Thành tố quan trọng trong các yếu tố đầu vào của hệ thống GDĐH chính là chất lượng sinh viên được nhận vào học tại cơ sở đào tạo. Có quan điểm hiện nay cho rằng “đầu vào” không quan trọng mà quyết định là ở “quá trình”, do vậy không nên coi đây là yếu tố ảnh hưởng hay tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo. Theo quan điểm này, một số trường ĐH đã thực hiện tuyển sinh theo nguyên tắc tự nguyện ghi danh mà không cần quan tâm đến chất lượng ban đầu của người học.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đã chỉ ra rằng điểm trung bình các môn thi của thí sinh được nhận vào trường ĐH có tương quan chặt chẽ đến kết quả tốt nghiệp. Thực tế cũng cho thấy, ngoại trừ những trường hợp có tiêu cực, điểm số của học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và đặc biệt là điểm thi tuyển sinh vào CĐ-ĐH, về cơ bản là phản ánh đúng trình độ của người học trong quá trình học ở ĐH. Trường có “đầu vào” tốt thì cũng có nhiều sinh viên giỏi và môi trường học tập được nâng cao. Điều này có tác động tích cực đến chất lượng đào tạo.
Một cách khái quát, chất lượng đầu vào của sinh viên phụ thuộc vào các yếu tố: quá trình tuyển chọn (đề thi, tổ chức thi, cách thức tuyển chọn, …) và động lực của người học. Trước hết người học phải tự xác định được cho mình động cơ học tập đúng đắn và có quyết tâm cao là học để lập thân, lập nghiệp. Bên cạnh đó, nếu nhà trường là cơ sở đào tạo có uy tín, có “thương hiệu”, có điều kiện thuận lợi phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu của sinh viên thì cũng sẽ góp phần tạo nên động lực thúc đẩy sự say mê học tập của sinh viên.