Khái niệm tạo việc làm cho người khuyết tật

Một phần của tài liệu Hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình (Khảo sát tại hai xã Yên Thắng và Khánh Thịnh (Trang 31 - 32)

Quá trình kết hợp sức lao động và điều kiện để sản xuất là quá trình người lao động làm việc. Người lao động làm việc không chỉ tạo ra thu nhập cho riêng họ mà còn tạo ra của cải vật chất, tinh thần cho xã hội. Vì vậy tạo việc làm không chỉ là nhu cầu chủ quan của người lao động mà còn là yêu cầu khách quan của xã hội.

Tạo việc làm cho người khuyết tật là quá trình tạo ra số lượng, chất lượng, sức lao động và các điều kiện kinh tế xã hội khác để kết hợp tư liệu sản xuất và sức lao động cho người khuyết tật nhằm giúp cho người khuyết tật có công việc ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội đồng thời giúp người khuyết tật tự tin, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, ở góc độ của những nhà nghiên cứu xã hội, nhà công tác xã hội, tạo việc làm cho người khuyết tật bên cạnh việc tạo cho họ có môi trường được học nghề, làm việc tùy theo dạng tật thì việc làm cho người khuyết tật cũng chính là việc chỉ đơn giản là họ có thể tự chăm sóc bản thân mình thay vì phải có người chăm sóc phục vụ, hoặc phải trả công cho dịch vụ này.

Tạo việc làm cho người khuyết tật cần đảm bảo những yêu cầu như sau: Thứ nhất, cần có sự tham gia của chính người khuyết tật trong quan hệ lao động. Điều này được hiểu là người khuyết tật là chủ thể trong mối quan hệ lao động đó. Việc làm đó phục vụ cho cuộc sống và cần thiết đối với người khuyết tật.

Thứ hai, phải tôn trọng sự khác biệt của người khuyết tật. Người khuyết tật là những người bị suy giảm một hay nhiều chức năng hoạt động của cơ thể vì vậy khi tham gia vào quá trình lao động, chính những khuyết tật trên cơ thể họ làm cho họ không thể thực hiện các công việc như người bình thường được. Do đó tạo việc làm cho người khuyết tật nhất thiết phải phù hợp với dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật, phù hợp với sức khỏe, trình độ, khả năng của người khuyết tật.

Thứ ba, tạo việc làm cho người khuyết tật cần mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Tức là phải phù hợp với văn hóa, truyền thống, đạo đức của dân tộc, không vi phạm pháp luật, không lợi dụng người khuyết tật để làm giàu bất chính.

Thứ tư, tạo việc làm cho người khuyết tật phải bền vững, hiệu quả và mang tính ổn định. Lý do là bởi nếu công việc của người khuyết tật chỉ xuất hiện và tồn tại trong một thời gian ngắn càng làm cho tâm lý người khuyết tật mặc cảm, những tác động tích cực của việc làm không còn nữa.

Thứ năm, tạo việc làm cho người khuyết tật phải bảo đảm các quy định của pháp luật về điều kiện làm việc, thời giờ nghỉ ngơi…đối với lao động khuyết tật. Yêu cầu này nhằm bảo đảm sức khỏe để người khuyết tật phát huy được khả năng của mình.

Một phần của tài liệu Hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình (Khảo sát tại hai xã Yên Thắng và Khánh Thịnh (Trang 31 - 32)