Đối với Chính phủ.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về chất lượng đào tạo nhân lực trình độ đại học ở việt nam ( Toàn văn luận án + phụ lục đính kèm ) (Trang 145)

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

5.2.1.Đối với Chính phủ.

a) Về việc xây dựng, ban hành các quy định liên quan đến chất lượng đào tạo

Chính phủ cần sớm ban hành hoặc chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng ban hành các quy định của Luật GDĐH có liên quan đến chất lượng đào tạo như: đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng; phân tầng các cơ sở GDĐH để đánh giá uy tín và chất lượng đào tạo của từng trường, phục vụ cho việc quy hoạch và phát triển mạng lưới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hình thành các trung tâm chất lượng cao, gắn đào tạo với sử dụng nhân lực, gắn nhà trường với DN.

Một số chủ trương đã được nêu trong các Nghị quyết của Trung ương, đặc biệt Nghị quyết Trung ương 8, khóa 11 gần đây như việc gắn kết cơ sở đào tạo với cơ sở SXKD, coi sự chấp nhận của thị trường lao động đối với người học là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá uy tín, chất lượng của cơ sở đào tạo, khuyến khích các DN, cá nhân sử dụng lao động tham gia hỗ trợ hoạt động đào tạo, …cũng cần được thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Chính phủ cần có các cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy liên kết ĐH-DN, tạo điều kiện thuận lợi để trường ĐH và DN hợp tác với nhau trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của DN. Việc này có thể được thực hiện thông qua các chính sách ưu đãi về vay vốn tín dụng, cấp đất đai để triển khai các chương trình đào tạo liên kết, khấu trừ các khoản tài trợ cho trường ĐH để phục vụ cho công tác đào tạo khi xác định thu nhập chịu thuế.

b) Về việc đổi mới cơ chế tài chính, tăng phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước

144

Hiện nay, ngân sách Nhà nước cho ĐTĐH mới chỉ đạt khoảng 10% tổng chi ngân sách giáo dục. Nguồn thu từ học phí còn rất hạn hẹp. Trong năm 2009, nguồn thu này là 4.100 tỷ đồng đối với khối trường công lập và 1.400 tỷ đồng đối với khối trường ngoài công lập. Do việc tăng quy mô đào tạo quá nhanh, nên suất đầu tư trung bình cho 1 sinh viên trong 1 năm hầu như không tăng trong suốt 10 năm qua và hiện chỉ ở mức từ 4-6 triệu đồng đối với sinh viên trường công lập và từ 3-5 triệu đồng đối với sinh viên trường ngoài công lập. Với mức đầu tư thấp như vậy, cùng với những bất cập trong công tác quản lý, rất khó có thể đảm bảo chất lượng đào tạo ở ngưỡng tối thiểu. Vì vậy, Nhà nước nên tăng thêm ngân sách cho giáo dục, đồng thời cơ cấu lại ngân sách giáo dục để tăng thêm phần chi cho GDĐH. Phần tăng thêm này nên tập trung cho việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo và xây dựng một số trường ĐH trọng điểm, đào tạo chất lượng cao, làm đầu tàu cho cả hệ thống ĐH. Khi đó, các DN mới cơ hội tuyển dụng được đội ngũ nhân lực có trình độ cao, làm nòng cốt cho đổi mới và sáng tạo công nghệ, nâng cao rõ rệt năng lực cạnh tranh.

Để tăng thêm nguồn lực tài chính cho các trường ĐH, cần thực hiện chính sách học phí theo đúng lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP năm 2010, trong đó, cho phép các trường được nới rộng mức trần học phí và có quyền chủ động nhiều hơn trong việc sử dụng nguồn thu từ học phí để phục vụ cho nâng cao chất lượng đào tạo. Để hỗ trợ cho sinh viên nghèo, sinh viên thuộc diện chính sách, Chính phủ nên xem xét nâng mức học bổng, thực hiện việc miễn giảm học phí, mở rộng điều kiện vay vốn tín dụng. Chuyển việc Nhà nước hỗ trợ người học thông qua việc cấp ngân sách cho các trường công lập sang việc hỗ trợ trực tiếp cho sinh viên, bất kể đó là sinh viên trường công lập hay ngoài công lập. Như vậy, sẽ nâng được tính hiệu quả và đảm bảo sự công bằng.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về chất lượng đào tạo nhân lực trình độ đại học ở việt nam ( Toàn văn luận án + phụ lục đính kèm ) (Trang 145)