Về dạy nghề

Một phần của tài liệu Hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình (Khảo sát tại hai xã Yên Thắng và Khánh Thịnh (Trang 56 - 65)

Dạy nghề và đào tạo nghề là một nội dung quan trọng trong việc bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xã hội nói chung và cũng đảm bảo yêu cầu giải quyết việc làm cho người lao động nói riêng. Đối với người khuyết tật thì dạy nghề là tiền đề tạo ra cơ hội việc làm, xúc tiến việc làm cho người khuyết tật, góp phần hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Qua việc tìm hiểu, quan sát, thu thập thông tin, phát phiếu điều tra bằng bảng hỏi tại hai cơ sở tư nhân tại hai xã ở huyện Yên Mô, tôi nhận thấy mỗi xã có một hình thức dạy nghề và tạo việc làm khác nhau. Hình thức dạy nghề cho người khuyết tật tại Yên Thắng và Khánh Thịnh như sau:

2.2.1.1 Loại hình nghề được dạy tại hai cơ sở

Hoạt động dạy nghề tại cơ sở ở Khánh Thịnh cho thấy, người khuyết tật có nhiều sự lựa chọn nghề hơn, vì ở đây có 3 nghề đó là đan thảm, đan quại bèo và thêu ren. Đây là ba nghề được ưa chuộng nhiều nhất tại đây vì đây là xã gần làng nghề thủ công truyền thống huyện Kim Sơn. Vì vậy, cơ sở sản xuất sử dụng 3 nghề này là chính vì đầu ra tương đối ổn định và thu nhập đủ để người khuyết tật có thể nuôi sống bản thân. Những nghề được chủ cơ sở lựa chọn đều rất phù hợp đối với người khuyết tật vận động bởi vì các công việc đều không đòi hỏi phải di chuyển nhiều mới có thể tạo sản phẩm.

* Tại Yên Thắng

Chuyên dụng hơn đó là cơ sở may ở Yên Thắng chỉ tập trung vào may mặc: nghề may dân dụng. Khi được hỏi lý do tại sao nghề may dân dụng thường được các em lựa chọn nhiều hơn nghề may công nghiệp, chị Dương Thị Sáu cho rằng lý do là bởi nhu cầu may mặc luôn là quan trọng đối với mỗi người, tuy nhiên tại nông thôn – đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, quần áo may sẵn chưa có nhiều, chi phí gia công thấp nên phần lớn người dân lựa chọn may, vừa phù hợp với thu nhập lại vừa vặn với người so với quần áo đại trà. Vì thế, nghề may dân dụng thường được các em lựa chọn nhiều hơn. Hơn nữa, công việc may mặc có nhiều khâu như đính cúc, may tay, may thân…nên tùy từng mức độ khuyết tật và khả năng lao động mà mỗi người có thể làm được những khâu khác nhau. Nhận xét về lao động nam tại đây, chị còn cho biết rằng dù bị khuyết tật nghe nói nhưng các em nam vẫn rất khéo tay và có rất nhiều khâu cần sự tham gia của các em như vắt sổ, đính cúc…

2.2.1.2 Phương pháp, cách thức dạy nghề

*Tại Khánh Thịnh

Đầu tiên cần phải khẳng định rằng đây là một hình thức dạy nghề gắn liền với việc làm tại cộng đồng do một người chủ đứng ra tạo việc làm cho người khuyết tật. Đây là một cơ sở xuất phát từ tâm huyết của một bà mẹ có

con khuyết tật và với mong muốn tạo việc làm cho con cùng với những người khuyết tật khác trên địa bàn xã.

Thứ hai, cơ sở dạy nghề tại đây chủ yếu sản xuất và kinh doanh những mặt hàng thủ công truyền thống như đan thảm cói, đan quại bèo, thêu thùa, tập trung vào đan thảm cói để sản xuất những mặt hàng thủ công mĩ nghệ . Chính vì thế, người khuyết tật tại đây được chủ sử dụng lao động truyền nghề tùy theo mức độ dạng tật cũng như niềm mong muốn được làm việc của người khuyết tật.

Thứ ba, hình thức truyền nghề thường được các cơ sở sản xuất kinh doanh lựa chọn, đó là hình thức dạy nghề kèm cặp tại cơ sở sản xuất. Trong đó sử sụng phương pháp sau: Phương pháp đàm thoại, phát vấn, giảng giải, nêu câu hỏi, phương pháp trực quan. Vì đặc điểm những người khuyết tật tại Khánh Thịnh chiếm đa số là người khuyết tật vận động nên các cơ sở thường sử dụng phương pháp giảng giải nhiều nhất. Phương pháp này đạt hiệu quả cao trong việc dạy nghề cho người khuyết tật là bởi vì nó phù hợp đặc điểm của người khuyết tật vận động và quan trọng hơn là phù hợp với điều kiện của địa phương. Kèm cặp tại cơ sở sẽ giúp người khuyết tật nhìn thấy cụ thể những công việc mà họ phải làm. Tại cơ sở, người khuyết tật được dạy những kiến thức, kỹ năng nghề; kiến thức, kỹ năng hành nghề; thái độ, tác phong làm việc cũng như có sự giúp đỡ lẫn nhau trong học tập.

Thứ tư, sau khi học nghề xong thì những người khuyết tật tại Khánh Thịnh được giao sản phẩm mang về nhà làm, được trả lương tùy theo sản phẩm hoàn thành công việc. Đặc biệt là những cơ sở này đang ngày càng bắt đầu lôi cuốn đông đảo những người khuyết tật ở nơi khác. Tuy nhiên do đặc thù là một cơ sở sản xuất nhỏ, xưởng chưa được xây dựng khang trang mà chủ yếu là sau khi người khuyết tật học nghề có thể tự đem về nhà làm và giao nộp sản phẩm sau khi làm xong.

Do đặc thù tại xã có một cơ sở may Sáu Toản được thành lập từ rất lâu lại chuyên về tạo việc làm cho người khuyết tật nghe nói. Chính vì vậy, phương pháp dạy nghề tại cơ sở sản xuất may Sáu Toản với người khuyết tật nghe nói có những nét đặc trưng riêng.

Thứ nhất, từ khi thành lập cơ sở sản xuất may Sáu Toản, chị Dương Thị Sáu – chủ cơ sở đã hướng đến mục tiêu chung đó là dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật nghe nói. Công việc cụ thể đó là công việc may mặc dân dụng và may mặc xuất khẩu. Vì vậy sau khi lựa chọn được nghề phù hợp với đặc điểm dạng khuyết tật, khả năng tiếp thu, sức khỏe và sở thích của người khuyết tật, cơ sở sản xuất của chị Sáu đã đáp ứng phần nào những mong muốn của người khuyết tật nghe nói. Hơn nữa, đa số người khuyết tật tại Yên Thắng là nữ nên nghề may mặc sẽ được lựa chọn nhiều nhất.

Thứ hai, tại cơ sở sản xuất may Sáu Toản, hình thức dạy nghề được lựa chọn vẫn là hình thức kèm cặp tại xưởng. Chủ cơ sở sử dụng phương pháp trực quan tức là sử dụng các trang thiết bị, các dụng cụ, các mô hình học cụ cụ thể để truyền thụ, hướng dẫn các thao tác cho học viên ngay trên các thiết bị và học cụ đó giúp học viên nắm bắt được nhanh các yêu cầu, kỹ năng của bài học. Theo chủ cơ sở sản xuất tại xã Yên Thắng cho biết: “Đây là phương pháp quan trọng nhất trong dạy nghề và truyền nghề cho người khuyết tật. Hồi đầu mới dạy nghề cho người khuyết tật nghe nói, tôi không biết là mình đã bỏ đi bao nhiêu mảnh vải mẫu, bao nhiêu quần áo cũ được tận dụng và rất nhiều các loại giấy để các em thực hành may. Ngoài ra tôi còn sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, hặc kết hợp các phương pháp với nhau: ví dụ tôi phối hợp giữa phương pháp trực quan với phương pháp đàm thoại bằng việc sử dụng ký hiệu để dạy các em khuyết tật cắt may.” Không chỉ thế tại cơ sở sản xuất của chị còn một phương pháp rất độc đáo, tức là các học viên cùng giúp nhau học, ai biết cái gì sẽ tự dạy cho bạn cái đó và ngược lại. Điều này rất thuận lợi với những người khuyết tật nghe nói vì họ thường có những cách

thức giao tiếp vô cùng đơn giản như việc họ tự quy ước ý nghĩa của các ký hiệu cho nhau để họ có thể hiểu nhau nhanh hơn việc giáo viên giảng dạy cho người kia.

Thứ ba, chị Sáu cho biết chị còn tự xây dựng giáo trình để giảng dạy riêng cho các em khuyết tật nghe nói qua việc đúc kết kinh nghiệm, và tham khảo các tài liệu dạy nghề khác

Thứ tư, người khuyết tật đến học tại cơ sở đều được chủ cơ sở kèm cặp hướng dẫn chi tiết, tỷ mỉ, lặp đi lặp lại nhiều lần để củng cố bài học.

Thứ năm, chủ cơ sở sản xuất đang dần chuyển sang hướng dạy nghề và làm việc theo một dây chuyền, chuyên môn hóa sản xuất. Qua thời gian học nghề chị sẽ nắm bắt được về kỹ năng nghề, những điểm mạnh, điểm yếu của từng em cùng với những dạng tật của em để biết cách lựa chọn cho em một công việc phù hợp. Ví dụ với những em khuyết tật nặng và khả năng hiểu và thực hành kém sẽ có nhiệm vụ chuyên may những đường cơ bản, chuyên thêu cúc áo…còn những em làm tốt hơn chuyên cắt, vắt sổ…

Mỗi một địa phương đều có một cách thức, phương pháp áp dụng cho người khuyết tật khác nhau, tuy nhiên nó đều phù hợp với đặc điểm dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật của người khuyết tật trên địa bàn đó. Tại Khánh Thịnh đa số là người khuyết tật vận động nên những cách thức, phương pháp trên là phù hợp. Còn tại Yên Thắng mô hình tạo dạy nghề và tạo việc làm của chị Sáu lại gắn với đặc điểm của người khuyết tật nghe nói. Phương pháp chủ yếu được sử dụng là phương pháp trực quan, điều này khác với phương pháp giảng giải tại Khánh Thịnh. Đó là do chủ cơ sở sản xuất đã nắm bắt chính xác đặc điểm của người khuyết tật, khả năng và nhu cầu của người khuyết tật để từ đó tìm ra cách thức giảng dạy phù hợp và cho hiệu quả cao tại huyện Yên Mô.

2.2.1.3 Về thời gian dạy nghề

Thời gian đào tạo nghề vô cùng quan trọng trong việc học nghề hiệu quả và đối với người khuyết tật thì lại càng trở nên quan trọng. Bởi vì, thời gian học nghề ngắn sẽ làm cho người khuyết tật khó nắm vững nghề để có thể đáp ứng được với yêu cầu của công việc sau này. Nhưng thời gian học nghề kéo dài sẽ khiến người khuyết tật nhàm chán, vì tâm lý của bất kỳ người nào cũng muốn nhanh có việc làm tự phục vụ cuộc sống.Tuy nhiên thời gian học nghề phụ thuộc vào tính chất của ngành nghề đó. Qua tìm hiều, thời gian học nghề của hai xã như sau:

* Tại Khánh Thịnh

Hiện tại, cơ sở đang tiến hành dạy nghề và việc làm cho người khuyết tật với 3 ngành nghề chủ yếu: Đan quại bèo, thêu ren và đan thảm cói.Đối với những công việc như đan quại bèo, đan thảm cói, thêu ren thì tùy vào từng công việc mà thời gian học khác nhau. Cụ thể, công việc đan thảm mất khoảng 15 đến 20 ngày học để có thể cho ra đời một sản phẩm đơn giản, tuy nhiên để đan những sản phẩm phức tạp hơn thì thời gian dạy nghề sẽ lâu hơn đối với người khuyết tật. Công việc đan quại bèo, thời gian học nghề là 1 đến 1,5 tháng còn thêu ren là nghề cần dạy lâu nhất từ 3 đến 6 tháng. Đây là thời gian mà theo chị Hiền chủ cơ sở sản xuất cho rằng rất phù hợp với đặc điểm khuyết tật vận động tại xã. Chị khẳng định mặc dù thời gian dạy nghề tại xã tương đối dài so với những cơ sở khác trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong cùng một loại nghề nhưng điều quan trọng là cơ sở sản xuất dạy nghề đảm bảo cho người khuyết tật làm việc được ngay sau khi họ kết thúc học nghề đồng thời vừa dạy nghề vừa nâng cao tay nghề. Việc phân chia thời gian học nghề phụ thuộc vào mức độ khuyết tật, khả năng nắm bắt công việc của từng người khuyết tật.

* Tại Yên Thắng

Tại Yên Thắng, cơ sở sản xuất của chị Sáu Toản chỉ dạy hai nghề chính là may mặc dân dụng và may mặc xuất khẩu. Do may mặc là một công việc

đòi hỏi sự tỷ mỉ, kỹ thuật cao nên thời gian học nghề ở đây là từ 9 tháng đến 1 năm. Cũng như tại Khánh Thịnh, cơ sở sản xuất của chị Sáu cũng vừa dạy nghề vừa nâng cao tay nghề cho người khuyết tật. Cơ sở sản xuất của chị Sáu sẽ nhận luôn những người khuyết tật vào làm việc sau khi được học nghề nên thời gian học nghề của chị dài hơn các cơ sở khác với mục đích khi học nghề xong người khuyết tật có thể bắt đầu làm việc thành thạo, với mức lương xứng đáng với những khả năng của họ. Tuy nhiên, trong khi học nghề người khuyết tật tại cơ sở sản xuất của chị vẫn được hỗ trợ tiền ăn, uống và tiền sản phẩm nếu như sản phẩm hoàn thiện.

2.2.1.4 Về giáo viên dạy nghề tại hai cơ sở

Trong bản tham luận đọc tại Đại hội những tấm gương tiên tiến tỉnh Ninh Bình, chị Dương Thị Sáu đã cho biết: “ Dạy nghề cho người khuyết tật, tôi đã gặp không ít những khó khăn bởi thời gian tiếp thu của các em cũng khác nhau, có em có thể may được may cơ bản sau 1 tháng nhưng cũng có em chật vật sau 2 – 3 tháng học nghề. Chưa kể khi thời tiết thay đổi, các em mệt mỏi phải tạm dừng công việc để nghỉ ngơi, tính tình của các em thay đổi bất chợt, nhiều lúc tôi lo lắng không ăn không ngủ được và nản chí. Nhưng chính những đêm không ngủ ấy tôi lại tìm ra được cách tiếp cận mới để dạy cho các em. Và tôi lại thử, đã rất nhiều lần thất bại.Mặc dù rất thương các em nhưng trong giờ làm việc, tôi rất nghiêm khắc, em nào làm sai, tôi bắt phải tháo ra làm lại bằng được. Tôi cầm tay chỉ việc, uốn nắn tận tình cho các em, những em nào ở ngoài địa bàn xã, tôi hỗ trợ tiền ăn, ở sinh hoạt tại chỗ... Có rất nhiều đoàn khách đến thăm quan cơ sở của tôi và hỏi bí quyết dạy nghề và tạo việc làm tốt cho người khuyết tật là gì, tôi trả lời ngay: Thứ nhất là phải có kỹ năng chuyên môn cao, thứ hai là tình thương và trách nhiệm, thứ ba là kiên trì và chịu khó. Tôi nghĩ rằng nếu ai muốn dạy nghề cho người khuyết tật mà không có 3 yếu tố này thì sẽ khó thành công”. Có lẽ việc đào tạo nghề cho người khuyết tật có nhiều điểm khác khi dạy nghề cho người bình thường,

giáo viên ngoài trình độ chuyên môn cần phải có “tâm” chính là tình yêu thương và trách nhiệm vô điều kiện, là sự kiên trì không ngại khó, ngại khổ thì mới hướng dẫn cho người khuyết tật bởi đặc điểm người tâm lý người khuyết tật có những nét riêng nhất định.

Như vậy, tại hai cơ sở, giáo viên dạy nghề là những chủ cơ sở sản xuất. Chủ cơ sở sản xuất tại địa phương là những người đã tốt nghiệp trung học phổ thông, trung cấp nghề nhưng có kinh nghiệm, nhanh nhạy trong nắm bắt thị trường, lại là người am hiểu về tình hình người khuyết tật tại địa phương, am hiểu nghề truyền thống phù hợp với người khuyết tật. Chủ cơ sở sản xuất có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng lao động là người khuyết tật đồng thời có khả năng triển khai, nhân rộng hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật. Mặt khác, xét trên địa bàn nông thôn, kinh tế khó khăn thì đó chính là những người thực sự tâm huyết với công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật.. Tiêu biểu là chị Dương Thị Sáu – chủ cơ sở sản xuất may Sáu Toản, chị đã được công nhận danh hiệu lao động tiên tiến, tấm gương lao động điển hình của tỉnh Ninh Bình trong năm 2008, 2009 và chị Vũ Thị Hiền xã Khánh Thịnh.

* Nhận xét chung

Như vậy, ở mỗi địa phương có những nghề đào tạo khác nhau cho người khuyết tật. Điều này phụ thuộc vào đặc điểm kinh tế xã hội, nhu cầu, phong tục, phương thức sản xuất lâu đời tại địa phương đó. Khánh Thịnh là địa bàn gần với làng nghề truyền thống lâu đời ở Kim Sơn như đan thảm, hay dóc quại bèo, thêu thùa đó là những nghề thủ công trong khi đó nghề được doanh nghiệp may Sáu Toản lựa chọn là nghề may mặc với loại hình là may

Một phần của tài liệu Hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình (Khảo sát tại hai xã Yên Thắng và Khánh Thịnh (Trang 56 - 65)