hướng đi đúng đắn đó là giải quyết việc làm cho người khuyết tật gắn với cộng đồng, gắn với những ngành nghề tại địa phương phù hợp với dạng tật của người khuyết tật.
Tuy nhiên, hiện tại cơ sở vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm nguồn hàng ổn định đồng thời chủ cơ sở nên thúc đẩy việc tìm kiếm nhiều loại hình nghề để người khuyết tật có thêm nhiều cơ hội làm việc. Một cơ sở chuyên về may mặc dân dụng, nguồn hàng ổn định nhưng gặp khó khăn về đáp ứng những yêu cầu cao trong công việc may mặc, đồng thời số người khuyết tật thành thạo làm việc thì thời gian đào tạo tương đối dài hơn nữa tình trạng sức khỏe của người khuyết tật cũng ảnh hưởng phần nào đến kết quả công việc.
2.2.2.2 Về tính chất công việc và mức độ ổn định công việc
Tại Khánh Thịnh, ngành nghề được lựa chọn là những công việc đơn giản nhưng nó không đòi hỏi quá nhiều sức lao động mà chủ yếu buộc người làm phải có sự khéo léo và kiên nhẫn. Công việc đan quại bèo và đan thảm là những công việc được coi là việc không đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn so với thêu ren, tuy nhiên tính chất mỗi công việc lại yêu cầu những kỹ năng khác nhau. Chính vì vậy nên mỗi sản phẩm mà người khuyết tật làm ra có giá thành khác nhau dẫn đến thu nhập của người khuyết tật khác nhau trong cùng một công việc.
Tại Yên Thắng, công việc may vá yêu cầu người khuyết tật cần có nhiều kỹ năng hơn, tỉ mỉ và cẩn thận hơn nhưng trên hết người khuyết tật cần phải chịu khó học hỏi và nỗ lực hơn nữa. Vì đây là nghề đòi hỏi kỹ năng, tuy nhiên người khuyết tật ở đây thực sự đã hoàn thành tốt vai trò của họ. Các em được chị Sáu nhận vào làm việc thuộc nhiều dạng khuyết tật khác nhau như câm điếc, khuyết tật vận động, thiểu năng trí tuệ..., nhưng các em đều được bố trí công việc phù hợp. Như trẻ bị câm điếc thì chị cho các em may vì các em rất khéo tay; các em khuyết tật vận động ở chân thì làm cắt; trẻ thiểu năng trí tuệ thì làm đính cúc, vắt sổ...
Mức độ ổn định công việc có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý làm việc và kết quả công việc của người khuyết tật. Đây cũng được coi là một thước đo đánh giá hiệu quả của hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật tại đây.
Kết quả trưng cầu ý kiến bằng bảng hỏi qua xử lý số liệu SPSS cho thấy: 100% số người khuyết tật tại cơ sở Yên Thắng có 30 ngày làm việc đều đặn, trong khi đó tại cơ sở Khánh Thịnh: chỉ có 17/35 người khuyết tật có 30 ngày làm việc đều đặn, 12/35 người khuyết tật làm việc dưới 15 ngày/tháng. Mức độ ổn định công việc phụ thuộc vào việc chủ cơ sở tư nhân tạo việc làm như thế nào cho người khuyết tật. Hiện tại, cơ sở tư nhân tại xã Yên Thắng đã khẳng định được thương hiệu, được nhiều nơi biết đến đặt hàng vì thế nên đảm bảo được công việc ổn định cho người khuyết tật, còn tại cơ sở xã Khánh Thịnh, do mới thành lập nên chủ cơ sở gặp phải khó khăn do không tìm được việc làm ổn định hơn cho người khuyết tật.
2.2.2.3 Mức độ phù hợp công việc
Mức độ phù hợp là một trong những thang đo để người khuyết tật tự đánh giá công việc đó đã phù hợp với khả năng lao động của họ hay chưa. Nếu mức độ phù hợp này cao thì chứng tỏ người khuyết tật đã được làm những công việc phù hợp với khả năng của họ. Để làm rõ mức độ phù hợp này tôi đã tiến hành phát phiếu điều tra bằng bảng hỏi và phỏng vấn sâu với người khuyết tật đang làm việc tại hai cơ sở của 2 xã Yên Thắng và Khánh Thịnh. Nhìn chung mức độ rất phù hợp được người khuyết tật lựa chọn nhiều nhất tại hai xã điều tra chiếm tỷ lệ cao chiếm 47,3%, số người lựa chọn mức tương đối phù hợp chiếm 34,2% và chỉ có 2/76 người khuyết tật được điều tra lựa chọn chưa phù hợp. Nguyên nhân của việc vì sao người khuyết tật lựa chọn chưa phù hợp, anh V.T.M (người khuyết tật xã Khánh Thịnh) chia sẻ:
“Tôi cảm thấy chưa phù hợp vì tôi bị dạng khuyết tật vận động ở dạng nhẹ và vẫn còn khả năng lao động, vẫn đủ sức khỏe để làm việc và muốn kiếm thêm nhiều tiền để trang trải cho cuộc sống hơn nữa, thế nhưng với việc đan quại bèo tôi cảm thấy chưa thực sự phù hợp với tôi. Tôi mong muốn được học nghề và việc làm khác có thể đáp ứng được với khả năng của tôi hơn”
Chỉ có khoảng 15% số người khuyết tật ở đây lựa chọn là họ cảm thấy bình thường. Còn đa số những người khuyết tật đều lựa chọn ở mức rất phù hợp và tương đối phù hợp. Anh P.V.H (người khuyết tật xã Yên Thắng) cho biết:
“Tôi cảm thấy được học nghề và làm việc ở cơ sở của chị Sáu là một điều rất tốt. Tôi thấy rất phù hợp với dạng khuyết tật vận động của tôi, phù hợp với sức khỏe và khả năng lao động của tôi. Thời gian học nghề, mỗi lúc gặp khó khăn tôi lại được chị Sáu và các bạn trong lớp giúp đỡ, thành ra thời gian học nghề có dài nhưng tôi đã được nhận vào làm việc, tôi đã có một công việc và bây giờ tôi chỉ cần cố gắng là có thể tự nuôi sống bản thân, không làm khổ bố mẹ mình. Hơn nữa khi đến cơ sở của chị Sáu làm việc tôi có cơ hội được nói chuyện, chia sẻ với mọi người cũng có hoàn cảnh giống mình. Tôi thấy rất vui vì được làm việc ở đây. Nếu ngày nào mà bệnh tật tái phát đau ốm là tôi phải nghỉ ở nhà những lúc thế tôi chỉ mong nhanh khỏe để được đi làm việc.”Hầu như tất cả những người khuyết tật mà tôi gặp ở đây đều thể hiện một thái độ vui vẻ khi làm việc, để có được thành công này là bởi những chủ cơ sở sản xuất tại địa phương am hiểu những mong muốn, nguyện vọng, nắm bắt chính xác khả năng của người khuyết tật. Do đó, sự phù hợp với công việc tương đối cao đã chứng tỏ công tác tạo việc làm cho người khuyết tật tại hai cơ sở trên đã phần nào đáp ứng được với khả năng lao động cũng như nhu cầu và mong muốn của người khuyết tật.
2.2.2.4 Mức độ hài lòng với công việc của người khuyết tật
Được làm việc, được lao động để tự nuôi sống bản thân là một trong những mong muốn lớn nhất của người khuyết tật. Tuy nhiên để đánh giá việc người khuyết tật cảm thấy như thế nào đối với công việc của họ đang làm, họ có hài lòng hay không đối vớicông việc đó, tôi sử dụng thang đo mức độ hài lòng với công việc của người khuyết tật tại hai cơ sở nghiên cứu. Kết quả cho thấy giới tính có ảnh hưởng đến việc mức độ hài lòng với công việc của người khuyết tật.
Bảng 2.8: Mức độ hài lòng của người khuyết tật tại hai cơ sởYên Thắng và Khánh Thịnh
Mức độ hài lòng Nam Nữ
Số lượng Tỷ lệ (%) Số lượng Tỷ lệ (%)
Rất hài lòng 14 50 18 37,5
Tương đối hài lòng 2 27,1 11 22,9